3 ngày Tết xảy ra gần 2000 vụ “ẩu đả”

(Dân trí) - Báo cáo tình hình khám chữa bệnh của Bộ Y tế trong 3 ngày Tết (từ ngày 14/02 đến ngày 17/02/2018) cả nước có gần 17 nghìn ca tai nạn giao thông, gần 2000 vụ ẩu đả và hơn 1000 ca khám cấp cứu vì say rượu, ngộ độc thực phẩm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế do Thứ trưởng Lê Quang Cường kí gửi đến Văn phòng Chính phủ, từ ngày 29 Tết đến ngày mùng 2 Tết, tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông trong hệ thống y tế cả nước là 16.606 trường hợp.

Một trường hợp tai nạn giao thông được cấp cứu tại BV Việt Đức. Ảnh: T.A
Một trường hợp tai nạn giao thông được cấp cứu tại BV Việt Đức. Ảnh: T.A

Đây là tổng hợp số liệu ghi nhận tại khoa khám bệnh các bệnh viện, theo lời khai của người bệnh và người nhà người bệnh, bao gồm nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau, chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến 1 trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện).

Trong đó, có 9.678 trường hợp nhẹ được xử trí và cho về trong ngày; 5.491 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú; Chuyển tuyến trên điều trị 1.349 trường hợp.

Số ca tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 83 trường hợp, tăng 3 ca so với 3 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017.

Tuy nhiên, tổng số ca tai nạn giao thông giảm 3.73% so với 3 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017 (hơn 17 nghìn trường hợp).

Vấn đề “ẩu đả” trong ngày Tết cũng “nóng” với 1.949 trường hợp đến viện khám vì đánh nhau. So với 3 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017, số ca đến viện khám vì đánh nhau giảm 20.7%.

Trong số này, có hơn một nửa trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, 270 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên và 6 trường hợp tử vong.

So với 3 ngày Tết năm 2017, số ca tử vong là 16 ca.

Liên quan đến tai nạn do pháo nổ, chất nổ khác cả nước có 190 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ (106 trường đã xác minh danh tính và địa chỉ cụ thể), tăng 67 trường hợp (54.4%) so với 3 ngày Tết Đinh Dậu năm 2017, không có ca tử vong.

Có 53 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, tăng 27 trường hợp (103.8%) so với 26 ca trong 3 ngày Tết 2017, không có ca tử vong.

Tổng số ca khám Rối loạn tiêu hóa là 1.296 trường hợp, trong đó 388 trường hợp là ngộ độc (say) rượu ( chiếm 25%), 239 trường hợp do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo báo cáo trực tuyến của 1.300 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, tính đến 7 giờ sáng ngày 14/02/2018 có gần 85 nghìn trường hợp bệnh nhân phải ở lại bệnh viện trong những ngày Tết.

Trong 3 ngày Tết vừa qua, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám cấp cứu cho 94.830 trường hợp, nhập viện điều trị nội trú 57.305 trường hợp, chuyển viện 5.231 trường hợp, thực hiện 6.393 ca phẫu thuật, trong đó 215 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (do các nguyên nhân). Đỡ đẻ/mổ đẻ thành công đón thêm 8.648 trẻ chào đời và làm thủ tục xuất viện cho 60.141 người bệnh được điều trị khỏi về nhà ăn Tết. Tổng số người bệnh còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh đến 7 giờ sáng ngày 16/02/2018 (30 Tết) là 72.577 người bệnh.

Các dịch bệnh khác như cúm gia cầm, sởi, liên cầu lợn, tay chân miệng... trong ngày 17/2 đều không ghi nhận.

Gia Lai: Hàng trăm ca nhập viện vì tai nạn giao thông trong tết nguyên đán

Ngày 18/2, Sở Y tế Gia Lai cho biết, trong 3 ngày nghỉ đầu của tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các bệnh viện tuyến tỉnh và 17/17 Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã khám, điều trị cho 1.385 lượt bệnh nhân.

Theo đó, có 259 ca nhập viện vì tai nạn giao thông, 5 ca tai nạn do pháo nổ, 143 ca tai nạn do sinh hoạt, 6 ca bị ngộ độc thực phẩm… Trong 3 ngày đầu Tết Nguyên đán chưa ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, không xảy ra các ổ dịch bệnh.

Các bệnh viện và Trung tâm Y tế đã cắt cử cán bộ, phân công lực lượng trực Tết 24/24 giờ; phân công các tổ cấp cứu sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra, đồng thời chuẩn bị đầy đủ giường bệnh và cơ số thuốc trong dịp Tết.

Phạm Hoàng

Hồng Hải