1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Trung Quốc đổ hàng tỷ USD vào Campuchia

(Dân trí) - Trong tuần này, Trung Quốc tiếp tục ký thỏa thuận đầu tư hàng tỷ USD vào Campuchia trong một động thái cho thấy sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh tại đây.


Cầu hữu nghị Campuchia-Trung Quốc khai trương tại Phnom Penh vào năm 2015. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Cầu hữu nghị Campuchia-Trung Quốc khai trương tại Phnom Penh vào năm 2015. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Các biển báo tên đường, biển quảng cáo ở Phnom Penh trước kia thông thường được viết bằng hai ngôn ngữ là Khmer và tiếng Anh. Tuy nhiên, gần đây, điều này đã bắt đầu thay đổi.

Dạo một vòng thành phố hiện giờ, người ta sẽ thấy sự xuất hiện của những biển hiệu cho thấy rõ ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại quốc gia này.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, hôm thứ Năm tuần này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ký kết 19 thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD nhằm phát triển hạ tầng Campuchia cũng như hệ thống y tế, nông nghiệp tại đây.

Một trong những thỏa thuận lớn nhất là xây dựng tuyến đường bộ 200km từ thủ đô Phnom Penh đến thành phố nghỉ dưỡng Sihanoukville. Bộ trưởng Giao thông vận tải Campuchia Sun Chanthol cho biết, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD cho dự án này.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Campuchia, các dự án khác bao gồm xây dựng một sân bay mới ở Phnom Penh, hai dự án truyền tải điện và một trung tâm lâm nghiệp chuyên trồng và quản lý các cây gỗ chất lượng cao.

Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc diễn ra vào thời điểm chính phủ của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ phía Mỹ và Liên minh châu Âu dọa áp các lệnh trừng phạt với Phnom Penh.

Khoản đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia kéo theo những ý kiến trái chiều.

Sok Siphana, một luật sư và cũng là cố vấn của chính phủ Campuchia, nhận định chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường mang "thông điệp mạnh mẽ" và hai nước "sát cánh, kề vai vì lợi ích cốt lõi của nhau". "Tất nhiên, chúng tôi vẫn muốn xuất khẩu sang EU. Tuy nhiên, nếu họ áp lệnh trừng phạt, chúng tôi cũng sẽ không ngồi đó chờ chết. Chúng tôi sẽ càng nỗ lực và tìm kiếm các thị trường khác, Trung Quốc rõ ràng là một trong những thị trường trọng điểm của chúng tôi để xuất khẩu mặt hàng gạo và các nông sản khác", ông Sok nói.

Virak Ou, một nhà phân tích chính trị và là nhà sáng lập Diễn đàn tương lai ở Campuchia, cũng đánh giá cao về quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Mặt khác, ông cũng cảnh báo khi phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tiền từ Trung Quốc. "Nếu (quan hệ Campuchia và Trung Quốc) tiếp tục nảy nở với tốc độ này, trong khoảng 10 năm nữa, mối quan hệ sẽ trở nên quá gần gũi và chúng ta có thể sẽ vướng phải một số vấn đề", ông Ou nói. Trong một lá thư gửi chính phủ năm 2015, ông Ou từng hối thúc chính quyền áp dụng chính sách đối ngoại duy trì cân bằng mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ.

Minh Phương

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm