1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

16% dân số TP.HCM có thể có vấn đề về tâm thần

Trung bình mỗi ngày Bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận khám bệnh ngoại trú, trị liệu tâm lý, khám giám định 800 lượt, tăng 10-15% mỗi năm.

Đó là báo cáo của BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần (TP.HCM) tại buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM ngày 10-4.

Theo BS Thắng, trong những năm qua, những điều tra dịch tễ cắt ngang về tần suất các loại bệnh tâm thần thường gặp trong dân chúng tại thành phố cho thấy có đến 16% dân số có thể có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Trong số này có môt số loại bệnh thường diễn tiến mãn tính như tâm thần phân liệt 0,3% - 1%, động kinh 0,5%, trầm cảm 6%, rối loạn lo âu 7%, nghiện hoặc lạm dụng rượu 5%, đặc biệt là nhóm loạn thần liên quan tới chất kích thích ngày càng tăng cao ở người trẻ...

Hiện bệnh viện đang quản lý 10.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 8.000 bệnh nhân động kinh.

Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám bệnh ngoại trú, trị liệu tâm lý , khám giám định 800 lượt/ngày, tăng 10-15% mỗi năm...

BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM báo cáo về tình hình khám chữa bệnh liên quan sức khỏe tâm thần của người dân. Ảnh: HL
BS Trịnh Tất Thắng, Giám đốc BV Tâm thần TP.HCM báo cáo về tình hình khám chữa bệnh liên quan sức khỏe tâm thần của người dân. Ảnh: HL

Tuy nhiên, số lượng bác sĩ và cơ sở vật chất của bệnh viện đều chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Cụ thể, hiện bệnh viện chỉ có 61 bác sĩ đạt tỉ lệ 1/12,2 giường (tỉ lệ quy định bác sĩ/giường bệnh là 1/5).

Cơ sở vật chất tại 3 cơ sở của bệnh viện khó có thể triển khai các kỹ thuật can thiệp mới và hiệu quả như phục hồi chức năng tâm thần, các đơn vị điều trị tâm lý, tâm vận động, khoa nghiện chất....

"Đặc biệt ở cơ sở Võ Văn Kiệt (quận 5), nơi đón tiếp chính lượng bệnh nhân thành phố thì mặt bằng khoa ngoại trú và nội trú chật chội, gây phiền hà, tâm lý ngán ngại đi khám, từ chối nhập viện từ bệnh nhân và thân nhân...

"Ngoài ra, mức thu nhập của nhân viên tại bệnh viện cũng rất thấp, thu nhập tăng thêm hằng tháng ngoài mức lương chỉ khoảng 3 triệu đồng. Điều này dẫn đến việc tuyển dụng bác sĩ rất khó khăn trong khi từ 2018 đến 2020 sẽ có 10 bác sĩ nghỉ hưu", BS Thắng dẫn chứng.

BS Thắng đề nghị ngành y tế đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở của bệnh viện để triển khai có hiệu quả các hoạt động khám chữa bệnh cũng như nghiên cứu, đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân, đặc biệt là số lượng bệnh nhân nhi. Ngoài ra, xem xét chế độ đãi ngộ đặc thù để nhân viên của bệnh viện yên tâm công tác.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM ghi nhận sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện trong việc điều trị sức khỏe tâm thần cho người dân thành phố. Bà Nhung lưu ý lãnh đạo bệnh viện tính toán giữ chân, có chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ trẻ.

Bà Nhung đề nghị Sở y tế TP rà soát đầu tư đánh giá các cơ sở vật chất của ngành y tế và hướng dẫn cho bệnh viện lên kế hoạch yêu cầu thành phố xem xét bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách đặc thù cho ngành tâm thần.

Theo Hoàng Lan

Pháp luật TPHCM