1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hạt ô môi “chém” rách phế quản, bé gái phù như lực sĩ

(Dân trí) - Gần hai tuần sau lần ăn hạt ô môi bị ho sặc sụa, mặt cổ và toàn thần bé gái bị phù như cơ thể lực sĩ. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định phế quản phải của bệnh nhân bị dị vật “chém” rách gây tràn khí.

Ngày 14/4, BS Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho hay, tại đây vừa can thiệp kịp thời cứu sống bệnh nhi bị hóc dị vật đặc biệt nguy hiểm. Bệnh nhân là bé Dương Ngọc Tường V. (38 tháng tuổi, ngụ tại Thới Lai, Cần Thơ).

Theo BS Thế Huy đây là trường hợp hóc dị vật bị bỏ quên đặc biệt nguy hiểm
Theo BS Thế Huy đây là trường hợp hóc dị vật bị bỏ quên đặc biệt nguy hiểm

Ngày 11/4, bé được bệnh viện địa phương chuyển đến Nhi Đồng 1 trong tình trạng thở nhanh, vùng mặt cổ và ngực bụng phình lớn nhìn như cơ thể lực sĩ. Kết quả chụp X-quang ghi nhận, trẻ gặp phải tình trạng tràn khí vùng trung thất và tràn khí dưới da.

Khai thác bệnh sử từ người nhà ghi nhận, trước đó khoảng 2 tuần cháu bé đang nằm võng thì được mẹ cho ăn hạt ô môi. Khi đang ăn, cháu bị ho sặc sụa, mặt tím tái nên gia đình chuyển đến bệnh viện huyện kiểm tra, bác sĩ không phát hiện dấu hiệu bất thường nên cho cháu về.

Vị trí dị vật bít tắc và chém rách phế quản bên phải
Vị trí dị vật bít tắc và chém rách phế quản bên phải

Trước khi phải chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, bệnh nhi có biểu hiện sốt nhẹ, vùng mặt sưng phù sau đó lan dần đến các vùng khác của cơ thể. Bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị dị vật đường thở, tại Nhi Đồng 1, ngay trong đêm nhập viện bé được tiến hành nội soi thám sát. Khi ống nội soi đi qua khí quản, bác sĩ ghi nhận những dấu hiệu bất thường nên tạm dừng thủ thuật.

Sáng 12/4, bệnh nhi được chụp CT-Scan, bác sĩ xác định dị vật rất lớn (dài khoảng 1,79cm) nằm bít phế quản bên phải, phế quản có đường rách gây thoát khí. Dị vật đã gây xẹp phổi bệnh nhi, tạo áp lực âm nên mỗi lần trẻ hít thở, dị vật càng đi vào sâu hơn. “Trong lần nội soi lần thứ hai, chúng tôi đã phải dùng kìm bóp vỡ dị vật rồi gắp từng mảnh ra ngoài. Ghép lại các mảnh vỡ thì xác định đó chính là hình dạng của hạt ô môi với lớp vỏ cứng và khá sắc”

Hạt ô môi sau khi được bác sĩ dùng kìm bóp vỡ và gắp từng mảnh ra ngoài
Hạt ô môi sau khi được bác sĩ dùng kìm bóp vỡ và gắp từng mảnh ra ngoài

Hai ngày sau khi được lấy dị vật ra ngoài thành công, sức khỏe bệnh nhi đã tạm ổn. Cháu không còn bị khó thở, hình dáng cơ thể trở lại bình thường. Các bác sĩ đang theo dõi vết rách ở phế quản để có hướng xử lý phù hợp nếu tổn thương không thể tự lành lại.

BS Nguyễn Thế Huy cho biết, đây là một trường hợp dị vật đường thở bị bỏ quên rất nặng. Bệnh nhân nhập viện trễ nhưng may mắn chưa có biến chứng nguy hiểm xảy ra. Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh không nên cho con trẻ ăn các loại trái cây có hạt nhỏ nếu chưa loại bỏ chúng bởi kỹ năng lừa hạt của con trẻ chưa hoàn thiện nên nguy cơ hóc sặc xảy ra rất cao.

Vân Sơn