Cuộc "cách mạng kinh tế" của giới trẻ Triều Tiên
(Dân trí) - Những thanh niên Triều Tiên với tư duy mới mẻ và hiện đại đang góp công sức vào cuộc cách mạng thay đổi bộ mặt nền kinh tế Bình Nhưỡng, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho Triều Tiên, Washington Post nhận định.
Từ thế giới bên ngoài, Triều Tiên có vẻ như không thay đổi gì nhiều trong 70 năm qua. Tuy nhiên, từ nội bộ của quốc gia này, sự thay đổi có tính bước ngoặt dường như đang diễn ra: một cuộc cách mạng kinh tế do thế hệ trẻ Triều Tiên dẫn đầu.
Họ được gọi là “thế hệ Jangmadang”, được cho là một nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự biến đổi từng ngày từng giờ ở Bình Nhưỡng. Trong bộ phim tài liệu mang tên “thế hệ Jangmadang”, tổ chức Tự do Triều Tiên (LiNK) có trụ sở ở Mỹ đã đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về việc thế hệ trẻ đã và đang thay đổi Triều Tiên thế nào.
Jangmadang là tên những phiên chợ xuất hiện lần đầu trong thời kỳ nạn đói hoành hành ở Triều Tiên do thiên tai và sự cấm vận của thế giới vào những năm 1990. Thời kỳ thiếu thốn đó dường như đã thôi thúc người dân Triều Tiên cố gắng hết sức để có thể sinh tồn. Họ bắt đầu sản xuất những mặt hàng đơn giản như mì ngô, đậu phụ và buôn bán giao dịch trong những phiên jangmadang.
Trải qua thời gian, những phiên chợ jangmadang ngày càng xuất hiện nhiều tại Triều Tiên. Theo số liệu của viện Nghiên cứu Triều Tiên thuộc đại học Johns Hopkins (Mỹ), số lượng chợ được cho là đã tăng gần gấp đôi trong 5 năm, từ 200 năm 2010 lên 396 năm 2015.
Những đứa trẻ sinh vào những năm 1990 đã trải qua thời kỳ đó và dường như đã trải nghiệm và làm quen với việc kinh doanh. Joo Yang trải qua nạn đói khi cô 6 tuổi. Vào năm 14 tuổi cô đã tính đến chuyện kinh doanh. Hay Kang Min, chàng trai sống lang thang ngoài đường từ nhỏ, đã nghĩ đến những thương vụ nhập khẩu tất và pin từ Trung Quốc về bán.
“Chính sự khó khăn đã rèn luyện nên một thế hệ thanh niên đầy táo bạo và quyết tâm”, mẹ của Geumju, một người trẻ thuộc thế hệ jangmadang, chia sẻ.
Theo LiNK, nền kinh tế Triều Tiên dường như cũng hưởng lợi từ những mô hình jangmadang. Chính phủ Triều Tiên được cho là đã thu thuế đối với các phiên chợ. Jangmadang dường như đã góp phần không nhỏ vào sự lưu chuyển dòng tiền trong nền kinh tế Bình Nhưỡng.
Quan trọng hơn cả, những phiên chợ dạng này dường như mang lại lợi ích thiết thực cho thế hệ trẻ Triều Tiên, giúp cho nhận thức và tư duy của họ cởi mở, năng động hơn cũng như hình thành nên động lực muốn thay đổi và làm xã hội tốt đẹp hơn.
Về phía Hàn Quốc, họ rất để tâm tới thế hệ jangmadang. Seoul cho rằng thế hệ mới có thể trở thành cầu nối cho Bình Nhưỡng với thế giới và quan trọng hơn cả Hàn Quốc hy vọng đây có thể là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch đoàn tụ 2 miền Nam - Bắc bán đảo Triều Tiên.
Đức Hoàng
Theo SCMP