1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Mảnh đạn nằm trong cơ thể 43 năm xé rách mạch máu

(Dân trí) - Nữ bệnh nhân nhập viện với cánh tay trái biến dạng, phình lớn, gây đau đớn. Qua kiểm tra hình ảnh, bác sĩ xác định mạch máu của bệnh nhân bị tổn thương do một mảnh đạn nằm trong cơ thể từ 43 năm trước.


Cánh tay trái của người bệnh bị sưng lớn, nổi mạch máu gồ ghề khi đến bệnh viện.

Cánh tay trái của người bệnh bị sưng lớn, nổi mạch máu gồ ghề khi đến bệnh viện.

Ngày 4/12, thông tin từ TS.BS Đỗ Bá Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân, TPHCM cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp bị tổn thương mạch máu rất hy hữu do hỏa khí. Nữ bệnh nhân là bà N.T.T. (46 tuổi, ngụ tại Tiền Giang).

Trước đó, tay trái bệnh nhân bị sưng lớn, mạch máu to nổi gồ trên gây đau nhức rất dữ dội, mất chức năng vận động. Người bệnh đến bệnh viện địa phương kiểm tra thì được bác sĩ chẩn đoán rò động mạch, tĩnh mạch tay trái (cánh tay này to hơn tay phải khoảng 40%). Tình trạng bệnh vượt khả năng chuyên môn của bệnh viện địa phương nên bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bình Dân, TPHCM điều trị.

Tại đây, sức khỏe của bệnh nhân diễn tiến xấu, chỉ đi được vài bước là thở dốc, đau đớn, phải có người đỡ. Tay trái của người bệnh không thể cầm nắm được đồ vật, mạch ở cổ tay không bắt được. Qua thăm khám và chụp CT-Scan, bác sĩ phát hiện lỗ rò thông thành động mạch với tĩnh mạch vùng dưới đòn tay trái có đường kính lên đến 10mm, ngay vị trí lỗ rõ có mảnh kim khí kích thước khoảng 3mm. Bệnh nhân cho biết, đây là mảnh đạn bị trúng từ thời chiến tranh lúc bà mới được 3 tuổi.


Tĩnh mạch tay trái phình lớn trên kết quả kiểm tra hình ảnh.

Tĩnh mạch tay trái phình lớn trên kết quả kiểm tra hình ảnh.

Phân tích chuyên môn của ThS.BS Dương Duy Trang, Trưởng đơn vị Tim mạch Can thiệp chỉ ra: Lỗ rò mạch máu ở bệnh nhân làm máu từ tim thay vì đổ hoàn toàn vào động mạch đã bị đẩy một phần vào tĩnh mạch. Đây là nguyên nhân khiến tĩnh mạch của người bệnh dần phình lớn, hình thành mạng lưới tĩnh mạch phụ chằng chịt. Lượng máu lớn bất thường từ tĩnh mạch đổ về tim, buộc tim phải hoạt động tăng bù, khiến bệnh nhân luôn mệt mỏi. Bên cạnh đó, tình trạng tĩnh mạch “cướp” máu động mạch qua lỗ rò lâu ngày làm cánh tay tê buốt, đau nhức do thiếu máu nuôi.

Để chặn dòng thông nối động - tĩnh mạch bất thường, tránh nguy cơ cánh tay bị teo nhỏ, mất chức năng do thiếu máu nuôi và nguy cơ phát sinh nhiều biến chứng khác, các bác sĩ tiến hành can thiệp mạch máu, tiếp cận động mạch dưới đòn tay trái, đặt stent bít lỗ rò cho bệnh nhân. Sau 1 giờ khẩn trương, thủ thuật trên đã kết thúc thành công. Một tuần sau, người bệnh đã thoát khỏi các triệu chứng đau nhức, khó chịu cánh tay. Bệnh nhân cũng dần tìm lại chức năng cầm nắm, vận động nhờ mạch máu trở về với trạng thái bình thường.


Sau can thiệp, tĩnh mạch tay trái của bệnh nhân đã trở lại bình thường.

Sau can thiệp, tĩnh mạch tay trái của bệnh nhân đã trở lại bình thường.

Theo nhận định chuyên môn của bác sĩ, hiện mảnh kim khí trong cánh tay của bệnh nhân đã nằm yên vị, được búi cơ bao bọc nên không gây đau nhức hoặc tổn thương nên không cần lấy ra. Nhiều khả năng lỗ rò tạo đường thông giữa động mạch và tĩnh mạch đã xảy ra ngay sau khi bị thương. Khi đó, cơ thể bệnh nhân đang phát triển nên đã lấn át được những tác động từ vết thương. Tuy nhiên, đến nay sức khỏe của bệnh nhân bắt đầu đi xuống, hệ mạch máu yếu dần nên lỗ thông ngày càng lớn gây ra biến chứng.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, vết thương hỏa khí là tình trạng rất nhiều người dân Việt Nam gặp phải trong thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, khi chưa có các biến chứng xảy ra người bệnh thường có tâm lý chủ quan nên không đi điều trị, chỉ khi dị vật gây biến chứng nguy hiểm mới tìm tới bệnh viện. Biến chứng do hỏa khí gây ra có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng vì thế những bệnh nhân gặp phải tình trạng tương tự nêu trên cần đi kiểm tra để được hỗ trợ kịp thời về chuyên môn từ các bác sĩ.

Vân Sơn