1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nông dân ở quê có 2 luống rau”

(Dân trí) - “Cá nhân tôi đã trực tiếp đi xem ngay ngoại thành Hà Nội và vùng lân cận thì thấy người nông dân ở quê có 2 luống rau, luống cho mình và luống để bán. Luống cho mình xấu hơn, luống để bán xanh hơn”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nông dân ở nhà quê có 2 luống rau”
Sau khi trực tiếp ra vùng ngoại thành Hà Nội và vùng lân cận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận thấy người nông dân trồng 2 luống rau, một luống để ăn và một luống để bán.

Đó là tâm tư của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với các nhà tài trợ và các Bộ ngành quan liên quan để bàn về những vấn đề cần hỗ trợ và khả năng hợp tác, hỗ trợ quốc tế trong quản lý an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, khu bếp của nhiều gia đình trung lưu ở Việt Nam hiện nay luôn có chiếc máy lọc nước riêng. “Họ cũng thường mua rau tại cửa hàng rau sạch. Nhiều người nhờ người thân ở quê để có nguồn rau, thịt riêng. Tôi không biết uống rượu nên không phân biệt được, nhưng bạn tôi nói rượu càng đắt thì rượu giả càng nhiều. Nhiều người khuyên giờ đi đâu uống rượu thì uống rượu rẻ tiền thôi. 

Cá nhân tôi đã trực tiếp đi xem ngay ở ngoại thành Hà Nội và vùng lân cận, người nông dân ở quê có 2 luống rau, luống cho mình và luống để bán. Luống cho mình thì rau xấu hơn, luống để bán thì xanh hơn. Tất nhiên không phải tất cả nhưng không phải hiếm gặp. Tôi nói thật, tôi ít đọc báo cáo, nhưng lúc nào nghỉ tôi chạy đi xem thôi, nhưng đúng thật”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng Việt Nam sát với Trung Quốc nên việc kiểm soát thuốc tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc kích thích, gia vị nhập lậu vô cùng khó. “Tôi đã làm chủ tịch một tỉnh có biên giới sát Trung Quốc rồi, những loại hàng đó không qua hải quan đâu. Bên kia là Trung Quốc, bên này Việt Nam, nói tiếng giống nhau không phân biệt được, chỉ lội nước là sang”, Phó Thủ tướng cho biết.

Đánh giá các mặt hàng nông sản được đưa vào siêu thị cơ bản có chất lượng tốt, tuy nhiên hiện nay 80% hàng hóa vẫn lưu thông qua hệ thống chợ. Phó Thủ tướng chia sẻ: “Làm sao tổ chức phân phối cho 80% hàng nhỏ lẻ ở các chợ mới là câu chuyện rất lớn. Tôi là con nông dân, nhà làm nông nghiệp nên tôi biết. Người nông dân chủ yếu là nghe truyền miệng nhau. Có mấy người nông dân được dự án của New Zealand hỗ trợ trực tiếp đâu; chủ yếu nghe thông tin từ hệ thống của Bộ Nông nghiệp, khuyến nông, công ty bán phân, bán thuốc. Người nông dân Việt Nam chủ yếu rỉ tai nhau, thấy người hàng xóm bón phân này tốt thì cũng bón như vậy, thậm chí bón thêm một ít.

Biết vậy thì làm thế nào? Theo tôi quan trọng nhất là tăng cường năng lực của hệ thống các cơ quan. Chương trình nào cũng có truyền thông, nhưng phải đổi mới truyền thông, mang kiến thức thực tế dễ hiểu cho người dân. Xóa mù công nghệ cho nông dân để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thay đổi thói quen… Cách tốt nhất để cảnh báo cho người dân là trong tất cả các chợ có đặt thiết bị thử để người nào nghi ngờ thì có thể vào đó thử; nếu thực phẩm không sạch thì sẽ không mua nữa”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị “Đừng xin tài trợ để mua ô tô nữa, phải làm những cái hết sức thiết thực”.

3 cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội chung 1 máy vi tính

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), những năm gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Chính vì vậy đầu năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030. Trong đó mục tiêu đến năm 2015 là 70% người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, 80% người quản lý, 79% người tiêu dùng có kiến thực và thực hành đúng về an toàn thực phẩm; 100% địa phương hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, 100% siêu thị được kiểm soát an toàn thực phẩm, 50% chợ được quy hoạch và kiểm soát an toàn thực phẩm (không bao gồm chợ tự phát)…

Trước những nhiệm vụ hết sức nặng nề, phức tạp của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và trước những khó khăn, hạn chế về mặt kinh phí, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm kiến nghị Chính phủ, các tổ chức quốc tế trong thời gian tới tăng cường đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là đối với một số đề án/hoạt động đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên chưa có kinh phí để triển khai.

Đơn cử như đề án Tăng cường năng lực Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tuyến tỉnh đến năm 2015 có tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến 970 tỷ đồng; trong đó mua sắm trang thiết bị thiết yếu 179 tỷ đồng, xây dựng, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc 703 tỷ đồng và đào tạo, tập huấn chuyên môn 88 tỷ đồng.

Đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết báo cáo của 63 Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy mới chỉ có 17 Chi cục đã có trụ sở làm việc riêng biệt, còn lại 46 Chi cục (73%) vẫn phải đi mượn một số phòng làm việc của các đơn vị khác hoặc phải thuê, diện tích thì nhỏ hẹp, gây khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp chỗ làm việc cho cán bộ, công chức cũng như ảnh hưởng đến mọi hoạt động chung của Chi cục.

Về thiết bị văn phòng (máy ví tính) và phương tiện đi lại (ô tô), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết cũng đang là trở ngại đối với các Chi cục. Hiện nay trung bình 2 cán bộ chung 1 máy tính, thậm chí có nơi 3 cán bộ mới có 1 máy vi tính như ở Hà Nội, Tây Ninh. 38 Chi cục đã có từ 1-2 chiếc ô tô phục vụ đi lại, 25 Chi cục còn lại chưa được trang bị ô tô, vẫn phải đi thuê hoặc mượn của đơn vị khác. Với số lượng cơ sở thực phẩm đa dạng về loại hình và số lượng lớn như hiện nay, việc thiếu phương tiện sẽ gây khó khăn, hạn chế cho công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.

“Hiện có khoảng 30 Chi cục đã có quyết định phê duyệt xây dựng trụ sở của UBND tỉnh, có địa phương đã có quyết định giao đất, tuy nhiên chính thức chưa có kinh phí triển khai. Mặc dù đây là năm cuối cùng để thực hiện Đề án”, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết.

Thế Kha