Thuốc lá điện tử độc hại như thế nào?
(Dân trí) - Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam phân tích, trong thuốc lá điện tử sử dụng nicotin là chất gây nghiện mạnh. Hơn nữa, chất lượng nicotin được sử dụng trong thuốc lá điện tử hiện nay chưa được kiểm soát, vì vậy, một số sản phẩm có thể chứa các chất độc nguy hiểm khác.
Theo BS Lâm, không chỉ riêng nicotin là chất gây nghiện được cảnh báo, mà trong thuốc lá điện tử còn sử dụng chất aerosol với mục đích làm giả khói thuốc khi hút. Đây là một chất độc hại và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch và các bệnh khác. Những chất độc này không chỉ ảnh hưởng đến người sử dụng thuốc lá mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh với những người hít phải khói thuốc lá điện tử một cách thụ động.
"Việc hết hợp giữa nicotin và aerosol sẽ mang đến sự lạm dụng nguy hiểm cho người hút thuốc lá điện tử", BS Lâm cảnh báo.
Ngoài mối nguy từ chất độc trong khói thuốc lá điện thử, chúng cũng là mối nguy hiểm với trẻ nhỏ bởi khi trẻ em tò mò, nghịch ngợm cắn/nuốt phải các gói, hộp đựng nicotin dùng cho thuốc lá điện tử có thể gây nên tình trạng nhiễm độc cấp tính. Đặc biệt, điếu thuốc lá điện tử có nguy cơ phát nổ khi hút, có thể gây thương tích nghiêm trọng cho người sử dụng. Trên thực tế đã có những tai nạn liên quan đến cháy nổ khi hút thuốc lá điện tử.
"Tuy nhiên, sự độc hại của thuốc lá điện tử, hay những nguy hiểm khi sử dụng đều bị các quảng cáo giấu tiệt, khiến nhiều người lầm tưởng thuốc lá điện tử là an toàn, không gây nghiện, thậm chí có thể thay thế để tiến tới cai nghiện thuốc lá truyền thống. Hiện nay, có một bộ phận thanh thiếu niên đang vô tư sử dụng thuốc lá điện tử vì nhầm tưởng an toàn", BS Lâm nói.
Một khảo sát được thực hiện từ năm 2015 về hút thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) cho thấy hiện có khoảng 1% người trên 15 tuổi ở Việt Nam đã từng dùng thử thuốc lá điện tử và khoảng 0,2% hiện đang sử dụng sản phẩm này, tương đương với khoảng hơn 140.000 người sử dụng. Trong đó, nhiều người không biết rõ về các tác hại của chúng.
PGS.TS Phan Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cũng bày tỏ lo ngại khi thực tế, có quá nhiều người lầm tưởng thuốc lá điện tử là an toàn. Trong khi đó, nhiều công trình nghiên cứu khẳng định, hút thuốc lá điện tử vẫn có nguy cơ gây ung thư và không giúp cai nghiện thuốc lá mà còn gây nghiện.
"Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, hút thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện và có hại. Thậm chí nếu đem so sánh thuốc lá điện tử với thuốc lá điếu truyền thống thì nguy cơ bị ung thư do thuốc lá điện tử gây ra cao gấp 15 lần thuốc lá điếu", PGS Phương nói.
Vì thế, bà đưa ra cảnh báo giới trẻ, người dân không nên hút thuốc điện tử, cũng tiến tới cai nghiện thuốc lá truyền thống bởi khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, với hàng trăm loại cực độc và ít nhất có tới 70 loại gây ung thư như axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K cho thấy những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng chết sớm hơn người không hút đến 20 năm. Và thực tế, tại Việt Nam thuốc lá gây ra 40.000 cái chết mỗi năm, nhiều hơn số tử vong do tai nạn giao thông và AIDS.
Trước những mối nguy của thuốc lá điện tử, WHO luôn đưa ra khuyến cáo để ngăn ngừa trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử. Theo đó, WHO khuyến cáo có thể cấm bán thuốc lá điện tử cho trẻ em và vị thành niên; cấm quảng cáo thuốc lá điện tử và áp thuế đối với sản phẩm này; Cấm sử dụng thuốc lá điện tử ở các môi trường trong nhà; Yêu cầu sử dụng các thành phần không gây nguy hiểm cho sức khỏe và các thành phần được cho phép sử dụng phải có độ tinh khiết cao nhất; yêu cầu làm rõ những thông tin chưa được chứng minh về lợi ích của thuốc lá điện tử nhằm mục đích tiếp thị những sản phẩm này.
"Đặc biệt đối với lứa tuổi thanh thiếu niên, WHO khuyến cáo không nên bắt đầu sử dụng thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả thuốc lá điện tử", BS Lâm nói.
Nhận diện thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử cung cấp dạng khí dung được ra bởi nhiệt do đốt cháy dung dịch mà người dùng hít vào cơ thể. Bên cạnh nicotine, các thành phần chính của dung dịch theo thể tích là propylene glycol, có hoặc không có glycerol và các chất tạo hương.
Thuốc lá điện tử có thể được thiết kế giống các loại thuốc lá bình thường (ví dụ như thuốc lá, xì gà, xì gà mi ni, tẩu hay điếu), nhưng chúng cũng có thể được thiết kế các hình dạng khác như bút, USB và các dụng cụ hình trụ hoặc chữ nhật có kích thước lớn hơn.
Sự đa dạng về hiệu điện thế của pin và kết cấu mạch điện có thể tạo ra sự khác biệt trong khả năng đốt cháy dung dịch thành dạng phun sương và hậu quả là sự ảnh hưởng đến việc cung cấp nicotine và các chất khác cũng như góp phần hình thành các chất độc trong quá trình thải khói.
Hồng Hải