Người Việt thấp lùn: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi
(Dân trí) - Ngày 31/1/2018, trong đợt phát động phong trào Dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam, Bộ Y tế thông báo trong 25 năm qua (1993-2018) chiều cao của Việt tăng rất ít, khoảng 3 cm và hiện chỉ đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ !!! Chiều cao này khá thấp so với chuẩn tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới và thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á.
Thấp lùn, suy dưỡng đã được cảnh báo từ lâu !
Hội thảo “Dinh dưỡng hợp lý cho sự phát triển của trẻ em”, tháng 10-2009, Hà Nội, cho thấy trẻ em Việt Nam đang được nuôi dưỡng không hợp lý: Trong khi tuổi học đường toàn quốc chỉ được cung cấp 90% năng lượng cần thiết cho cơ thể phát triển, ở các thành phố lớn trẻ lại ăn “thừa năng lượng” đến 125% nhu cầu. Chất can-xi, rất cần để cải tạo chiều cao, bị thiếu hụt trầm trọng chỉ được khoảng 60% nhu cầu. Ngoài ra do thiếu vận động nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế.
Theo công bố của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, tháng 6/2013, chiều cao của người Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp. Trong khi trung bình của thế giới: nam 18 tuổi là 176,8cm và nữ là 163,7cm, thì chiều cao thanh niên Việt Nam nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn chuẩn 13,1cm và nữ chỉ đạt 153cm, kém hơn chuẩn là 10,7cm. So với thanh niên các nước châu Á như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, tầm vóc thân thể của thanh niên nước ta đều thấp hơn từ 6 đến 10cm.
Trong Hội thảo “Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam” do Viện Dinh dưỡng tổ chức ngày 02/3/2016 tại Hà Nội, PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng: “Chỉ so với Nhật Bản, mấy thập kỷ trước họ còn bị gọi là lùn, thì nay chiều cao trung bình nam giới của họ đã hơn 8cm với nam giới Việt. Với tốc độ tăng chiều cao 1 - 1,5cm trong một thập kỷ, chúng ta phải chờ đợi từ 60 cho đến 80 năm nữa ta mới cao được như người Nhật”, “khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam không đủ lượng canxi theo nhu cầu” và “ do thiếu vận động nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế”.
Bên cạnh đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi tính chung cả nước mỗi năm chỉ giảm được 1%; hiện vẫn còn ở mức cao chiếm gần 25% và có sự chênh lệch nhiều giữa các vùng miền. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là 30% và Tây Nguyên là 34%. Suy dinh dưỡng ở trẻ em đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi cùng với thiếu vi chất dinh dưỡng đã ảnh hưởng lớn đến phát triển chiều cao, tầm vóc của người Việt Nam.
Các yếu tố ảnh hưởng phát triển chiều cao
Các nghiên cứu Nhật Bản cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm: chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể dục thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%. Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) của những yếu tố ảnh hưởng lên chiều cao là các yếu tố “có thể cải tạo được” (modifiable factors).
Từ thời Minh Trị thiên hoàng, người Nhật đã đưa ra một quốc sách là chương trình “Bữa ăn trưa học đường”: món ăn buổi trưa tại trường được người ta chăm chút, chọn lựa cẩn thận, theo những tài liệu, hướng dẫn khoa học chính thống.
Nước Anh có chương trình bữa ăn trưa đã được quy định trong luật giáo dục: trường tiểu học, trung học và cao đẳng có trách nhiệm cung cấp bữa ăn trưa cho học sinh.
Tại Hoa Kỳ, năm 2000 chính phủ tài trợ miễn phí 5,56 tỷ đô-la cho ăn trưa và 1,4 tỷ đô-la cho bữa ăn sáng ở các trường tiểu học và trung học. Tại Indonesia có khoảng 600.000 trẻ em tuổi đi học được nhận sữa bò vô trùng miễn phí và khoảng 400.000 trẻ khác được nhận sữa đậu nành. Thái Lan cũng có chương trình phát sữa miễn phí cho học sinh tương tự.
Ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Đề án bao gồm 04 Chương trình lớn, trong đó có Chương trình số 02: “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan”, và một nội dung quan trọng của Chương trình số 02 này là xây dựng "Chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học".
Ngày 31/1/2018 vừa qua, Bộ Y tế lần nữa tổ chức Lễ phát động Phong trào đẩy mạnh dinh dưỡng toàn cầu tại Việt Nam và triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới để cải tạo chiều cao cho người Việt.
Thay lời kết
Trong đấu trường, kể cả “ao nhà” Đông nam Á, vận động viên Việt Nam chúng ta thường “khớp cơ” trước các đối thủ cao lớn hơn. Theo dõi, trận chung kết U23 châu Á, rõ ràng chúng ta đã thua không phải vì sân cỏ đầy tuyết mà vì chiều cao không đủ để tranh bóng bằng đầu với Uzbekistan !
Vào thập niên 40 của thế kỷ trước, người Nhật rất thấp, đến mức họ thường bị ghép thêm tính từ lóng Nhật “lùn”. Thời điểm đó, người Việt chúng ta đã cao hơn người Nhật 2cm, nhưng nhờ ý thức và “cải tạo” chế độ ăn uống tích cực, đến nay người dân xứ sở mặt trời mọc lại cao hơn ta 10cm, cao tương đương các nước Âu, Mỹ.
Khoa học đã chỉ rõ rằng, đến hơn ba phần tư yếu tố ảnh hưởng chiều cao là có thể cải tạo, điều chỉnh được, trong đó yếu tố dinh dưỡng là quan trọng nhất.Vì thế, để cải thiện chiều cao thì cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng (ba năm đầu đời của trẻ), lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.
“Biết rồi, khổ lắm, đã nói mãi”. Tại sao không cải tạo chế độ ăn hợp lý, đúng khoa học để cho người Việt chúng ta khỏi mặc cảm, “xứng tầm” với bè bạn năm châu bốn biển? là câu hỏi của chúng ta, những chủ nhân ông của xã hội hôm nay.
TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam