Cách mạng công nghiệp 4.0: "Cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo”

(Dân trí) - "Mình chưa có cái trước mình làm ngay cái mới thì rất thuận lợi. Đấy chính là cơ hội cho Việt Nam. Nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, cơ hội đến là vì chúng ta không biết gì”, CEO Viettel bình luận về cơ hội của Việt Nam trước làn sóng công nghiệp 4.0.

CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng.
CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ len lỏi vào từng gia đình

Phát biểu tại diễn đàn "Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - Được và mất" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 7/4, TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ kết nối máy móc với điều kiện tự động, tạo ra người máy có trí thông minh nhân tạo, các hàng hóa, dây chuyền sản xuất sẽ tự động, tạo năng suất lao động lớn chưa từng có.

"Chu kỳ sản phẩm sẽ được rút ngắn. Người dân sẽ thấy người máy nhiều hơn trong cuộc sống như bệnh viện, tòa án. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như một cơn bão mà không nước nào trên thế giới có thể đứng ngoài, nó sẽ chắp cánh cho 3 cuộc công nghiệp trước đó", TS Doanh nói.

Còn theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam, bản chất cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hội tụ của nền kinh tế vật lý, kinh tế số, sinh học, dựa trên nền tảng trí tuệ thông minh nhân tạo. Trong tương lai, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu nhiều ngành công nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) dự báo, với cách mạng công nghiệp 4.0, các ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ tiếp lục len lỏi vào từng gia đình. Riêng với kinh doanh, đây sẽ là cơ hội để giúp giảm giá thành, làm cho tổng thể xã hội tốt lên.

TS Võ Trí Thành cũng bình luận, nếu như 3 cuộc cách mạng trước là về công nghệ, điện, nước, tự động hoá thì cuộc cách mạng thứ 4 là cách mạng về kết nối. Vì thế, nó liên quan tới nhiều cuộc cách mạng khác.

Ông Thành nhấn mạnh: “Con người luôn là trung tâm của sự kết nối này. Do kết nối tức thời, hiệu quả, thông minh nên năng suất sẽ tăng lên hàng chục, hàng trăm lần, nên dẫn tới cạnh tranh và là vấn đề sống còn của người lao động. Bên cạnh tác động tích cực to lớn, nâng cao năng suất, hiệu quả nhưng cũng kéo theo rủi ro".

"Cơ hội đến vì chúng ta nghèo, chưa biết gì"

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cùng nhìn nhận, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang theo cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam và vấn đề đặt ra là Việt Nam có thể bắt kịp cách mạng công nghiệp này hay không?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều đó. Trong khi đó, đại diện Uber Việt Nam thì cho rằng: "Trong ngắn hạn thì Việt Nam chưa thể bắt kịp, còn trung hạn vẫn là một dấu hỏi lớn. Bởi theo ông, về bản chất, muốn đón nhận thế nào còn phải phụ thuộc nhiều vào yếu tố chính sách.

Kém lạc quan hơn, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng: "Câu trả lời là "không". Cuộc cách mạng thứ 3 chúng ta cũng chưa bắt kịp. Cách mạng thứ 4 thách thức quá lớn. Nếu phát triển 1 cách tự nhiên trước sau thì cái gì cũng phải tiến đến, phải theo nhưng khoảng cách vẫn là thách thức, không biết có rút ngắn được hay không".

"Muốn phát triển thì phải có sự đột biến, mà đột biến phải có điều kiện. Một trong công cụ tạo ra sự đột biến không phải là người dân, mà là bàn tay vô hình của chính quyền, Muốn bắt kịp cuộc công nghiệp 4.0 thì có thể bắt kịp về tiêu dùng, còn về sáng tạo, sản xuất thì tôi nghi ngờ và phải có sự sáng tạo mạnh mẽ”, ông Liên nhấn mạnh.

Chia sẻ tại diễn đàn, đại diện Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cuộc cách mạng nào cũng chỉ có giá trị khi chúng ta làm những cái người khác chưa làm, vì thế chúng ta hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

"Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong cuộc cách mạng này. Việt Nam mình đi sau, ba cuộc cách mạng trước chúng ta xây dựng nền tảng chưa đáng bao nhiêu. Trong khi các nước phát triển thì bỏ hàng triệu tỷ USD vào đó rồi nên có dám bỏ nó đi không, chắc chắn rất khó. Mình chưa có cái trước mình làm ngay cái mới thì rất thuận lợi. Đấy chính là cơ hội cho Việt Nam. Nhiều khi cơ hội đến là vì chúng ta quá nghèo, cơ hội đến là vì chúng ta không biết gì”, ông nói.

Người đứng đầu Viettel cũng cho rằng: "Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng, nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh, vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam”.

“Người Việt Nam rất giỏi phát động một cuộc cách mạng toàn dân. Nếu nghĩ là cuộc cách mạng cho người giàu thì chúng ta không có cơ hội đâu, nhưng nếu đây là cách mạng toàn dân, mọi người dân đều tham gia được thì đấy là lợi thế của Việt Nam”, CEO Viettel nói thêm.

Phương Dung