1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Vì sao ông Kim Jong-un thay đổi “180 độ” với Mỹ?

(Dân trí) - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang có những tính toán riêng khi đề xuất đàm phán với Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chịu nhiều sức ép từ các lệnh trừng phạt quốc tế.

Sự mở lòng bất ngờ của ông Kim Jong-un với Hàn Quốc

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tươi cười nắm tay Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tươi cười nắm tay Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Trong chuyến thăm tới Triều Tiên của phái đoàn gồm các quan chức cấp cao Hàn Quốc, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói với họ rằng ông sẵn sàng dừng các chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng để đổi lấy các cuộc đối thoại với Mỹ.

Mỹ từ lâu vẫn tuyên bố rằng nước này sẽ không tham gia bất kỳ cuộc đối thoại nào với Triều Tiên trừ khi Bình Nhưỡng chấp nhận đưa vấn đề hạt nhân ra đàm phán. Trong khi đó, Triều Tiên những năm qua liên tục đạt được bước tiến đáng kể trong chương trình vũ khí của nước này.

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang trong những năm gần đây, sự hòa hoãn của ông Kim Jong-un rõ ràng là một tín hiệu tích cực. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thường chỉ trích nặng nề Triều Tiên kể từ khi lên nắm quyền hồi đầu năm ngoái, cũng mô tả động thái “xuống thang” của Bình Nhưỡng là bước tiến khả thi. Tuy vậy, trong dòng bình luận trên Twitter hôm 6/3, ông Trump vẫn để ngỏ sự nghi vấn.

“Tiến triển tích cực đang được tạo ra trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Lần đầu tiên sau nhiều năm, một nỗ lực nghiêm túc được đưa ra đối với tất cả các bên liên quan. Thế giới đang quan sát và chờ đợi! Có thể là hi vọng hão nhưng Mỹ sẵn sàng chuyển động theo chiều hướng đó”, ông Trump viết.

Một số chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi về tuyên bố đàm phán của Triều Tiên. Chuyên gia Jenny Town, trợ lý giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ - Hàn thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins cho rằng “không nên ảo tưởng rằng Triều Tiên sẽ dễ dàng từ bỏ vũ khí hạt nhân”.

Đề xuất của Triều Tiên

Bà Kim Yo-jong, (thứ 2 từ trái sang, hàng trên) - em gái ông Kim Jong-un, xuất hiện trong hình cùng Tổng thống Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái, hàng dưới) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (ngoài cùng bên phải, hàng dưới) tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ngày 9/2 (Ảnh: RTE)
Bà Kim Yo-jong, (thứ 2 từ trái sang, hàng trên) - em gái ông Kim Jong-un, xuất hiện trong hình cùng Tổng thống Moon Jae-in (ngoài cùng bên trái, hàng dưới) và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (ngoài cùng bên phải, hàng dưới) tại lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông ngày 9/2 (Ảnh: RTE)

Thông tin chi tiết về đề xuất hòa hoãn của Triều Tiên không đến trực tiếp từ Bình Nhưỡng, mà thông qua phái đoàn Hàn Quốc thăm Triều Tiên trong tuần này.

Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đồng thời là trưởng đoàn Hàn Quốc tới Triều Tiên ngày 6/3 đã nói với các phóng viên rằng, Bình Nhưỡng sẵn sàng tiến hành các cuộc đối thoại “thẳng thắn” về việc phi hạt nhân hóa và dừng các vụ thử nghiệm tên lửa cũng như hạt nhân trong thời gian đàm phán. Ông Chung dẫn lại lời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nếu an ninh quốc gia và sự lãnh đạo được đảm bảo.

Đây rõ ràng là một sự thay đổi đáng kể của Triều Tiên. Trước đây, Bình Nhưỡng từng tuyên bố rằng vũ khí hạt nhân là “thanh gươm công lý” và không thể đem ra đàm phán với Mỹ. Đây là lần đầu tiên Triều Tiên bày tỏ công khai về việc đưa vấn đề phi hạt nhân hóa lên bàn đàm phán.

Tuy nhiên, điều cần lưu ý ở đây là tất cả các tuyên bố đàm phán của Triều Tiên đều do phía Hàn Quốc đưa ra trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là nhà lãnh đạo ủng hộ đối thoại với Triều Tiên. Truyền thông nhà nước Triều Tiên cũng đưa tin về chuyến thăm của phái đoàn Hàn Quốc, song những tuyên bố được ra khá mơ hồ.

Ngay cả trong trường hợp Triều Tiên thực sự muốn đối thoại và tạm dừng các vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân, điều đó cũng không có nghĩa là nước này sẽ dừng các chương trình vũ khí. Mới đây, 38 North, trang mạng chuyên theo dõi và phân tích các tin tức về Triều Tiên, ngày 5/3 đã công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy có dấu hiệu hoạt động tại lò phản ứng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên muốn gì?

Ông Kim Jong-un thị sát tên lửa Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Ông Kim Jong-un thị sát tên lửa Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Triều Tiên nói rằng họ muốn được đảm bảo về an ninh để đổi lấy các cuộc đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn chưa nói rõ thực sự muốn gì.

Triều Tiên từng nhiều lần phản đối các cuộc tập trận chung, vốn diễn ra thường xuyên, giữa lực lượng quân sự Mỹ và Hàn Quốc vì cho rằng đây là động thái tập dượt của liên minh Mỹ - Hàn cho âm mưu xâm lược Triều Tiên. Bằng cách đàm phán với Mỹ, Triều Tiên có thể yêu cầu Mỹ giảm các lực lượng của nước này tại Hàn Quốc hoặc yêu cầu chấm dứt thỏa thuận an ninh giữa Washington và Seoul. Hiện Mỹ vẫn duy trì hơn 25.000 quân ở Hàn Quốc.

Triều Tiên cũng có thể muốn nới lỏng các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế vì điều này đang gây không ít khó khăn cho nền kinh tế của nước này. Trong các cuộc đàm phán trước đây, Bình Nhưỡng cũng từng đưa ra đề xuất về hỗ trợ tài chính. Trong thỏa thuận năm 1994, Hàn Quốc đã nhất trí chi trả phần lớn kinh phí xây dựng lò phản ứng nước nhẹ của Triều Tiên nhằm thay thế các lò phản ứng có thể được sử dụng để sản xuất plutonium sử dụng cho vũ khí hạt nhân.

Lý do “xuống thang”

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về Tổng thống Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Bloomberg)
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về Tổng thống Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: Bloomberg)

Việc Triều Tiên đưa ra đề xuất đối thoại với Mỹ là kết quả từ những nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm giảm thiểu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời đưa Mỹ và Triều Tiên cùng bước vào bàn đàm phán. Tổng thống Moon đã mở đường để đoàn vận động viên và quan chức cấp cao Triều Tiên có thể tham dự Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc. Chính điều này đã mở đường cho phái đoàn cấp cao Hàn Quốc tới Triều Tiên để gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un vài tuần sau đó.

Tuy nhiên, nỗ lực của nhà lãnh đạo Hàn Quốc không phải là lý do duy nhất khiến Triều Tiên “xuống thang”. Bình Nhưỡng có thể đã nhận thấy những khó khăn của nền kinh tế do sức ép từ các lệnh trừng phạt và đây là một phần trong chiến lược gây sức ép tối đa mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng với chính quyền ông Kim Jong-un. Do vậy, Triều Tiên muốn đàm phán để giảm bớt áp lực.

Theo các chuyên gia, việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân đã trở thành một thực tế, chứ không còn là một khả năng để suy đoán nữa. Do vậy, vị thế đàm phán của ông Kim Jong-un đã mạnh hơn rất nhiều ở thời điểm hiện tại. Khi đàm phán với Mỹ, ông có thể đưa ra những yêu cầu với tác động lâu dài hơn là những giải pháp tạm thời.

Ngoài ra, ông Kim Jong-un có thể học theo mô hình của Trung Quốc - quốc gia láng giềng và cũng là đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên. Các thế hệ lãnh đạo Triều Tiên trước đây luôn tin rằng việc hiện đại hóa đất nước có thể đe dọa khả năng nắm quyền của họ, do vậy họ chọn cách “bế quan tòa cảng”. Tuy nhiên, đường lối lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy rằng tự do hóa nền kinh tế vẫn có thể đảm bảo sự phát triển của chế độ.

Thành Đạt

Theo Washington Post

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm