Thiếu niên 13 tuổi liệt toàn thân vì viêm não Nhật Bản

(Dân trí) - Sốt cao, nôn ói phải nhập viện cấp cứu, bệnh nhi dần rơi vào lơ mơ, suy hô hấp. Hơn 3 tuần điều trị tích cực nhưng căn bệnh viêm não Nhật Bản khiến cậu bé liệt toàn thân, phổi mất chức năng hô hấp.

Đó là trường hợp bệnh nhi Nguyễn Hữu Tr. (13 tuổi, ngụ tại Long An) hiện đang được điều trị tích cực tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh.


Bác sĩ đang nỗ lực điều trị nhưng chưa thể nói trước mức độ bình phục ở bệnh nhi

Bác sĩ đang nỗ lực điều trị nhưng chưa thể nói trước mức độ bình phục ở bệnh nhi

Ngày 11/4, trao đổi với phóng viên, mẹ bệnh nhi cho hay, 23 ngày trước, con chị bất ngờ lên cơn sốt cao, nôn ói phải chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Ngay sau khi cậu bé nhập viện, bác sĩ phải đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp rồi chuyển lên bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

BS Lê Thái Lộc, khoa Nhiễm cho hay: Bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng sốt cao, lơ mơ với chẩn đoán viêm màng não. Sau khi vào viện bệnh nhân bị rối loạn tri giác, hôn mê phải thở máy, điều trị kháng sinh. Kết quả xét nghiệm kháng thể trong huyết thanh và dịch não tủy cho thấy bệnh nhi dương tính với viêm não Nhật Bản.

Được bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực, hiện tri giác bệnh nhân đã bình phục tương đối tốt. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nặng khiến bé phải đối mặt với biến chứng liệt mềm cơ tứ chi toàn thân, mất khả năng tự thở. Dự kiến, bệnh nhi còn điều trị kéo dài, bác sĩ chưa thể nói trước khả năng bình phục của cậu bé.

Trả lời câu hỏi “cậu bé đã được chích ngừa viêm não Nhật Bản hay chưa?” mẹ bệnh nhi cho hay: “Khi lên 1 tuổi, con tôi đã được trạm y tế chích ngừa 2 mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản nhưng không thấy trạm y tế gọi chích mũi thứ 3. Chẳng hiểu sao đã chích ngừa rồi mà nó vẫn mắc bệnh”.

Việc điều trị viêm não Nhật Bản rất khó khăn, trung bình mỗi ca bệnh phải nằm viện từ 3 đến 4 tuần.

Tiêm ngừa viêm não Nhật Bản được xem là giải pháp hàng đầu. Tuy nhiên, trẻ đã chích ngừa viêm não Nhật Bản vẫn có nguy cơ nhiễm bởi bệnh do nhiều loại siêu vi trùng khác nhau gây nên. Bác sĩ khuyến cáo, bên cạnh tiêm vắc xin phòng bệnh người dân nên tăng cường các biện pháp diệt muỗi, ngủ mùng thường xuyên, phát quang bụi rậm quanh nhà, thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, khu chăn nuôi cần cách xa khu vực sinh sống của các hộ gia đình.

Vân Sơn