Vẫn còn những khoảng tối trong vụ án về Vũ “nhôm”

(Dân trí) - Với những “quyền uy” tới mức không tưởng, dư luận có quyền đặt nghi vấn, có ai đó “chống lưng” cho Vũ “nhôm


Vũ “nhôm” (bên trái) đối diện với mức án tù chung thân trong vụ án DongABank

Vũ “nhôm” (bên trái) đối diện với mức án tù chung thân trong vụ án DongABank

Kết luận điều tra bổ xung mới của cơ quan điều tra khiến dư luận phải đặt hai câu hỏi lớn liên quan đến quyền uy của Vũ “nhôm” trong đại án xảy ra ở Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

Thứ nhất, thế lực của Vũ “nhôm” lớn tới mức nào khiến ông Trần Phương Bình (nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng tín dụng DongABank) phải liên tục “chung chi” hàng trăm tỉ đồng ?

Thứ hai, dù là Tổng giám đốc DongABank đi nữa, nhưng đây là một ngân hàng cổ phần, sao ông Trần Phương Bình có thể dễ dàng rút một lượng tiền khổng lồ lớn như vậy để “phục vụ” vô điều kiện cho Vũ “nhôm”?

Hai nội dung này liên quan mật thiết với nhau và không thể tách rời.

Để tìm lời giải cho các câu hỏi trên, chúng tôi lược qua những chi tiết.

Chỉ trong khoảng 3 năm (từ 11.10.2012 - 12.3.2015), ông Bình đã yêu cầu xuất quỹ tổng cộng 12 lần với tổng cộng hơn 94 tỉ đồng để mua 13,9 triệu USD. Hầu như tất cả lượng tiền này (13,4 /13,9 triệu USD) ông Bình khai với cơ quan điều tra để mua hộ cho Vũ “nhôm”.

Điều lạ đầu tiên, sao trong vòng 3 năm đó, chỉ thấy ông Bình toàn “mua hộ”, mà không hề thấy Vũ “nhôm” trả nợ. Đối tượng không trả nợ, nhưng ông Bình vẫn liên tục cung cúc phục vụ Vũ “nhôm”.

Điều lạ thứ hai, trong từng ấy năm, sao các cổ đông khác của ngân hàng không truy vấn khoản tiền khổng lồ bị mất hút này? Bởi, với hệ thống kiểm tra chéo rất chặt trong nội bộ mỗi ngân hàng, các cổ đông lớn có mặt trong HĐQT không thể không biết việc này. Đặc biệt, ngân hàng này đang trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng nhà nước.

Điều lạ thứ ba, Vũ “nhôm” cũng không chối chuyện được ông Bình “cung phụng” hàng chục triệu USD? Bởi lẽ, về nguyên tắc, Vũ “nhôm” thừa sức chối đã nhận khoản tiền này vì không có chứng cứ.

Vậy vì sao Vũ “nhôm” vẫn thừa nhận chuyện trao, nhận số tiền khủng đó, để rồi khai rằng, chỉ nhờ mua hộ 3,2 triệu USD, còn lại khoảng chục triệu USD là vay của ông Bình? “Vay” số tiền khủng đó bắt đầu từ năm 2012, nhưng cho đến khi bị khởi tố (năm 2017), Vũ “nhôm” vẫn chưa trả một xu nào cho ông Bình, kể cả khi ông Bình bị mất chức (năm 2015).

Chỉ biết rằng với lời khai này, Vũ “nhôm” vẫn vô tư, chỉ bị yêu cầu phải trả nợ cho ông Bình, vì đó là quan hệ dân sự. Hậu quả, chỉ một mình ông Bình gánh chịu trách nhiệm khoản tiền này và đó cũng là một trong những nội dung khiến ông Bình và các bị can khác bị khởi tố một loạt tội danh: cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Chưa hết, trong năm 2013, để có 600 tỉ đồng mua 60 triệu cổ phần của DongABank, Vũ “nhôm” lại đi vay của chính ngân hàng này 400 tỉ đồng và “được quyền” ký khống 200 tỉ đồng. Kết quả, dù không có một đồng xu nào nộp vào ngân hàng, Vũ “nhôm” được sở hữu tới 12,73 % cổ phần của DongABank.

Vậy, vì lý do gì khiến các cổ đông ở ngân hàng này phải chấp nhận cho một đối tượng như vậy vẫn có thể “lọt vào” thành cổ đông có quyền chi phối? Không thể tưởng tưởng và không thể tin nổi.

Đấy là, trong phạm vi bài này, chúng tôi chưa đề cập uy quyền của Vũ “nhôm” khi thâu tóm những lô “đất vàng” ở một số thành phố lớn, trong đó có Đà Nẵng.

Do đó, dư luận có quyền đặt nghi vấn, phải chăng có ai đó chống lưng cho Vũ “nhôm” làm những việc làm sai trái pháp luật kể trên?

Vương Hà

Nguồn tham khảo:

http://dantri.com.vn/phap-luat/vu-nhom-doi-dien-voi-an-tu-chung-than-20180618072557579.htm

https://thanhnien.vn/thoi-su/bi-an-134-trieu-usd-trong-dai-an-dongabank-974694.html