Bài 1:
Hà Nội: Văn phòng Chính phủ yêu cầu xem xét kiến nghị của hàng chục doanh nghiệp!
(Dân trí) - Hàng chục doanh nghiệp hiện đang thuê nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Phú Minh (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) đang khẩn thiết kêu cứu trước nguy cơ phải “ra đường” với hàng nghìn công nhân sẽ thất nghiệp. Từ đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội yêu cầu xem xét, giải quyết.
Ngày 17/1, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 622/VPCP-ĐMDN do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký về việc kiến nghị của các doanh nghiệp đang thuê nhà xưởng tại cụm công nghiệp Phú Minh gửi UBND TP Hà Nội.
Công văn cho biết: Ngày 15/1, Văn phòng Chính phủ nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp đang thuê nhà xưởng tại cụm công nghiệp Phú Minh về việc tạo lộ trình di dời phù hợp để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, giảm thiểu sự ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9800/VPCP-ĐMDN về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và Nghị quyết đô 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Văn phòng Chính phủ chuyển văn bản nêu trên đến UBND TP Hà Nội để xem xét, xử lý và trả lời các doanh nghiệp theo đang thuê nhà xưởng tại cụm công nghiệp Phú Minh theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.
Cùng đó, Báo Điện tử Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của 27 doanh nghiệp hiện đang thuê nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Phú Minh.
Theo đó, các doanh nghiệp này cho rằng họ bị đơn phương chấm dứt Hợp đồng thuê nhà xưởng không đúng quy định pháp luật bởi Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà (công ty Việt Hà), đồng thời Đơn kêu cứu cũng khẳng định hiện đang tồn tại rất nhiều bất cập trong các văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc xây dựng Khu đô thị Việt Hà, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của 27 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp Phú Minh.
Đơn kêu cứu phản ánh: “Công ty Việt Hà được chuyển đổi từ Công ty Đầu tư Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, nguyên là “Xí nghiệp nuôi gà Cầu Diễn” (Quyết định số 4528/QĐ-UBND ngày 12/10/2006 của UBND TP Hà Nội), những năm 1990 do chuyển đổi cơ chế thị trường, Xí nghiệp bị thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản.
Nhằm thoát khỏi sự đổ vỡ, tiền thân của Công ty Việt Hà ngày nay đã tận dụng diện tích kho tàng, nhà xưởng chăn nuôi gà, sửa chữa lại để cho một số doanh nghiệp thuê sản xuất kinh doanh, đồng thời đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội cho phép nghiên cứu thành lập cụm công nghiệp trên cơ sở diện tích đất đang quản lý, phù hợp với xu thế và chủ trương chung của Nhà nước, Thành phố lúc đó.
Công ty Việt Hà được chuyển đổi từ Công ty Đầu tư Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Xét trong bối cảnh và thời kỳ của từng giai đoạn, việc hình thành Cụm công nghiệp Phú Minh đã từng được sự ủng hộ, nhất trí của UBND thành phố và các sở, ban, ngành của TP Hà Nội, cụ thể:
- Ngày 23/5/2002, UBND TP Hà Nội ban hành công văn số 1303/UB-CN đồng ý về nguyên tắc cho Công ty Đầu tư xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội (tiền thân của Công ty Việt Hà) làm chủ đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Phú Minh;
- Ngày 26/7/2002 Kiến trúc sư trưởng thành phố (Sở Quy hoạch – Kiến trúc) ban hành công văn số 909/KTST-HC đồng ý thỏa thuận quy hoạch – kiến trúc cụm công nghiệp vừa và nhỏ tại Từ Liêm;
- Ngày 25/9/2002, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6570/QĐ-UB về việc cho phép Công ty Đầu tư xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án Cụm công nghiệp Phú Minh với quy mô diện tích khoảng 40ha.
Do có chủ trương xây dựng Cụm công nghiệp Phú Minh của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên các Doanh nghiệp mới tin tưởng đến Cụm công nghiệp này để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị lên tới hàng trăm tỷ đồng, với mong muốn gắn bó lâu dài với khu đất để ổn định sản xuất kinh doanh, từ đó hình thành nên Cụm công nghiệp Phú Minh phát triển như ngày nay.
Trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp thuê nhà xưởng tại cụm công nghiệp Phú Minh khi đăng ký kinh doanh đều lấy trụ sở chính là Cụm công nghiệp Phú Minh và được Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội ghi nhận, ví dụ như: Công ty TNHH Ngân Hạnh (MSDN: 0100701506 do Phòng đăng ký kinh doanh cấp ngày 22/9/1997; Trụ sở: Lô 09 KCN Phú Minh, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội); Công ty TNHH Duyến Hải (MSDN: 0104194021 do Phòng đăng ký kinh doanh cấp ngày 5/10/2009; Trụ sở: Cụm CN Phú Minh, Phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội)…
Tuy nhiên, việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp mới tạm ổn định, chưa thể thu hồi vốn đã đầu tư xây dựng thì Công ty Việt Hà đã ban hành Thông báo về việc thanh lý Hợp đồng thuê nhà xưởng đề ngày 27/12/2017, yêu cầu các doanh nghiệp phải khẩn trương di dời, bàn giao lại mặt bằng nhà xưởng kể từ ngày 31/12/2017 để xây dựng Khu đô thị Việt Hà khiến các doanh nghiệp cảm thấy hoang mang, lo lắng tột độ, nguy cơ người lao động mất đi công ăn việc làm kéo theo hàng nghìn gia đình bố mẹ, vợ chồng, con cái không có nguồn sống, không có trợ cấp xã hội đã tạo bất bình, bức xúc trong dư luận.
Tại Đơn kêu cứu, các doanh nghiệp cũng bày tỏ bức xúc: Từ việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản về chủ trương thành lập Cụm công nghiệp Phú Minh nên các doanh nghiệp đã tin tưởng mà cùng đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào Cụm công nghiệp này. Thế nhưng thay vì hình thành, phát triển một cụm công nghiệp với thời hạn hoạt động theo quy định từ 50 đến 70 năm thì đến nay, chỉ với hơn chục năm hoạt động, công ty Việt Hà đã đơn phương tuyên bố thanh lý Hợp đồng thuê, dù rất nhiều Hợp đồng vẫn còn thời hạn thuê khá dài.
Từ việc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản về chủ trương thành lập Cụm công nghiệp Phú Minh nên các doanh nghiệp đã tin tưởng mà cùng đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào Cụm công nghiệp này.
Trong khi đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không hề có động thái gì về việc hỗ trợ cho các đơn vị phải di dời thực hiện dự án xây dựng khu đô thị mà bỏ mặc các doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan trong việc phải thanh lý hợp đồng với Công ty Việt Hà; không có chính sách bồi thường, hỗ trợ di dời; không có lộ trình di dời phù hợp và càng không có một địa điểm theo quy hoạch để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đến, khiến cộng đồng doanh nghiệp và người lao động vô cùng hoang mang, lo lắng.
Liên quan đến những nội dung phản ánh của 27 doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Phú Minh, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, Luật sư Nguyễn Đức Tùng - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội nhận định: “Việc Công ty Việt Hà yêu cầu thanh lý Hợp đồng thuê nhà xưởng theo phản ánh của 27 doanh nghiệp mà không thanh toán chi phí đầu tư, các khoản bồi thường, hỗ trợ là vi phạm thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng thuê nhà xưởng, vi phạm các quy định pháp luật, cụ thể:
Thứ nhất, Công ty Việt Hà có trách nhiệm thanh toán chi phí mà các doanh nghiệp đã đầu tư vào nhà xưởng, cơ sở hạ tầng của Cụm công nghiệp Phú Minh.
Theo thông tin các doanh nghiệp cung cấp thì: Khi ký kết Hợp đồng thuê nhà xưởng, hiện trạng nhà xưởng là trại gà cũ nát, không còn giá trị sử dụng, không phù hợp với mục đích kinh doanh của các doanh nghiệp nên doanh nghiệp đều phải vay hàng tỷ đồng của ngân hàng để đầu tư, xây dựng lại nhà xưởng kiên cố phục vụ cho sản xuất kinh doanh, phù hợp với thời gian khấu hao tài sản khi thời hạn thuê còn kéo dài gần chục năm nữa. Thậm chí các doanh nghiệp còn phải góp tiền đầu tư cơ sở hạ tầng của cụm công nghiệp (đường nội bộ, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ khác) hình thành nên Cụm công nghiệp Phú Minh hiện đại như ngày nay, việc đầu tư này đã được Công ty Việt Hà hoàn toàn đồng ý.
Khoản 1, khoản 3 Điều 477 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:
“1. Bên cho thuê phải bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê; phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa.
3. Trường hợp bên cho thuê đã được thông báo mà không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời thì bên thuê có quyền tự sửa chữa tài sản thuê với chi phí hợp lý, nhưng phải báo cho bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí sửa chữa”.
Thông báo thanh lý hợp đồng thuê nhà xưởng của Công ty CP đầu tư và xây dựng Việt Hà khiến các doanh nghiệp hoang mang.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, trường hợp Công ty Việt Hà đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải có trách nhiệm thanh toán các chi phí đầu tư, xây dựng, sửa chữa nhà xưởng, cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp cho các doanh nghiệp, việc tự ý ra Thông báo thanh lý hợp đồng và không chấp nhận thanh toán các chi phí nêu trên cho doanh nghiệp là vi phạm quy định pháp luật.
Thứ hai, Công ty Việt Hà yêu cầu thanh lý Hợp đồng, di dời tài sản nhà xưởng mà không thỏa thuận bồi thường, hỗ trợ là vi phạm thỏa thuận tại Hợp đồng, thiếu thiện chí trong việc hợp tác.
Bên cạnh các khoản chi phí xây dựng nhà xưởng, cơ sở hạ tầng mà Công ty Việt Hà có trách nhiệm thanh toán theo phân tích tại phần thứ nhất, thì theo quy định tại Hợp đồng thuê nhà xưởng và Phụ lục Hợp đồng, Công ty Việt Hà còn có trách nhiệm hỗ trợ “chi phí vận chuyển máy móc thiết bị đến địa điểm mới trong phạm vi thành phố Hà Nội do Bên B chỉ định”, đồng thời “Khi UBND thành phố có quyết định thu hồi sử dụng vào mục đích khác, yêu cầu bên B chấp hành nghiêm túc quyết định của UBND thành phố Hà Nội. Nếu diện tích nhà xưởng bên B đang thuê cần phải di chuyển thì Bên A sẽ có văn bản thông báo cho bên B biết trước 06 tháng để bên B có kế hoạch di chuyển đến địa điểm khác. Khi đó, hai bên sẽ bàn bạc thỏa thuận về việc bồi thường, hỗ trợ di dời”.
Thế nhưng, theo phản ánh của 27 doanh nghiệp, thì đến nay giữa các doanh nghiệp thuê nhà xưởng và Công ty Việt Hà không có bất cứ văn bản nào thống nhất về việc bồi thường, hỗ trợ chi phí di dời, chi phí đầu tư nhà xưởng, cơ sở hạ tầng. Do đó, việc Công ty Việt Hà đột ngột yêu cầu các doanh nghiệp thuê nhà xưởng phải di chuyển đến địa điểm khác mà không có sự bàn bạc, thỏa thuận về việc di chuyển này, cũng như không đưa ra phương án bồi thường, hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp là không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận trong hợp đồng, vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng.
Các cơ quan có thẩm quyền và Công ty Việt Hà cần xây dựng lộ trình di dời và phương án bồi thường, hỗ trợ phù hợp đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, hàng nghìn người lao động cùng gia đình họ không bị mất kế sinh nhai, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tránh gây bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và người lao động”.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế