Đỏ mặt khi uống bia rượu: Biểu hiện nhỏ nguy cơ lớn

(Dân trí) - Nếu bạn thường bị đỏ mặt, nóng và có cảm giác “phừng phừng” sau vài lần cụng ly, thì hãy cảnh giác: bạn rất dễ bị cao huyết áp.

  

Người bị đỏ mặt khi uống rượu bia dễ bị cao huyết áp

Người bị đỏ mặt khi uống rượu bia dễ bị cao huyết áp

 

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc đã thu thập số liệu của hơn 1.700 người và thấy rằng những người cho biết thường bị đỏ mặt sau khi uống rượu bia nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn gấp 2,27 lần những người uống mà không đỏ mặt.

 

Từ lâu các chuyên gia đã biết rằng rượu bia làm huyết áp tăng vọt trong thời gian ngắn. Khi lượng cồn trong rượu bia đi vào máu, cơ thể sẽ chuyển hóa nó thành acetaldehyd. Chất này có tính độc đối với tế bào, có khả năng làm tổn thương chức năng của tế bào gan. Acetaldehyd ức chế sự hình thành các vi ống và tiết xuất protein, làm biến đổi màng ty thể dẫn đến hậu quả là chết tế bào gan. Aldehyd còn tác động đến các tế bào thần kinh gây ra tình trạng say rượu và mệt mỏi.

 

Khi vào cơ thể, acetaldehyd làm giãn các mạch máu, khiến huyết áp tụt xuống. Nhưng khi cồn được đào thải, cơ thể sẽ nhanh chóng nâng huyết áp trở lại mức trước khi uống, dẫn đến huyết áp tăng cao hơn bình thường. Tình trạng “mặt đỏ phừng phừng” xảy ra khi cơ thể không thể giáng hóa được acetaldehyd. “Do đó, nguy cơ cao huyết áp tăng ở những người này do cơ thể kém đào thải acetaldehyd”, BS Jong-Sung Kim, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Tinh trạng mặt đỏ và bốc hỏa khi uống rượu hay xảy ra hơn ở người có làn da sáng, phụ nữ ở độ tuổi 30 - 60 và hay gặp ở nữ hơn ở nam giới.

 

Tuy có một số cách có thể giúp giảm tình trạng đỏ mặt khi uống, như dùng laser để giảm thiểu các mạch máu nằm nông trên da mặt và tránh những tác nhân kích thích, như gia vị cay nóng, song cách duy nhất có hiệu quả để ngăn ngừa cả tình trạng đỏ mặt khi uống và những hậu quả của nó là hạn chế bia rượu.

 

Cẩm Tú

Theo MSN