Không thể phủ nhận vai trò của Thực phẩm chức năng

(Dân trí) – Không thể vì một số bất cập còn tồn tại trong khâu quản lý mà phủ nhận vai trò của Thực phẩm chức năng trong dự phòng, nâng cao sức khỏe và hỗ trợ điều trị cho người sử dụng.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong (ảnh) , Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm về vấn đề này.

Không thể phủ nhận vai trò của Thực phẩm chức năng

Thưa ông, thời gian gần đây có rất nhiều thông tin trái chiều xung quanh vai trò, công dụng của thực phẩm chức năng. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của TPCN trong việc dự phòng, nâng cao sức khỏe người sử dụng hay hỗ trợ cho công tác điều trị bệnh. Bộ Y Tế cũng đã khẳng định và luật hóa điều này một cách rõ ràng trong Luật An toàn Thực phẩm. Theo đó, TPCN là những sản phẩm hỗ trợ chức năng các bộ phận cơ thể con người nhằm nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh.

Sở dĩ chưa có một cách nhìn nhận chung về TPCN là vì còn tồn tại một số bất cập và chưa có công tác truyền thông đủ mạnh để mang đến cho người dân những hiểu biết đúng đắn.

Ông đánh giá như thế nào, khi trên thực tế vẫn tồn tại những mặt trái của TPCN, như việc quảng cáo quá đà, hay sản phẩm gian lận chất lượng?

TPCN mới chỉ vào Việt Nam vào khoảng năm 2000, và cho đến nay đã có 3 văn bản của Bộ Y Tế về quản lý TPCN. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới nên trong quá trình phát triển sẽ khó tránh khỏi nhiều bất cập. Vì thế, sắp tới Bộ sẽ phải tiếp tục đưa ra những thông tư mới để quản lý mặt hàng này sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Về cơ bản, có những trường hợp sai phạm, nhưng chúng ta không thể đánh đồng, quy chụp tất cả các sản phẩm đều như vậy. Cái nào sai phải xử lý cái đó, khâu quản lý nào chưa đúng thì chấn chỉnh chứ không thể đánh đồng rồi đổ tiếng xấu cho TPCN. Nếu cứ đánh đồng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng sẽ bị vạ lây, và người tiêu dùng mất đi cơ hội sử dụng các sản phẩm tốt hỗ trợ tăng cường sức khỏe.

Sử dụng TPCN có vai trò rất lớn trong công tác dự phòng bệnh, và là một xu hướng trên toàn thế giới. Chúng tôi cho rằng đây là một xu thế không thể lật ngược và không thể phủ định.

Ông có thể nói rõ hơn về xu hướng sử dụng sản phẩm này trên thế giới?

Sử dụng TPCN đã trở thành xu hướng trên toàn thế giới. Tại những nước phát triển như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada việc sử dụng TPCN là rất phổ biến. Tại Mỹ, trên 70% dân sử dụng TPCN hàng ngày. Việt Nam ta cũng không nằm ngoài quy luật này. Dù TPCN mới vào VN từ năm 2000 nhưng đến nay đã có hơn 10.000 sản phẩm lưu hành trên thị trường, trong đó nhập khẩu chiếm đến 40%. Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, đã có thêm gần 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng.

Xã hội hiện đại với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã dẫn đến nhiều thay đổi trong phương thức làm việc (ngồi văn phòng nhiều hơn, vận động ít hơn…), thay đổi phương thức đi lại (trước đây đi bộ nhiều, nay có nhiều phương tiện cơ giới hỗ trợ), rồi việc ăn quá nhiều, chuộng thức ăn nhanh… nên nguy cơ bệnh tật cũng nhiều hơn. Việc bổ sung thực phẩm chức năng vì vậy mà trở nên quan trọng, cần thiết. Tất nhiên ở đây tôi nói việc dùng TPCN là hoàn toàn tự nguyện và với những người có điều kiện.

Người dân trong nước vẫn còn chưa hiểu đúng – hiểu đủ về TPCN, ông nghĩ gì về thực tế này?

Chúng tôi rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan truyền thông, để làm sao phổ biến, tuyên truyền đầy đủ thông tin cho cộng đồng. Người dân phải ngừng hiểu lầm TPCN là thuốc điều trị, đồng thời dùng đúng mục đích khi cần hỗ trợ sức đề kháng, nâng cao sức khỏe, hỗ trợ điều trị… Tôi cho rằng việc chủ động dự phòng, tránh mắc bệnh cũng là một hình thức giảm tải cho ngành y tế.

Trước những bất cập còn tồn tại trong quản lý TPCN, tới đây, cơ quan quản lý đã có phương án gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

Sắp tới, chúng tôi sẽ ra thông tư mới về quản lý TPCN và quy định cụ thể hơn về ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng. Trong ghi nhãn, chúng tôi dứt khoát giám sát để đảm bảo ghi rõ dòng chữ: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không thay thế thuốc chữa bệnh.” Hướng dẫn sử dụng thì phải có căn cứ, cơ sở khoa học, không thể đưa ra hướng dẫn sử dụng chung chung.

Về quảng cáo, dứt khoát phải quảng cáo đúng nội dung được cơ quan y tế thẩm định. Nếu doanh nghiệp cố tình làm sai thì mức xử phạt sẽ tăng lên rất nhiều. Trong dự thảo nghị định đang trình Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP thì mức xử phạt tăng lên cao gấp 3 – 5 lần so với hiện nay. Thậm chí, Luật ATTP cho phép phạt gấp 7 lần đối với hành vi vi phạm mang tính chất tăng nặng. Ngoài ra sẽ có hình phạt bổ sung thu hồi giấy phép hoạt động. Tôi cho rằng, nghị định nếu được ban hành sẽ là một công cụ quản lý TPCN rất chặt chẽ.

Được biết, tại hội thảo về TPCN mới đây có rất nhiều ý kiến của chuyên gia cũng như lãnh đạo quản lý đều cho rằng việc cán bộ y tế hướng dẫn sử dụng TPCN là rất quan trọng, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Sự tư vấn của cán bộ y tế là vô cùng cần thiết và có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Khi người dân chưa nắm đầy đủ các thông tin thì sự hướng dẫn của những người có chuyên môn là cách tốt nhất giúp họ hiểu đúng – dùng đúng TPCN. 

Tú Anh (thực hiện)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm