1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Bệnh viêm mũi xoang: Dễ mắc, dễ tái phát

Nhiều người cảm thấy khốn khổ, mất tự tin vì những triệu chứng hắt hơi, khụt khịt, chảy nước mũi... Có người bị những cơn đau đầu, nhức thái dương, hốc mũi... hành hạ. Vì sao?

Khổ vì bệnh

 

“Tôi 31 tuổi. Khi đi khám bệnh, bác sĩ (BS) chẩn đoán bị bệnh viêm đa xoang. Tôi uống thuốc theo toa BS nhưng không khỏi. Tôi thường xuyên bị nhức đầu, nhất là hai bên thái dương, vùng mắt, mũi, mang tai... Khi nhai thức ăn lại nghe tiếng “lụp cụp”. Ấn nhẹ vào xương hàm, tai, gò má, hai bên mắt thấy đau. Tôi đã tiếp tục điều trị tại bệnh viện (BV) chuyên khoa tai mũi họng nhiều lần nhưng vẫn không có kết quả” - một bệnh nhân (BN) gửi thư cho biết.

 

Một BN than nhiều năm nay luôn bị nghẹt mũi và tắc lỗ mũi, nói không ra tiếng và hằng ngày còn bị những trận đau đầu hành hạ. BN này tâm sự: “Tôi rất ngại giao tiếp với mọi người vì mùi hôi từ hai lỗ mũi. Tôi được BS chẩn đoán là viêm xoang mãn tính, đã dùng mọi loại thuốc, kể cả những thuốc đắt tiền nhất trên thị trường nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại chứng nào tật ấy”.

 

Nhiều BN cho biết họ đã sử dụng những loại thuốc đông y “gia truyền” theo lời giới thiệu của bạn bè hoặc quảng cáo. Có nơi cho thuốc uống, có nơi cho thuốc hít. Thế nhưng, chị P.T.V. (Q.12, TPHCM) cho biết sau khi uống một loại thuốc đông y trị viêm xoang, chị đã bị đau bụng dữ dội, xuất mồ hôi, ói mửa kéo dài...

 

BS Võ Quang Phúc - phó giám đốc BV Tai mũi họng TPHCM - cho biết viêm mũi xoang, viêm xoang mũi, viêm xoang thực chất là một bệnh, chỉ khác tên gọi. Y học thống nhất gọi là bệnh viêm mũi xoang (VMX). VMX là viêm một hay nhiều xoang cạnh mũi. Có bốn loại xoang khác nhau là xoang hàm, xoang sàng, xoang bướm, xoang trán. Ngoài ra, còn có loại VMX do bị sâu răng hàm trên. Loại này thường gây sổ mũi xanh và có mùi trứng thối.

 

Triệu chứng của VMX trước là BN bị nhức đầu, sổ mũi, đau vùng góc trong hai chân mày, vùng má, nước mũi chảy ra ngoài. Nếu bị VMX sau, thường sổ mũi chảy ngược xuống họng, đau vùng sau gáy.

 

Dễ tái phát

 

VMX là bệnh rất phổ biến, thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau như virus, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng (có triệu chứng nhảy mũi, ngứa mũi, sổ mũi trong, ngứa mắt, nghẹt mũi) và có liên quan đến ô nhiễm môi trường, khói bụi. Thống kê năm 2005 cho thấy có đến 45% trên tổng số BN đến khám, điều trị tại BV Tai mũi họng TP bị bệnh VMX.

 

Tùy theo nguyên nhân bệnh, BS điều trị sẽ cho thuốc kháng sinh (chỉ dùng khi bị VMX do vi trùng gây nên). Với những trường hợp VMX do cảm cúm nên dùng thuốc cảm thông thường như paracetamol, pheramine, giảm đau, thuốc chống dị ứng; khí dung hoặc nghiệm pháp “kê kê” nhằm đưa dung dịch thuốc vào xoang sàng.

 

Nếu điều trị bằng thuốc không bớt, BS mới chọc xoang hàm để lấy mủ hoặc phẫu thuật để cắt polyp (thịt dư). Nếu là VMX do răng, phải nhổ răng gây bệnh. Cần lưu ý, viêm khớp thái dương hàm cũng có triệu chứng gần giống như VMX (đau vùng má, nhức nửa đầu, đôi khi chóng mặt, ù tai), nhưng có kèm khi nhai nghe “lụp cụp” hai bên hàm. Nguyên nhân do khớp cắn của hai hàm răng không đều nhau, cần phải đến chuyên khoa răng hàm mặt.

 

Hiện tại, phẫu thuật nội soi điều trị VMX chính xác, an toàn hơn mổ hở. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, với những BN bị VMX do dị ứng (thời tiết, bụi nhà, phấn hoa, lông thú...) nếu còn tiếp xúc với nguyên nhân trên có nguy cơ tái phát rất cao. Do đó, sau mổ BN phải dùng thuốc chống dị ứng và tránh tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh. Ở VN bụi nhà là nguyên nhân chính gây VMX dị ứng. Với những loại VMX khác, khả năng tái phát ít hơn. Cần lưu ý là cả trẻ em cũng bị VMX. Nguyên nhân do trẻ bị viêm VA không được điều trị kịp thời hoặc để bệnh tái đi tái lại.

 

Phòng ngừa được

 

VMX có thể phòng ngừa được bằng cách tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm, nguyên nhân gây dị ứng... Tuy nhiên, trong điều kiện nước ta hiện nay rất khó tránh nguyên nhân này.

 

Do đó, có thể phòng bệnh bằng cách mang khẩu trang y tế (loại có nẹp nhôm bẻ lại che kín mũi) có bán ở cửa hàng y khoa. Khi bị cảm cúm vài ngày, dùng thuốc thông thường không đỡ nên đến BV khám ngay. Để tránh tái phát sau khi mổ xoang, nên tái khám theo hẹn của BS.

 

Về thuốc đông y “gia truyền” trị VMX, hiện tại chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều trị khỏi bệnh. Đặc biệt những thuốc bơm trực tiếp vào trong mũi có khi còn gây thương tổn niêm mạc mũi. Với những thuốc đông dược có nguồn gốc rõ ràng và được cấp phép lưu hành, kể cả châm cứu, cũng chỉ có thể điều trị được VMX do nguyên nhân dị ứng hoặc thời tiết.

 

Theo BS Quang Phúc, máy lạnh không tạo được độ ẩm mà chỉ hút hơi nước xả ra ngoài môi trường. Máy lạnh không được thường xuyên làm vệ sinh bộ phận lọc bụi... sẽ làm khô niêm mạc mũi, dễ làm phát sinh bệnh VMX.

 

Bệnh này người ta gọi là bệnh văn phòng (business sickness). Để khắc phục, cần lọc bụi thường xuyên ở lưới máy lạnh, đặt một thau nước sạch trong phòng, vài ngày thay mới một lần để nước bốc hơi và tạo độ ẩm trong phòng. Khi không ở trong phòng, nên mở tất cả cửa ra vào để tránh không khí tù đọng trong phòng.   

 

Theo Lê Thanh Hà

Tuổi trẻ