Không nên uống đủ liều kháng sinh?

(Dân trí) - Các bác sĩ đa khoa luôn nói với bệnh nhân rằng việc không uống đủ liều kháng sinh là sự vô trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng. Nhưng một nghiên cứu khác lại cho thấy nếu uống thuốc sau khi đã khỏe mạnh có thể khuyến khích các siêu vi kháng thuốc.

Không nên uống đủ liều kháng sinh? - 1

Báo cáo từ 10 chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm của ĐH Oxford và Trường Y Brighton & Sussex cho thấy lời khuyên hiện tại thiếu các bằng chứng rõ rệt. Thay vào đó, họ cho rằng việc ngừng uống kháng sinh sớm sẽ là cách an toàn và hiệu quả trong việc giảm việc lạm dụng thuốc.

GS. Martin Llewelyn, đứng đầu nhóm báo cáo, cho biết trên Dailymail: “Trong lịch sử, các liều kháng sinh đều được tính toán dựa trên nỗi lo ngại điều trị kém mà ít quan tâm đến việc sử dụng quá liều. Uống đủ liều có thể đang chống lại một trong những niềm tin về thuốc men cơ bản và phổ biến nhất. Có lẽ đã đến lúc chúng ta chỉ nên uống đủ nhu cầu”.

Kháng kháng sinh đang là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu mà lạm dụng kháng sinh là nguyên nhân chính, do vi khuẩn ngày càng kháng thuốc và phát triển thành các siêu vi khuẩn.

Viết trên tạp chí BMJ, GS. Llewelyn và các cộng sự cho biết: “Niềm tin rằng uống đủ liều kháng sinh có thể giảm thiểu kháng thuốc lại chính là rào cản cơ bản trong việc giảm tình trạng sử dụng kháng sinh không cần thiết”.

Họ nói thêm: “Mỗi bệnh nhân sẽ có phản ứng khác nhau với từng loại kháng sinh. Hiện tại, chúng ta đang bỏ qua thực tế này và thay vào đó lại đưa ra khuyến nghị về liệu trình uống kháng sinh vốn chỉ dựa trên những bằng chứng nghèo nàn”.

Ở bệnh viện, bệnh nhân thường được điều trị kháng sinh cho đến khi các kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng viêm đã được đẩy lùi.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Ở ngoại viện, nơi các xét nghiệm lặp lại thường không khả thi, bệnh nhân nên ngừng dùng kháng sinh khi thấy khỏe hơn, điều này mâu thuẫn trực tiếp với khuyến nghị của WHO (bệnh nhân cần uống đủ liều kháng sinh thậm chí ngay cả khi họ bắt đầu thấy khỏe khoắn). Tuy nhiên, cộng đồng cần được khuyến khích để nhận ra rằng kháng sinh là một nguồn tài nguyên quý giá và cần được bảo tồn”.

Để có báo cáo này, các chuyên gia đã phân tích kết quả của rất nhiều nghiên cứu đáng tin cậy về kháng sinh. Họ nhận thấy một số liều điều trị ngắn hơn (giảm một nửa) không có tác dụng với sự hồi phục của bệnh nhân, khiến bệnh nhân tái phát bệnh và tử vong.

Một số kháng sinh khác sẽ hiệu quả nhất khi uống trong 1 thời gian dài hơn, chẳng hạn như kháng sinh điều trị lao, trong khi ở những bệnh nhân viêm phổi, liều ngắn hơn lại có hiệu quả.

Các tác giả cũng cho rằng cần có thêm nhiều thử nghiệm để đưa ra những khuyến nghị cụ thể về việc bệnh nhân nên uống thuốc trong bao lâu.

Vẫn nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ

Trước việc GS. Llewelyn kêu gọi các bác sĩ ngừng khuyến nghị bệnh nhân nên uống đủ liều kháng sinh bởi lo ngại rằng việc tiếp tục điều trị sau khi bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn sẽ làm tăng tình trạng kháng kháng sinh - khi các siêu vi sẽ tiếp tục tiến hóa và trở nên miễn nhiễm với kháng sinh, GS. Helen Stokes-Lampard, Chủ tịch Hội các bác sĩ đa khoa Royal College (Anh) cho biết không nên thay đổi hành vi chỉ dựa trên 1 nghiên cứu như vậy.

GS. Stokes-Lampard cho rằng: “Những liều kháng sinh khuyến nghị không phải là ngẫu nhiên - chúng được điều chỉnh theo từng điều kiện riêng biệt và trong nhiều trường hợp, liệu trình là rất ngắn”.

“Chúng tôi lo ngại về việc bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc giữa chừng khi họ cảm thấy tốt hơn. Bởi sự cải thiện các triệu chứng không có nghĩa là nhiễm trùng đã được loại bỏ hoàn toàn”.

Còn các bác sĩ đa khoa cho rằng việc không uống đủ liều kháng sinh là vô trách nhiệm, làm tăng nguy cơ kháng thuốc và họ luôn kêu gọi hãy thận trọng với bản báo cáo mới này.

Tổ chức Y tế cộng đồng Anh khuyến nghị bệnh nhân nên tiếp tục thực hiện việc uống kháng sinh theo lời khuyên của bác sĩ.

Nhân Hà