1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Thủ tướng trả lời đại biểu Dương Trung Quốc về Uber, Grab taxi

(Dân trí) - Ngày 20/7, Thủ tướng gửi văn bản trả lời chất vấn tới đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Trước vấn đề về Uber, Grab đại biểu đặt ra, Thủ tướng xác nhận, loại hình vận tải này phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi. Đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực…

Trước đó, gửi chất vấn bằng văn bản tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi “Chính phủ sẽ cho thí điểm Uber, Grab đến bao giờ?”, “những hệ lụy ai cũng có thể nhìn thấy sẽ do ai chịu trách nhiệm?”.

Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích, chủ trương cho phép Grab và Uber thử nghiệm đưa ra vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở Việt Nam đã tới ngưỡng phải giới hạn về số lượng so với nhu cầu và hạ tầng giao thông. Taxi bùng nổ làm tăng phương tiện lên gấp bội, nảy sinh xung đột lợi ích, nhất là xung đột với mục tiêu quản lý nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông.

Ông Quốc đặt vấn đề, đáng lo ngại hơn là thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục: chấp nhận hay không chấp nhận cho đối tượng hoạt động chính thức và cả 2 phương án này “đều đi đến hệ lụy tiêu cực”.

Tính đến thời điểm này, Uber, Grab đã được chạy thử nghiệm ở Việt Nam 1,5 năm.
Tính đến thời điểm này, Uber, Grab đã được chạy thử nghiệm ở Việt Nam 1,5 năm.

“Nếu chấp nhận Uber, Grab taxi, đương nhiên số lượng xe tham gia vận chuyển khách sẽ tăng vọt, đi ngược mục tiêu quản lý nhà nước và tiếp tục gia tăng xung đột giữa taxi truyền thống và 2 phương thức mới. Nếu không chấp nhận thì người chủ tổ chức loại hình kinh doanh ở nước ngoài này kết thúc cuộc làm ăn ở Việt Nam với những món lợi kếch xù đã bỏ túi, để lại hàng vạn lao động có xe mà không có quyền hoạt động.

Ông Quốc lo ngại, càng thử nghiệm lại thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn, trách nhiệm quản lý nhà nước Chính phủ sẽ phải gánh chịu và mục tiêu quản lý lĩnh vực này ngày càng bế tắc.

Với những vấn đề đặt ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lý giải, với xu thế tất yếu của việc ứng dụng công nghệ, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản giấy trong hoạt động vận tải khách bằng xe hợp đồng (là một trong 5 loại hình đã được quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008).

Việc thí điểm, theo người đứng đầu Chính phủ, là đúng với quy định của Luật giao dịch điện tử, qua đó, đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Thủ tướng cũng khẳng định, qua xem xét báo cáo của Bộ GTVT, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, sự phản ánh tích cực của các chuyên gia, của nhân dân và xu thế phát triển chung, Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải bằng xe khách hợp đồng, với thời gian thí điểm là 2 năm (từ tháng 1/2016).

Đồng tình với các băn khoăn, lo cho sự phát triển ổn định của các đơn vị vận tải khi đầu tư phương tiện để tham gia kinh doanh theo hình thức này, cũng như vấn đề về bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải đại biểu Dương Trung Quốc nêu ra, Thủ tướng nêu những thông tin cụ thể về tác động của việc thí điểm, đến thời điểm này, và sự phối hợp quản lý của các cơ quan, đơn vị để đánh giá rõ hơn bản chất ứng dụng công nghệ.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử không chỉ dành riêng cho Uber, Grab mà được thực hiện cho tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.

“Cho đến nay, không chỉ có Grab, Uber mà đã có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab, Uber, trong đó có các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh; cụ thể là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty CP Sun Taxi... trong đó có những đơn vị như Công ty CP Hợp tác đầu tư và phát triển có khả năng đáp ứng tương đương như Uber, Grab trong cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử” – văn bản trả lời viết rõ.

Điều này, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy sự thay đổi tích cực trong các DN vận tải và công nghệ của Việt Nam, khi “không ngừng đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp nhận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài”.

Thủ tướng khái quát: “Qua việc thí điểm cho thấy, chúng ta đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước. Việc phát triển trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện bảo đảm sự ổn định, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, không lệ thuộc, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, nhiều DN, HTX vận tải đã được thành lập và kinh doanh vận tải theo quy định thông qua áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải”.

Thừa nhận việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng ứng dụng điện tử đã “phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi” nhưng Thủ tướng cho rằng “đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực theo hướng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao, thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong lĩnh vực vận tải, thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn... ”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ nhìn nhận các hạn chế cần điều chỉnh, như phối hợp sát sao hơn trong quản lý, điều chỉnh phù hợp các quy định... trong thời gian tới.

P.T

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm