Bệnh viêm não mô cầu: Quan trọng là phát hiện sớm!

(Dân trí) - Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm não mô cầu thay cho cách điều trị theo kinh nghiệm trước đây. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, để điều trị thành công, quan trọng nhất là phát hiện và dùng kháng sinh sớm.

Bệnh viêm não mô cầu: Quan trọng là phát hiện sớm!
Bệnh não mô cầu với các ban xuất huyết điển hình. Ảnh: Cấp Nguyễn

 

 

Về chẩn đoán, hướng dẫn điều trị mà Bộ Y tế ban hành mới đây nêu rõ: nếu một bệnh nhân mà có các yếu tố dịch tễ như có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể có người đã được xác định viêm não mô cầu, lại có các biểu hiện lâm sàng như sốt cao đột ngột, có thể có rét run, ho, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu, rồi thêm các triệu chứng màng não - não như đau đầu dữ đội, buồn nôn, rối loạn ý thức, li bì, vật vã, kích thích… thì cần nghĩ đến nguy cơ viêm não mô cầu.

 

Theo một bác sĩ có kinh nghiệm điều trị bệnh viêm não mô cầu tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, việc chẩn đoán xác định sớm, điều trị kháng sinh sớm rất quan trọng. Bởi với những trường hợp viêm não mô cầu thể tối cấp sẽ khiến bệnh nhân nhanh chóng bị nhiễm trùng nhiễm độc nặng, rơi vào tình trạng sốc, suy đa thể tạng và có thể tử vong nhanh trong vòng 24h.

 

Về nguyên tắc điều trị, Bộ Y tế nêu rõ là cần sử dụng kháng sinh sớm (chọn và liều lượng các loại thuốc kháng sinh cụ thể như PenicillinG, Ampicillin, hoặc Cefotaxin, Ciprofloxacin…), hồi sức tích cực và cách ly người bệnh.  

 

Bác sĩ trên cho rằng hướng dẫn cụ thể về loại thuốc và liều lượng cho cả bệnh nhi và người lớn sẽ rất hữu ích cho bác sĩ tuyến dưới điều trị đúng phác đồ, giảm nguy cơ tử vong. Bởi trước khi có hướng dẫn, phác đồ điều trị chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, các ca bệnh gặp rải rác vẫn được bác sĩ phát hiện dựa trên những dấu hiệu được mô tả trên lý thuyết và bệnh học và điều trị theo kinh nghiệm thực tế. Còn khi đã có dấu hiệu ban xuất huyết điển hình và các dấu hiệu viêm não… thì đã chậm.

 

Tuy nhiên, bác sĩ này một lần nữa khẳng định, với các ca não mô cầu bình thường, thì điều trị kháng sinh rất hiệu quả. Nhưng với thể tối cấp, việc phát hiện, điều trị vô cùng khó khăn vì bệnh diễn tiến cực nhanh, khởi bệnh sốt cao đột ngột và có thể dẫn đến sốc, tử vong chỉ ngay trong ngày đầu biểu hiện bệnh.

 

Về phòng bệnh, Bộ Y tế cũng hướng dẫn người dân phòng bệnh trong cộng đồng bằng cách thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoái nơi ở, nơi làm việc. Khi phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ cần đến viện sớm. Còn tại bệnh viện, cần cách ly bệnh nhân, đeo khẩu trang khi tiếp xúc người bệnh… và với những người tiếp xúc trực tiếp cần dùng thuốc dự phòng. Các loại thuốc dự phòng, liều lượng cũng được hướng dẫn chi tiết để tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến cơ sở trong việc phát hiện, điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc bệnh nhân.

 

Tuy nhiên, với căn bệnh này, để phòng đặc hiệu nhất là tiêm phòng vắc-xin. Người dân nên đi tiêm vắc-xin phòng bệnh não mô cầu nhóm A,B và C. Vắc xin này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần.

 

Hồng Hải