Vụ Formosa: “Chưa đánh giá hết thiệt hại, bồi thường bao nhiêu mới thỏa đáng ?"

(Dân trí) - Nói về việc Formosa sẽ chi 500 triệu USD để bồi thường thảm họa cá chết hàng loạt, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, do chưa có đánh giá nào về thiệt hại nên không thể kết luận về con số bồi thường. Ông Dũng cũng kiến nghị phải thẳng tay loại bỏ tất cả các dự án đầu tư nếu không đáp ứng được tiêu chí bảo vệ môi trường.

Như cam kết trước đó của Chính phủ, sau 85 ngày chờ đợi, chiều nay (30/6/2016), Văn phòng Chính phủ cùng với các bộ ngành cũng đã công bố rõ nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết và thủ phạm không ngoài dự đoán là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh).

Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep). Hiện ông đang là Phó trưởng ban thường trực của Ban vận động thành lập Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (Vietnam Sea Farming Association), dự kiến sẽ thành lập trong một vài tháng tới.

PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng (ảnh: LĐ)
PGS. TS Nguyễn Hữu Dũng (ảnh: LĐ)

Thưa ông, với việc Chính phủ công bố nguyên nhân cá chết vào chiều nay, ông có đánh giá như thế nào?

Thời gian vừa qua, vấn đề này khiến không chỉ tôi mà người dân đều rất bức xúc. Bức xúc là vì không hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, bây giờ Chính phủ đã công bố nguyên nhân, công khai, minh bạch cả thủ phạm gây ra sự cố này, tôi cho đây là điều đáng hoan nghênh.

Formosa cam kết sẽ đền bù 500 triệu USD và cam kết khắc phục hậu quả. Mức đền bù này theo ông liệu rằng có xứng đáng? Và hậu quả đối với môi trường liệu có khắc phục được?

Cái mà tôi quan tâm trước hết ở đây không phải là chuyện đền bù. Cái mà tôi quan tâm là trong tương lai những sự việc như thế này có xảy ra nữa hay không và cơ chế nào để đảm bảo không còn tái diễn sự cố tương tự như vừa qua? Đấy là mới là điều cơ bản.

Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đang được vận động để thành lập đại diện cho tiếng nói của các thành viên hiệp hội là các doanh nghiệp (DN) trong chuỗi nuôi biển và các chuyên gia, nhà khoa học cùng các tổ chức, cá nhân khác. Trong chuỗi nuôi biển, chẳng hạn chuỗi nuôi cá biển gồm doanh nghiệp sản xuất giống cá biển, DN sản xuất thức ăn cho nuôi cá biển, DN làm lồng bè nuôi cá biển, DN đóng tàu dịch vụ cho nuôi cá biển, DN tiến hành nuôi biển, DN thu gom, DN chế biến, DN thương mại và xuất khẩu.

Đối tượng nuôi ngoài cá biển còn có rong biển, nhuyễn thể biển (nghêu, sò, ốc, hến…), giáp xác biển (các loại tôm cua), đặc sản biển (trai ngọc, cá cảnh, hải sâm, cầu gai…).

Có đền nửa tỷ USD, nhưng nay mai nếu lại tái phạm, rồi lại phải mất tới 6 tháng, 1 năm mới tìm ra nguyên nhân thì sự đền bù đó cũng vô nghĩa, không giải quyết được gì. Cho nên, cái mà người dân quan tâm là sự bền vững của môi trường, sự đảm bảo của doanh nghiệp đối với môi trường biển.

Chúng tôi đang nỗ lực để thành lập Hiệp hội Nuôi biển, nhưng nếu môi trường biển không được ổn định, không được bảo vệ thì làm sao nuôi được!

Ở đây không phải chỉ có câu chuyện cá chết mà là hệ sinh thái dưới đáy biển của 3 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Chưa cơ quan, tổ chức nào đánh giá được hết mức độ thiệt hại của hệ sinh thái biển ở những địa phương này.

Phải đánh giá được thiệt hại, từ đó mới ước tính được mức đền bù, mới biết bao nhiêu tiền thì có thể coi là thích hợp. Cá chết chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi. Thiệt hại của hệ sinh thái biển, đặc biệt là các hệ san hô, hệ rong biển, các hệ sinh vật biển… lâu hồi phục hơn rất nhiều so với chuyện cá chết.

Khi chưa đánh giá được hết thì chưa có cơ sở để kết luận Formosa phải đền bù bao nhiêu thì thỏa đáng.

Vậy để có được sự công bằng thì cần làm gì thưa ông?

Công bố nguyên nhân cá chết là một chuyện. Bây giờ sau khi đã công bố thì phải có được kết quả đánh giá một cách khoa học về mức độ thiệt hại đối với hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật biển ở 3 tỉnh đó (chưa cần đến những nơi khác), rồi mới nói đến chuyện đền bù.

Siêu dự án 10 tỉ USD Formosa chưa vận hành chính thức nhưng đã gây ra sự cố môi trường mang tính thảm họa tại ven biển một số tỉnh miền Trung
Siêu dự án 10 tỉ USD Formosa chưa vận hành chính thức nhưng đã gây ra sự cố môi trường mang tính thảm họa tại ven biển một số tỉnh miền Trung

Formosa - siêu dự án này được coi là động lực phát triển của một tỉnh nghèo là Hà Tĩnh, nhưng hậu quả môi trường lại quá nặng nề. Nên chăng đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại, phải thay đổi không chỉ là thái độ mà còn phải là sự kiên quyết trên thực tiễn trong vấn đề thu hút đầu tư FDI?

Trước hết phải nhận thức rằng, hoạt động kinh tế và đầu tư là việc ngắn hạn hơn rất nhiều so với bảo vệ môi trường. Bảo vệ môi trường là công việc dài hạn, cho nên nếu chỉ chú ý đến khía cạnh kinh tế, trong đó có thu hút đầu tư thì sẽ phải gánh hậu quả môi trường rất kinh khủng.

Cho nên cần phải có chính sách về bảo vệ môi trường trước khi có đầu tư. Chính quyền nên đặt việc bảo vệ môi trường lên trên hết chứ không phải vì thu hút vốn nước ngoài vào mà châm chước đi câu chuyện môi trường. Chúng ta không nên đánh đổi môi trường để lấy đầu tư và tăng trưởng trong ngắn hạn.

Tôi chưa muốn nói về thời gian thuê đất rồi vấn đề tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế… nhưng trước hết, doanh nghiệp đã đầu tư vào thì không được ảnh hưởng đến môi trường.

Câu chuyện ở đây không chỉ dừng ở vấn đề con cá chết mà là môi trường biển, là hàng triệu con người sống ven biển, sống nhờ vào biển, trong đó bao gồm cả hạt muối bé xíu mà chúng ta ăn.

Quan niệm của tôi đó là, tiêu chí bảo vệ môi trường phải là điều kiện tiên quyết cho mọi khoản đầu tư, kể cả của nước ngoài lẫn của Việt Nam. Có nghĩa là, điều kiện trước tiên để chấp nhận một dự án đầu tư là phải đảm bảo yếu tố môi trường, chứ không phải là sự lựa chọn “hoặc là cá, hoặc là thép”. Phải có cơ chế và tiêu chí cụ thể để loại bỏ thẳng thừng những dự án đầu tư gây hại đến môi trường, tránh cho tương lai phải đối mặt thêm với những “Formosa” khác.

Ghi nhận với phóng viên Dân Trí, ông Nghiêm Xuân Đa, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cho rằng, dù thời gian công bố kết quả nguyên nhân cá chết bị kéo dài song trong công tác tìm kiếm nguyên nhân, Chính phủ đã tiến hành khẩn trương và quyết liệt.

Sự kiện này, theo ông Đa, là “hồi chuông cảnh tỉnh” với tất cả các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề nhạy cảm với môi trường phải có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương siết chặt hơn nữa công tác giám sát môi trường, tạo niềm tin cho người dân.

Việc xử lý hậu quả với sự cố này là vô cùng cấp thiết, nhưng bởi “sự đã rồi” nên chỉ có thể khắc phục được phần nào mà thôi. Hậu quả rất nhiều và còn rất dai dẳng trong tương lai, không thể ngày một ngày hai có thể giải quyết được.

Chính vì vậy, theo ông Đa, rút kinh nghiệm “xương máu” từ thảm họa môi trường này, trong công tác thu hút dự án đầu tư FDI, cần tăng cường hơn nữa khâu thẩm định. Khi thẩm định những dự án lớn, liên ngành, liên vùng thì cần phải do trung ương thực hiện, từ đó xem xét, phê duyệt chứ không nên giao cho các địa phương. Phân cấp tuy có lợi nhưng các dự án lớn thì không nên trao toàn quyền định đoạt cho phía địa phương.


Bích Diệp (thực hiện)