Thế giới sốc vì lệnh cấm nhập cư của Mỹ
(Dân trí) - Sắc lệnh của chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng tiếp nhận người tị nạn và cấm nhập cư đối với công dân 7 quốc gia Hồi giáo đang làm rúng động thế giới và vấp phải làn sóng chỉ trích.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27/1 đã ký một sắc lệnh tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước - gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - nhập cảnh Mỹ trong 90 ngày.
Sắc lệnh gây ra sự xáo trộn lớn và bị coi là phân biệt chủng tộc này đã vấp phải sự chỉ trích không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới.
Một trong những nguyên thủ đầu tiên lên tiếng phản đối sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Trump là Thủ tướng Canada Justin Trudeau - người tuyên bố Canada sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn bị Mỹ từ chối.
“Với những người tị nạn bị từ chối, người dân Canada sẵn sàng chào đón các bạn, bất kể các bạn theo tín ngưỡng nào. Sự đa dạng chính là sức mạnh của chúng tôi #Chào mừng đến Canada”, Thủ tướng Trudeau viết trên Twitter hôm qua 28/1. Khoảng 39.000 người tị nạn Syria đã được cấp phép vào Canada kể từ khi ông Trudeau đắc cử năm 2015. Tuy nhiên, đến nay ông Trudeau chưa liên hệ trực tiếp với ông Trump.
Từ Pháp, Tổng thống François Hollande nói: “Khi ông Trump từ chối tiếp nhận người tị nạn, châu Âu đã làm tròn nghĩa vụ của mình, chúng tôi sẽ phải phản pháo”.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel bình luận: “Mỹ là quốc gia mà những truyền thống Cơ đốc giáo có ý nghĩa quan trọng. Yêu thương láng giềng của mình là một giá trị lớn của Cơ đốc giáo, bao gồm việc giúp đỡ người khác”. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua 28/1 cũng điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump, tuy nhiên bà được cho là không đề cập đến sắc lệnh mới gây tranh cãi của chính quyền Mỹ.
Từ Anh, chính quyền của Thủ tướng Theresa May ban đầu im lặng về lệnh cấm người Hồi giáo nhập cư của Mỹ trong bối cảnh bà May có cuộc hội đàm với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, văn phòng của Thủ tướng May sau đó đã ra thông cáo chỉ trích: “Chúng tôi không đồng ý với biện pháp này, đó không phải là chính sách mà chúng tôi có ý định áp dụng”.
Lãnh đạo Scotland Nicola Sturgeon nói: “Thủ tướng May lẽ ra nên đề cập vấn đề này ngay từ đầu chứ không phải chờ vài tiếng sau đó khi bị gây sức ép”. “Sắc lệnh của Tổng thống Trump về người tị nạn và người nhập cư Hồi giáo là quá sốc và khiến tất cả chúng tôi kinh hoàng”, Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Lao động đối lập của Anh, nói.
Về phía Iran, một trong những nước thuộc diện bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh, Bộ Ngoại giao nước này thông báo sẽ cấm người Mỹ nhập cảnh nước này để trả đũa. "Dù tôn trọng người dân Mỹ và tách biệt họ với chính sách thù địch của Mỹ, Iran sẽ áp dụng nguyên tắc trả đũa cho đến khi chính sách hạn chế gây xúc phạm nhắm vào công dân Iran bị gỡ bỏ", Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nói.
Sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Trump đã gây ra sự xáo trộn lớn. Hàng loạt hãng hàng không, trong đó có Qatar Airways, Emirates, đã phải từ chối các hành khách là công dân các nước Hồi giáo bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh. Newsweek đưa tin, lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ của ông Trump đối với công dân 7 quốc gia Trung Đông đã khiến ngành công nghiệp hàng không bị động, khi chính các thành viên phi hành đoàn cũng bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Minh Phương
Tổng hợp