1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại gia Trung Quốc chi 300 triệu USD mua giống ngựa “mồ hôi đỏ như máu”

(Dân trí) - Một tỉ phú người Trung Quốc đã quyết định bỏ ra 300 triệu USD để mua và nuôi dưỡng loại ngựa quý trong truyền thuyết được sử sách ghi lại là có “mồ hôi đỏ như máu”.

Tỉ phú Chen Zifeng và giống ngựa Akhal-teke. (Ảnh: SCMP)
Tỉ phú Chen Zifeng và giống ngựa Akhal-teke. (Ảnh: SCMP)

Theo SCMP, loài ngựa quý có tên Akhal-teke đang dần quay trở lại Trung Quốc nhờ vị tỉ phú có tên là Chen Zifeng. Ông Chen, người hiện sở hữu một tập đoàn thương mại ở Urumqi, Trung Quốc, đã quyết định bỏ ra 312 triệu USD từ năm 2009 để mua và nhân giống loại ngựa quý hiếm có nguồn gốc từ Turkmenistan.

Akhal-teke là giống ngựa chiến huyền thoại được gọi bằng cái tên “ngựa trời”, nổi tiếng trong sử sách vì được cho là có mồ hôi đỏ như máu. Ông Chen tuyên bố sở hữu đàn ngựa Akhal-teke lớn nhất thế giới với hon 300 cá thể.

Theo SCMP, ông vừa tiếp tục nhập thêm một đợt ngựa mới, gồm 12 cá thể ngựa cái và 9 cá thể ngựa đực. Hiện chúng được kiểm dịch khắt khe tại biên giới Trung Quốc - Kazakhstan. Những con ngựa đạt tiêu chuẩn sẽ được chuyển về trang trại của ông Chen Urumqi, Tân Cương, cùng 120 cá thể khác đang trong giai đoạn sinh sản.

Tốc độ và sự dẻo dai của Akhal-teke vốn gây tiếng vang trong sử sách. Truyền thuyết kể lại rằng Hán Vũ Đế, vị vua thứ 7 dưới triều đại nhà Hán từng 2 lần phát động chiến tranh chỉ để giành được giống ngựa quý này.

Loài ngựa quý hiếm được coi là biểu tượng của Turkmenistan đã đóng góp vai trò nổi bật trong chính sách ngoại giao bằng động vật của quốc gia Trung Á. Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov đã từng tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một con ngựa Akhal-teke trong chuyến công du Bắc Kinh 4 ngày hồi năm 2014. Akhal-teke cũng từng là quà tặng cho cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào năm 2006 hay cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân năm 2000.

Một chú ngựa Akhal-teke. (Ảnh: SCMP)
Một chú ngựa Akhal-teke. (Ảnh: SCMP)

Ngựa là biểu tượng quyền lực và địa vị xã hội ở Trung Quốc. Ông Chen cho biết việc nhập khẩu giống ngựa quý khá tốn kém, phiền hà và tốn thời gian. Mục tiêu của ông là sẽ nhân thành công 1.000 cá thể ngựa trong vòng 8 năm.

“Nếu như rồng là biểu tượng cho Trung Quốc thì ngựa chính là biểu trưng cho tinh thần của người Trung Quốc”, ông Chen nói.

Ông Chen nói tham vọng mang Akhal-teke của ông về Trung Quốc là nhằm “hiện thức hóa giấc mơ của Hán Vũ Đế” vì một Trung Quốc “thiện chiến hơn”.

Ông cho biết tình yêu của ông với ngựa đã xuất phát khi con nhỏ, khi ông còn là 1 đứa trẻ sinh ra trên thảo nguyên Tân Cương. Ngựa cũng là 1 phần cuộc sống của ông khi ông sinh sống tại khu vực này.

Đức Hoàng

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm