Vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng tại Eximbank: Hợp đồng ủy quyền vô hiệu?

(Dân trí) - Thông tin về vụ nữ đại gia bất động sản bị "bốc hơi" 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm tại Eximbank vẫn chưa có hồi kết, 2 bên chưa tìm được tiếng nói chung và liên tiếp có những quan điểm trái ngược nhau.

Mới đây, ông Ngô Thanh Tùng, Thành viên HĐQT, Luật sư trưởng Eximbank đã có những phát biểu chính thức đến dư luận về vụ việc này. Theo đó, phía Eximbank cho rằng: “Eximbank là một ngân hàng chuyên nghiệp nên rất thận trọng khi xem xét vụ việc và đưa thông tin, không muốn đưa những vấn đề để có lợi cho mình, bất lợi cho khách hàng trừ khi buộc phải làm vậy …”.

Nhận định về phát biểu trên của Luật sư trưởng Eximbank, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm cho rằng, tuy phát biểu như vậy nhưng trên thực tế, mọi động thái và phát ngôn của ngân hàng đều có ý “phủi” trách nhiệm cho cá nhân ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM.

Sổ tiết kiệm gốc của tôi còn, thế mà đến lấy tiền thì ngân hàng bảo phải đưa ra toà, bà Bình nói
"Sổ tiết kiệm gốc của tôi còn, thế mà đến lấy tiền thì ngân hàng bảo phải đưa ra toà", bà Bình nói

Hợp đồng ủy quyền vô hiệu?

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo nói rằng, theo thông tin được biết, các hợp đồng ủy quyền (nếu có thật) rút tiền của bà Bình cho cá nhân khác đều không có sự xác nhận của công chứng, một thủ tục bắt buộc theo luật định. Như vậy, hợp đồng ủy quyền đó là vô hiệu, tại sao người được ủy quyền viết tay vẫn rút được tiền.

"Đây là sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng hay sự vô trách nhiệm của ngân hàng với tư cách là bên vay tiền của khách? Các hợp đồng ủy quyền (có khả năng được làm giả) bởi ông Hưng, nhưng hợp đồng ủy quyền vô hiệu mà ngân hàng vẫn xuất tiền cho người được ủy quyền là lỗi thuộc về ngân hàng, do quy trình giao dịch chưa đảm bảo yếu tố an toàn", luật sư Thảo nói.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy trình gửi rút tiền tại các tổ chức tín dụng phải tuân thủ quy định. Theo đó, người rút tiền dù là người đứng tên trên sổ tiết kiệm hoặc người được ủy quyền thì cũng phải cầm sổ tiết kiệm thì mới được giao dịch.

Giấy ủy quyền có 3 hình thức xác lập hợp pháp gồm: Uỷ quyền thông qua công chứng; Uỷ quyền có chứng thực tại địa phương cấp phường/quận/UBND tỉnh, thành phố; Uỷ quyền nội bộ, tức nội dung giấy ủy quyền có giá trị trong nội dung phạm vi hoạt động của ngân hàng.

TS Bùi Quang Tín cho rằng, cả 3 hình thức ủy quyền này, dù hình thức nào đi chăng nữa thì cũng quy định rất rõ là khi ủy quyền phải có bên ủy quyền và bên được ủy quyền ký trước mặt người xác thực ủy quyền đó.

Trong vụ "bốc hơi" 245 tỷ tại Eximbank, ông Tín cho rằng, quy trình, thủ tục xác thực giấy ủy quyền không đúng. Chính bản thân bà Bình không xác định được người được ủy quyền là ai.

"Cho rằng, bà Bình biết hay không biết người ủy quyền thì theo đánh giá của tôi ở góc độ khách quan thì bà Bình không thể ký ủy quyền cho người mà bà không biết để người ta rút tiền của mình. Chữ ký một bên chưa đủ mà phải có chữ ký xác thực của người được ủy quyền. Đây là quy trình không đúng theo quy định của nhà nước nên giấy ủy quyền không hợp pháp. Không hợp pháp sao mà rút?", TS Bùi Quang Tín nói.

Bà Bình cho biết, bà đã nhờ 2 luật sư tư vấn, hỗ trợ mặt pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình là ông Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TPHCM) và bà Đinh Ánh Tuyết (đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Bà Bình cho biết, bà đã nhờ 2 luật sư tư vấn, hỗ trợ mặt pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình là ông Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TPHCM) và bà Đinh Ánh Tuyết (đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Khó có cơ sở thông đồng

Đại diện ngân hàng Eximbank cho rằng, ông Lê Nguyễn Hưng “không thể thực hiện được hành vi phạm pháp nếu không có sự tiếp sức và thông đồng”.

TS Bùi Quang Tín cho rằng, trong vụ việc này, đại diện Eximbank xoáy vào điểm yếu của bà Bình là việc bà ký khống giấy ủy quyền. Còn bà Bình xoáy vào điểm mạnh của mình là sổ tiết kiệm bà còn giữ mà sao mất tiền.

Ông Tín cho rằng, chưa thấy có chứng cứ nào để nói có sự thông đồng để rút tiền Eximbank.

"Con người, ai cũng có quyền nghĩ những gì họ nghĩ nhưng nói gì cũng phải có chứng cứ. Không ai ủy quyền cho người khác lấy tiền của mình để đi xài bậy bạ. Nếu như chuyện thông đồng có thực thì cũng không ai mà muốn mình đi ở tù cả. Bà Bình mà có sự thông đồng, làm sao bà còn ngồi đó được. Chưa kể, tổng tài sản bà Bình gấp nhiều lần số tiền 245 tỷ đồng thì bà thông đồng để làm gì?", TS Bùi Quang Tín nói.

Liên quan đến nhận định trên, luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm cho rằng, câu hỏi đặt ra là ông Lê Nguyễn Hưng thông đồng với ai, với bà Bình hay với cán bộ khác của ngân hàng?

Nếu quan điểm đặt ra nghi vấn ông Hưng thông đồng với bà Bình là mâu thuẫn với quan điểm của ngân hàng trước đây cho rằng bà Bình mất tiền, số tiền cụ thể 245 tỷ đồng là do ông Hưng lấy (lừa, trộm) của cá nhân bà Bình nên ông Hưng phải chịu trách nhiệm về khoản tiền 245 tỷ đồng với bà Bình.

"Có thể thấy, thông qua thông tin này, ngân hàng chính thức thừa nhận tài sản bị mất (tiền) thuộc sở hữu của ngân hàng, điều này đồng nghĩa với nhận đinh trước đây của các luật sư: Ngân hàng mới là người bị hại trong vụ án chứ không phải cá nhân bà Bình", luật sư Thảo nói.

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo khẳng định, trong sự việc này, luật sư vẫn bảo lưu quan điểm: Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách gửi tiền hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình.

Theo quy định tại Điều 87 Bộ Luật dân sự 2015: “Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân”. Bởi, dưới góc độ kinh tế, việc gửi tiền vào các tổ chức tín dụng được coi là hành vi cất giữ tiền của mình.

Còn dưới góc độ luật dân sự, việc gửi tiền vào ngân hàng, tổ chức tín dụng phải luôn được hiểu là hợp đồng cho vay tài sản. Theo đó, sau khi gửi tiền vào ngân hàng thì chính ngân hàng sẽ trở thành chủ sở hữu khoản tiền đó và phải chịu rủi ro đối với nó. Người gửi chấm dứt quyền sở hữu đối với số tiền vừa gửi, trở thành bên cho vay, có quyền yêu cầu ngân hàng thanh toán khoản tiền khác tương đương theo thời hạn thỏa thuận. Trong pháp luật dân sự, tiền có tính năng đặc biệt là khi chuyển giao tiền thì bao giờ cũng kèm theo chuyển giao quyền sở hữu, tựa như việc người người ta đổ nước vào bể nước thì không còn có thể phân biệt nước của anh A, hay nước của anh B trong cái bể đã trộn lẫn đó nữa.

Rơi vào tình huống này, khách hàng cùng luật sư của mình phải đấu tranh quyết liệt để tòa án không được từ chối thụ lý vụ án dân sự với lập luận: Tranh chấp giữa khách gửi tiền và ngân hàng là quan hệ tranh chấp về hợp đồng cho vay tài sản. Ở đây cần phải tách bạch hai quan hệ pháp luật: Vụ việc nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ ngân hàng là trách nhiệm hình sự của cá nhân cán bộ ngân hàng phải chịu với Nhà nước, quan hệ này độc lập và nằm ngoài quan hệ giữa ngân hàng và khách gửi tiền. Bản thân tòa án trong trường hợp này cũng cần mạnh dạn và kiên quyết thụ lý vì đây là hai quan hệ pháp luật độc lập, không phụ thuộc vào vụ án hình sự.

Trong sự việc này, bà Bình và ngân hàng nên giải quyết tay đôi, khi bà Bình bị cuốn vào vòng xoáy tố tụng hình sự của vụ án liên quan đến ông Hưng sẽ gặp rất nhiều rủi ro đối với số tiền gửi của mình.

"Nếu ngân hàng tiếp tục trì hoãn, cho rằng cần đợi tòa Hình sự phân xử thì bà Bình nên nhanh chóng làm các thủ tục khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình. Đây là một hiện tượng không mới, nhưng lại là vấn đề luật pháp rất mới, cần có sự vào cuộc của các chuyên gia luật pháp, ngân hàng để đánh giá sự việc một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, điều này có lợi cho hệ thống ngân hàng của chúng ta", luật sư Thảo khẳng định.

Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Văn phòng luật sư IDVN, đại diện của bà Chu Thị Bình cho biết: "Chúng tôi rất thất vọng về phát ngôn của ông Ngô Thanh Tùng, luật sư trưởng – thành viên Hội đồng quản trị đai diện Eximbank, bởi thông tin đưa ra là không đúng sự thật, suy diễn chủ quan, một chiều và thể hiện sự thiếu tôn trọng với khách hàng là bà Chu Thị Bình".

Luật sư của bà Bình cho rằng, Eximbank đã cố tình lờ đi 2 thông tin hết sức quan trọng là (1) chữ ký của người được ủy quyền – bà Lê – là chữ ký giả và (2) bà Bình, bà Lê chưa bao giờ đến ngân hàng Eximbank làm thủ tục ủy quyền và các nhân viên của Eximbank (Hưng và một số nhân viên khác) đã biết nhưng vẫn cố tình làm sai thủ tục, quy trình ủy quyền, rút tiền do chính Eximbank quy định.

Luật sư cũng cho rằng, đại diện Eximbank chỉ cung cấp một phần thông tin về chữ ký của bà Bình được giám định là thật mà cố tình lờ đi sự thật là C44 đã xác minh là chữ ký của bà Lê – người được ủy quyền đã được xác định là giả.

Theo luật sư Tuyết, nếu các nhân viên của Eximbank làm đúng thủ tục, quy trình trong việc lập giấy ủy quyền và yêu cầu cung cấp đủ giấy tờ nhân thân, sổ tiết kiệm gốc khi làm thủ tục ủy quyền, rút tiền, thì chắc chắn Lê Nguyễn Hưng, cho dù là phó giám đốc Chi nhánh, cũng không thể rút được tiền từ ngân hàng.

Công Quang

Vụ "bốc hơi" 245 tỷ đồng tại Eximbank: Hợp đồng ủy quyền vô hiệu? - 3