Phó Thủ tướng “truy” trách nhiệm 3 Bộ “có tiền mà không tiêu được”!

(Dân trí) - “Chỗ nào có hiện tượng cản trở, chỗ nào có bất cập, chỗ nào né tránh? Nơi thì “đói” vốn, nơi có vốn mà không giải ngân được. Tại sao trong cùng một mặt bằng pháp luật như nhau mà nơi làm được nơi không làm được? Ở đây phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm!”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu kiên quyết như vậy tại cuộc họp với 3 Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2018, tại trụ sở Chính phủ sáng nay (16/5).

22 dự án 3 năm không... “nhúc nhích”!

Đối với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), lãnh đạo Chính phủ yêu cầu giải trình về dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ (các dự án vốn dư) giải ngân được 250 tỷ đồng/2.586 tỷ đồng, chỉ đạt 9,7%. Đặc biệt là 22 dự án Quốc hội giao theo Nghị quyết 99 đã 3 năm nay không “nhúc nhích”.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, ngày 7/5, Bộ GTVT có văn bản dài 18 trang gửi Chính phủ, báo cáo Thủ tướng tất cả những khó khăn, vướng mắc. Bộ GTVT nêu rõ sự mâu thuẫn điều 55 và điều 58 của Luật Đầu tư công, trong đó: Điều 55 quy định dự án được phê duyệt đầu tư thì phải thẩm định nguồn vốn, nhưng điều 58 lại quy định muốn được bố trí vốn thì phải phê duyệt dự án đầu tư. “Quả trứng có trước hay con gà có trước ở đây rất mâu thuẫn.” - ông Công nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Về các dự án sử dụng vốn dư, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Quốc hội có Nghị quyết 99 tháng 11/2015, nhưng phải làm thủ tục đến tận tháng 10/2016 thì Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định giao vốn cho Bộ GTVT.

Thứ trưởng Công cho biết: “Mặc dù trong danh mục Quốc hội phê duyệt theo Nghị quyết 99 có từng dự án, mỗi dự án bao nhiêu tiền, nhưng tháng 10/2016 khi Thủ tướng giao vốn cho Bộ GTVT thì theo quy định của Nghị định 136 lại phải làm lại thủ tục như một dự án mới. Chúng tôi phải lập báo cáo xin chủ trương đầu tư, rồi gửi sang Bộ Kế hoạch và Đầu tư để Bộ này thẩm định nguồn vốn (dù Quốc hội đã cho, Thủ tướng đã cho, từng danh mục dự án bao nhiêu tiền đều đã có)".

"Sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định xong thì chúng tôi mới có cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư, rồi lựa chọn tư vấn để lập dự án đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư, cuối cùng lựa chọn tư vấn để làm và đấu thầu... Có vài dự án đã triển khai vì được chỉ định thầu, còn lại phải thực hiện đấu thầu và đấu thầu mất thời gian thêm khoảng nửa năm nữa là lí do vì sao bị chậm.” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Công giải trình.

“Việc quyết định chuyển sang đầu tư công sử dụng vốn dư và vốn của địa phương đã có cách đây 2 năm và qua 2 đời Bộ trưởng - từ thời anh Trương Quang Nghĩa tới nay là anh Thể. Vậy các anh nói chậm là chậm thế nào? Rất là quan liêu và rất thiếu trách nhiệm. Tôi đề nghị phải có kiểm điểm và xem xét trách nhiệm của Bộ, của địa phương, của các Vụ, phải có báo cáo riêng với Quốc hội về 22 dự án này.” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gay gắt.

Phải làm rõ người chịu trách nhiệm!

Với Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), sau báo cáo tóm tắt được Thứ trưởng Trần Quý Kiên trình bày và khẳng định đang triển khai và các đơn vị phối hợp tốt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng điều đó không đúng.


Phó Thủ tướng truy trách nhiệm của 3 Bộ sử dụng vốn đầu tư công nhiều nhất nhưng giải ngân chậm chạp gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế cả nước

Phó Thủ tướng "truy" trách nhiệm của 3 Bộ sử dụng vốn đầu tư công nhiều nhất nhưng giải ngân chậm chạp gây ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế cả nước

“Tại sao chương trình Biến đổi khí hậu chưa làm được? Chương trình Tăng trưởng xanh, chương trình Biển Đông và Hải đảo vì sao 3 năm nay chưa giao vốn được đồng nào? Vậy mà vẫn bảo là phối hợp tốt thì tôi không biết tốt ở đâu. Vì sao chậm? Chậm ở đâu? Không thể nói chung chung được, ai là người chịu trách nhiệm?” - Phó Thủ tướng “truy”. Đến đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT... không nói gì.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết, kế hoạch giải ngân vốn kế hoạch năm 2017 không đạt yêu cầu, năm 2018 phấn đấu đến 30/6 sẽ giải ngân được trên 30% và đến tháng 9/2018 sẽ đạt hơn 50% kế hoạch.

“Lí do vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân thấp do các dự án chuyển tiếp phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, các dự án khởi công mới hiện đang triển khai công tác khảo sát thiết kế, dự kiến đến quý IV/2018 một số dự án trao hợp đồng thi công xây lắp.” - ông Thắng cho hay.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, vốn đầu tư công giao cho 3 Bộ này là rất lớn với 303.000 tỷ đồng, chiếm hơn 25% tổng vốn đầu tư công trung hạn của ngân sách, 3 Bộ sản xuất sử dụng vốn đầu tư công lớn nhất nhưng việc giải ngân thì rất chậm và rất thấp. “Thực trạng này không thể chấp nhận được.” - Phó Thủ tướng nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo tình hình giải ngân vốn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT báo cáo tình hình giải ngân vốn

Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh việc đang phải vay bên ngoài và huy động nguồn vốn lớn ở trong nước. Có tiền mà không tiêu được, trong khi lãi suất thì vẫn phải trả. Có những nơi “đói” vốn, nhưng có nơi có vốn mà không giải ngân. Phân bổ vốn chậm, giải ngân vốn chậm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và ngân sách nhà nước. Ở đây phải làm rõ trách nhiệm.

“Chỗ nào có hiện tượng cản trở, chỗ nào có bất cập, chỗ nào né tránh? Nơi thì “đói” vốn, nơi có vốn mà không giải ngân được. Tại sao trong cùng 1 mặt bằng pháp luật như nhau mà nơi làm được nơi không làm được? Ở đây phải kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm!” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời 3 Bộ GTVT, NN&PTNT, TN&MT chi tiết từng vướng mắc và báo cáo Chính phủ trước ngày 21/5. Riêng với 43 dự án sử dụng vốn dư do Bộ GTVT quản lý, Phó Thủ tướng cho biết sẽ giao Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện.

Châu Như Quỳnh

Phó Thủ tướng “truy” trách nhiệm 3 Bộ “có tiền mà không tiêu được”! - 4