Bộ Giáo dục: Không có chuyện “5 điểm một môn thi mới đỗ tốt nghiệp”

(Dân trí) - Mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin theo quy chế thi THPT quốc gia năm 2018 vừa được Bộ GD- ĐT công bố, thí sinh phải đảm bảo mỗi môn thi thành phần đạt 5 điểm trở lên mới đủ điều kiện để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thông tin này đang gây hoang mang cho thí sinh?


Thí sinh tham dự buổi tư vấn tuyển sinh năm 2018 tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Thí sinh tham dự buổi tư vấn tuyển sinh năm 2018 tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Ngày 11/3, bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD- ĐT- cho biết, quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT năm 2018 hầu như không có thay đổi so với năm 2017. Trong đó, về điều kiện xét công nhận tốt nghiệp hoàn toàn không có chuyện yêu cầu mỗi môn thành phần của thí sinh phải đạt mức tối thiểu 5 điểm.

Theo bà Phụng, cũng giống như năm 2017, mức điểm xét tốt nghiệp 5.0 được tính là điểm trung bình các môn thi THPT quốc gia (đăng ký để xét tốt nghiệp) cộng với điểm trung bình các môn học lớp 12 chia cho 2 và cộng với điểm ưu tiên.

Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, về chấm bài thi tự luận, bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.

Trong phương án thi THPT Quốc gia năm 2018 đã được Bộ GD-ĐT công bố, đề thi năm nay của của thí sinh sẽ không còn chỉ nằm trong chương trình lớp 12 mà có cả lớp 11.

Bộ GD-ĐT đang xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ gồm 5 môn thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Trong đó, 3 bài thi là bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội.

Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn một trong các thứ tiếng là Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật.

Đối với hệ giáo dục thường xuyên sẽ phải trải qua 2 bài thi bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý).

Về một số thay đổi trong tuyển sinh năm nay, bà Phụng lưu ý với các thí sinh, 4 điểm:

Thứ nhất, điểm ưu tiên khu vực được giảm đi 50% so với mức 2017 trở về trước. Độ chênh lệch giữa các vùng miền không còn cao nữa nên mức điểm này hạ xuống để phù hợp với mức độ phát triển của các vùng cao, vùng xa, vùng khó khăn.

Thứ hai, Bộ GD&ĐT sẽ không quy định điểm sàn hay ngưỡng đảm bảo chất lượng trừ với ngành đào tạo giáo viên. Quyền này được trao cho các trường, các trường được tự chủ, xác định ngưỡng đầu vào cho nó hợp với chính sách tuyển sinh, chính sách chất lượng của từng trường.

Thứ ba, điểm xét tuyển năm nay được làm tròn tới 2 chữ số thập phân, như vậy các thí sinh rất chú ý để giành từng 1% điểm một để mà có sự cạnh tranh trong việc thi, tuyển sinh.

Thứ tư, các trường phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của 2 năm trước. Đó là thông tin hữu ích cho các thí sinh biết rằng ngành nào, trường nào có chất lượng.

Hồng Hạnh