1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

ASEAN 31: Đạt được nhiều bước tiến lớn

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN, các nhà lãnh đạo của 10 nước Đông Nam Á và Trung Quốc đã đồng ý khởi động quá trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Đây được xem là mốc quan trọng nhất của các nước ASEAN và Trung Quốc (TQ) suốt 15 năm qua trong việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông, theo Reuters.

Bước tiến mới của COC

Đề cập đến vấn đề biển Đông, bản dự thảo tuyên bố của chủ tịch ASEAN được Philippines đưa ra khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). “Điều quan trọng là chúng ta cần phải hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải trên biển Đông theo luật pháp quốc tế. Đó là mối quan tâm chung nhằm tránh các động thái sai lầm có thể dẫn tới leo thang căng thẳng” - hãng tin Philstar ngày 14-11 trích dẫn bản dự thảo cho biết. Cùng với đó, các nước cũng cam kết “tiếp tục thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” được ASEAN và TQ ký kết vào năm 2002.

“Các lãnh đạo của ASEAN và lãnh đạo TQ đã đồng ý khởi động quá trình đàm phán chính thức về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), dựa trên bộ khung đã được các nước thông qua hồi tháng 8” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Robespierre Bolivar nói hôm 13-11. Ông Bolivar không tiết lộ thời gian cụ thể nhưng cho biết có khả năng các cuộc đàm phán COC sẽ bắt đầu trong năm tới. Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano trước đó cho biết các cuộc đàm phán về COC sẽ bao gồm những thảo luận về vấn đề bảo tồn sinh vật biển, vấn đề tiếp cận với ngư dân cũng như các khu vực biển tranh chấp.

Ngoài việc đồng ý khởi động đàm phán COC, phát ngôn viên tổng thống Philippines, ông Harry Roque, cũng cho biết Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-TQ đã đưa ra các tuyên bố chung về việc thúc đẩy hợp tác chống tham nhũng, phát triển du lịch và kết nối cơ sở hạ tầng giữa ASEAN và TQ.


Lãnh đạo các quốc gia ASEAN chụp ảnh bắt tay khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị thượng đỉnh liên quan, diễn ra trong hai ngày 13 và 14-11 tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: AFP

Lãnh đạo các quốc gia ASEAN chụp ảnh bắt tay khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị thượng đỉnh liên quan, diễn ra trong hai ngày 13 và 14-11 tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh: AFP


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị liên quan. Ảnh: CP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị liên quan. Ảnh: CP

Tăng cường hợp tác kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 20 ở Manila, các lãnh đạo của khối ASEAN và ba quốc gia đối tác là TQ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 14-11 đã kêu gọi tăng cường sự hợp tác về kinh tế và hội nhập khu vực trong bối cảnh sự phát triển của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới. “Tôi hy vọng thông qua hội nghị thượng đỉnh này, các nước có thể đạt được sự đồng thuận và gửi đi một tín hiệu tích cực rằng việc hội nhập khu vực và thúc đẩy cộng đồng kinh tế Đông Á nhằm phục vụ lợi ích của người dân và các nước trong khu vực” - Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường phát biểu.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng kêu gọi các nước “cùng nhau tạo lập một tầm nhìn cho sự hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ của cộng đồng Đông Á”. Cùng quan điểm trên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi các nước hợp tác tài chính để củng cố nền kinh tế trong khu vực. “Nhằm tăng cường sự phát triển của các nền kinh tế trong khu vực, giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương, duy trì và củng cố hệ thống thương mại tự do, mối quan hệ hợp tác tài chính của khối ASEAN+3 cần phải được vững chắc hơn nữa” - ông Abe nhấn mạnh.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 14-11 cũng khẳng định với tư cách là chủ tịch ASEAN kỳ kế tiếp vào năm 2018, Singapore sẽ cố gắng hết sức để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN với ba quốc gia TQ, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như tiếp tục những nỗ lực để đạt được mục tiêu lâu dài là xây dựng cộng đồng Đông Á.

Tổng thống Mỹ đánh giá cao thành quả công du châu Á

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-11 tự hào tuyên bố ông đã thu được những thành quả to lớn sau chuyến công du đến các nước châu Á vừa qua, cũng như việc các quốc gia đã nhận thức được rằng Mỹ sẽ thay đổi điều kiện trong các thỏa thuận thương mại. “Tất cả quốc gia có trao đổi thương mại với Mỹ đã hiểu rằng các quy tắc thương mại đã thay đổi. Nước Mỹ phải được đối xử công bằng và theo nguyên tắc hai bên. Thâm hụt thương mại khổng lồ phải giảm một cách nhanh chóng” - ông Trump viết trên trang mạng xã hội Twitter.

Phát biểu trước các PV tại Manila, ông Trump cũng khẳng định Mỹ luôn mở rộng cửa với các thỏa thuận thương mại nhưng các thỏa thuận này phải tuân theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi. “Chúng tôi muốn Mỹ có các giao dịch thương mại công bằng” - Tổng thống Mỹ tuyên bố ngày 14-11 trước khi chính thức kết thúc chuyến công du dài “kỷ lục” thăm năm nước châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, TQ, Việt Nam và Philippines.

____________________________

Chúng tôi hy vọng các cuộc đàm phán về quy tắc ứng xử sẽ thúc đẩy sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau giữa các nước. Chúng tôi sẽ phấn đấu thực hiện các thỏa thuận nhằm đạt được sự nhất trí về việc sớm thực hiện bộ quy tắc ứng xử.

Ông Lý Khắc Cường, Thủ tướng Trung Quốc, nói về bước tiến mới trong quá trình xây dựng COC

Theo An Miên

Pháp luật TP. HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm