“Điểm danh” những bạn trẻ Việt vang danh quốc tế năm 2017

(Dân trí) - Cùng Dân trí điểm qua những gương mặt trẻ Việt nhận được sự chú ý của truyền thông và cộng đồng quốc tế trong năm 2017 bởi tài năng, bản lĩnh.

Tiến sĩ Việt lọt top gương mặt trẻ ấn tượng nhất Thung lũng Silicon

Tiến sĩ trí tuệ nhân tạo Vũ Duy Thức (35 tuổi, sáng lập OhmniLabs) là người Việt Nam duy nhất được tờ báo Mỹ uy tín The Business Journals bình chọn vào top 40 gương mặt dưới 40 tuổi ấn tượng nhất Thung lũng Silicon năm 2017.

Vũ Duy Thức vốn là cái tên không quá xa lạ với cộng đồng trí thức Việt tại Mỹ. Thành quả của tiến sĩ trẻ nổi trội trong cả lĩnh vực học thuật lẫn khởi nghiệp.

Vũ Duy Thức – Tiến sĩ người Việt được vinh danh tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ trong năm 2017 (Ảnh: Silicon Valley Business Journal).
Vũ Duy Thức – Tiến sĩ người Việt được vinh danh tại Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ trong năm 2017 (Ảnh: Silicon Valley Business Journal).

Danh sách “Silicon Valley 40 under 40” được lựa chọn bởi Hội đồng biên tập của tờ báo, gồm những người có dày dạn kinh nghiệm và đóng góp vào sự phát triển chung của Thung lũng Silicon.

Trước đó, với việc OhmniLabs ra mắt sản phẩm đầu tiên - robot Ohmni và chạm mục tiêu 100.000 USD gọi vốn cộng đồng chỉ sau chưa đến 4 ngày, cái tên Việt - Vũ Duy Thức đã tạo ra “cơn sốt truyền thông” bằng việc xuất hiện dày đặc trên nhiều hãng tin tức lớn như New York Times, CNN, CNBC, ABC, Washington Post…

Chàng trai Việt lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin (chuyên ngành trí tuệ nhân tạo) tại ĐH Stanford năm 28 tuổi. Anh từng đồng sáng lập hai công ty Katango và Tappy được Google, Weeby.co mua lại với giá hàng chục triệu USD.

TS Vũ Duy Thức (phải) và các cộng sự bên cạnh loạt sản phẩm robot Ohmni.
TS Vũ Duy Thức (phải) và các cộng sự bên cạnh loạt sản phẩm robot Ohmni.

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Vũ Duy Thức cho biết, ngoài bất ngờ, anh có cảm xúc tự hào vì là người duy nhất đến từ Việt Nam góp mặt trong danh sách những gương mặt nổi bật nhất Silicon Valey năm nay. “Sự kiện này có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần, là sự ghi nhận của xã hội Mỹ cho những nỗ lực của tôi thời gian qua", anh nói.

Hiện Vũ Duy Thức là nhà đồng sáng lập và CEO của công ty OhmniLabs, chuyên cung cấp robot giúp kết nối, thích hợp cho mọi người, đặc biệt là người cao tuổi không quen sử dụng công nghệ, vì họ không cần động tay vào bất cứ thao tác nào.

Bỏ việc ở Bloomberg, cô gái Việt chinh phục 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới

Vốn không phải là vận động viên thể thao chuyên nghiệp mà là dân văn phòng trước đó, thành tích của Vũ Phương Thanh khiến nhiều người ngỡ ngàng, thán phục. Phương Thanh sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từng học tại Canada và Anh Quốc trước khi tới Singapore làm việc. Có một vị trí công việc tốt, thậm chí là ước mơ của nhiều người ở hãng tin kinh tế tài chính Bloomberg tại Singapore nhưng khát khao khai phá bản thân đã khiến cô gái trẻ “bật dậy” khỏi ghế văn phòng.

Ở tuổi 26, Vũ Phương Thanh (SN 1990) là người phụ nữ đến từ Châu Á đầu tiên chinh phục được 4 sa mạc hoang dã và khắc nghiệt bậc nhất thế giới trong 1 năm. Cho tới nay, cô gái Việt là 1 trong 13 người phụ nữ trên toàn thế giới hoàn thành được thử thách này.

“Bông hồng thép” Vũ Phương Thanh.
“Bông hồng thép” Vũ Phương Thanh.

Chinh phục giải chạy siêu bền đa chặng quốc tế mang tên “4 Deserts Grand Slam”, cô gái Việt đã hoàn thành 1000 km qua 4 sa mạc hoang dã và khắc nghiệt bậc nhất thế giới trong một năm gồm: sa mạc Sahara (sa mạc nóng nhất thế giới) được tổ chức tại Namibia (châu Phi), sa mạc Gobi (sa mạc gió nhất thế giới) tại Trung Quốc (châu Á), sa mạc Atacama (sa mạc khô nhất thế giới) tại Chi-lê (châu Mỹ), và Nam Cực (nơi lạnh nhất thế giới). Giải đấu khắc nghiệt nổi tiếng thế giới này ít khi là nơi xuất hiện các “bóng hồng”. Cho tới nay, cô gái Việt là 1 trong 13 người phụ nữ trên toàn thế giới và là người phụ nữ châu Á đầu tiên hoàn thành được thử thách này.

Vào năm 2016, Thanh xếp hạng top 10 nữ và top 50 tổng thể trong các giải chạy sa mạc, và cũng xếp đầu nhóm U29 nữ tại giải Gobi và Atacama năm 2016.

Cuộc sống phiêu lưu mạo hiểm, đầy màu sắc của cô gái 9X khiến nhiều người ngưỡng mộ.
Cuộc sống phiêu lưu mạo hiểm, đầy màu sắc của cô gái 9X khiến nhiều người ngưỡng mộ.

Năm 2018 sẽ là năm mà Thanh đặt mục tiêu chinh phục giải Artic Ultra dài 230km tại Bắc Cực (5 chặng trong 5 ngày) và cuộc đua Grand to Grand dài 273km tại Bắc Mỹ (6 chặng trong 7 ngày). Để hoàn thành dự định, cô gái 9X đã xây dựng cho mình chế độ luyện tập cường độ cao vô cùng nghiêm ngặt. Một ngày luyện tập của Thanh kéo dài 5-6 tiếng bắt đầu từ 6 giờ sáng tới 12 giờ trưa, chạy hoặc hoạt động tương đương với cự ly 100 km/1 tuần.

8X Việt sáng tạo “phi thuyền không gian” sánh ngang các nước phát triển

“Phi thuyền” không người lái thử nghiệm thành công vào không gian do Phạm Gia Vinh - Giám đốc Công ty CP Nghiên cứu & Phát triển Đông Giang Việt Nam và nhóm kỹ sư hàng không Việt Nam chế tạo, vượt trội với khả năng bay được ở trần cao gấp 3-5 lần máy bay thông thường.

Thạc sĩ Phạm Gia Vinh (phải) bên cạnh chiếc phi thuyền không gian do anh sáng tạo.
Thạc sĩ Phạm Gia Vinh (phải) bên cạnh chiếc phi thuyền không gian do anh sáng tạo.

Ngày 15/3/2015, chiếc “phi thuyền” có trọng lượng 600kg này đã được thử nghiệm lần thứ 2 thành công ở độ cao 29,5km tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ). Sau gần 2 giờ đồng hồ bay ở vùng cận vũ trụ với độ cao này, “phi thuyền” mang theo 3 con chuột bạch đã trở về trái đất an toàn.

Đài truyền hình tin tức về châu Á Chanel News Asia cũng đã tường thuật chi tiết về sự kiện. Kênh này dẫn lời ông Lim Seng, nhà sáng lập kiêm Giám đốc quản lý của tập đoàn InGenius (Singapore) rằng, 3 con chuột vẫn an toàn trở về sau chuyến đi qua cả giới hạn Armstrong (độ cao mà áp suất không khí cực thấp) bằng cách sử dụng khinh khí cầu tầng bình lưu. Chuyến bay kéo dài 110 phút và đạt tới độ cao 29,5 km. “Đây quả là một kết quả đáng nể”.

Vào tháng 5/2017, các cơ quan chức năng của Australia đã cấp phép cho “phi thuyền không gian” của công ty Đông Giang do thạc sĩ Phạm Gia Vinh sáng lập bay ở tầng bình lưu có người đi kèm.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới trong việc thử nghiệm các khí cụ bay do công ty Đông Giang của Phạm Gia Vinh và các kỹ sư người Việt chế tạo. Để thiết bị không người lái của anh được bay thử nghiệm ở Australia, đòi hỏi phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe nhất theo tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.

Theo ông Vinh, việc hợp tác với phía cơ quan chức năng Australia để đưa người lên tầng bình lưu đã được Cục An toàn hàng không dân dụng Australia (CASA) đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, CASA vẫn yêu cầu nhóm chứng minh phương án thu hồi bằng dù là an toàn.

Ngay khi việc thử nghiệm thành công, phía Australia sẽ chính thức cho phép bay có người. Dự kiến thời gian triển khai bay có người vào tháng 5/2018.

Toàn cảnh buổi thử nghiệm lần thứ 2 tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ).
Toàn cảnh buổi thử nghiệm lần thứ 2 tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ).

Từ trước đến nay, Việt Nam chưa từng có một khí cụ bay dân sự nào có thể đạt đến trần bay 30km. Chiếc “phi thuyền” của nhóm Phạm Gia Vinh đã vượt xa tầm hoạt động của các máy bay dân dụng, sánh ngang với một số ít quốc gia phát triển sở hữu công nghệ chế tạo khí cụ bay có trần bay trên 30 km như Mỹ, Pháp, Nhật, Tây Ban Nha, Ấn Độ…

Chị em sinh 3 người Việt “ghi danh” vào lịch sử giáo dục bang Texas

Chị em sinh 3 người Việt đã tạo ra dấu ấn trên đất Mỹ khi trở thành 3 người tốt nghiệp Học viện Evolution với số điểm cao nhất năm 2017. Buổi lễ đã tổ chức vào 17/5 vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử bang Texas có chị em sinh ba cùng tốt nghiệp với 3 vị trí dẫn đầu trong cùng một lớp.

Chị em sinh 3 người Việt đã tạo ra dấu ấn trên đất Mỹ khi trở thành 3 người tốt nghiệp Học viện Evolution với số điểm cao nhất năm 2017.
Chị em sinh 3 người Việt đã tạo ra dấu ấn trên đất Mỹ khi trở thành 3 người tốt nghiệp Học viện Evolution với số điểm cao nhất năm 2017.

Năm 2012, các cô gái đặt chân lên nước Mỹ và gặp không ít trở ngại, đặc biệt là rào cản về ngôn ngữ. Đến 2015, gia đình của 3 chị em chuyển đến miền nam Texas với vô vàn khó khăn và buộc cả ba phải nghỉ học. Nhưng cuối cùng, vì muốn đem lại niềm từ hào cho bố mẹ, cả ba chị em đã cùng nhau cố gắng vượt qua mọi rào cản để tập trung học tập.

Ba chị em họ Trần là một trong những gương sáng xuất sắc của Học viện Evolution.
Ba chị em họ Trần là một trong những gương sáng xuất sắc của Học viện Evolution.

Chia sẻ về trường hợp của chị em sinh ba người Việt, ông Cynthia Trigg – người sáng lập học viện nhấn mạnh:

“Trường hợp của 3 chị em khá phổ biến. Các em gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống và tự ti về bản thân. Nhưng có một điều các em nên nhớ rằng cách chúng ta bắt đầu như thế nào không quan trọng bằng cách chúng ta kết thúc”.

Lệ Thu

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm