1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Vụ trốn thuế 13 tỷ tại Công ty Halico: Nhận “lại quả” hàng trăm triệu vẫn… vô can

(Dân trí) - Liên quan đến vụ án này, có 6 bị cáo sẽ hầu tòa về các tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn…” và “Trốn thuế” trong phiên tòa dự kiến xét xử vào ngày 28/4.

hai-1461629812077

Cựu Giám đốc Cty cổ phần rượu cồn Hà Nội - Hồ Văn Hải bị bắt giữ.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Hồ Văn Hải (SN 1956, nguyên Giám đốc Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội-Halico) và Nguyễn Thị Kim Hạnh (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hoàng Lân là Hoàng Văn Xưởng, Đinh Thị Minh Hoa, cùng Nguyễn Thị Quỳnh Trang (nguyên chuyên viên Phòng phát triển và thị trường của Halico), Nguyễn Thị Thủy bị truy tố về tội “Trốn thuế”.

Trong khi đó, một số cán bộ khác có liên quan đến vụ án, thậm chí nhận “lại quả” hàng trăm triệu đồng từ doanh nghiệp trốn thuế lại được “nhấc” khỏi hồ sơ vụ án một cách khó hiểu!

Cụ thể, kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2006, vợ chồng Hoàng Văn Xưởng, Đinh Thị Minh Hoa làm đại lý bán lẻ rượu trong nước cho Halico, đến năm 2008 thì thành lập Công ty Hoàng Lân. Lợi dụng chính sách ưu đãi xuất khẩu bia rượu của Nhà nước (bia rượu xuất khẩu không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, trong khi tiêu thụ trong nước phải chịu thuế suất có thể lên tới 45%), vợ chồng Xưởng - Hoa đã nảy sinh ý định mua rượu bia xuất khẩu, rồi bán trong nước, trốn thuế kiếm lời.

Xưởng đã liên hệ với ông Hồ Văn Hải, khi đó là Giám đốc của Halico để xin cho Công ty Hoàng Lân làm trung gian xuất khẩu rượu sang Lào. Ông Hải đồng ý và giao cho Nguyễn Thị Quỳnh Trang, phối hợp với Công ty Hoàng Lân làm thủ tục ký kết hợp đồng và thực hiện.

Sau khi mua 5.070 thùng rượu vodka từ Halico, Công ty Hoàng Lân không xuất khẩu lô hàng này, mà đưa ra tiêu thụ tại thị trường trong nước để hưởng lợi.

Đến tháng 9/2009, Nguyễn Thị Quỳnh Trang phát hiện ra sự việc nêu trên nên thỏa thuận với Công ty Hoàng Lân phải chia lại cho mình 30.000 đồng/1 thùng rượu Vodka xuất khẩu. Nhưng Trang và Xưởng báo cáo với Giám đốc Hồ Văn Hải là đã chuyển rượu sang Lào, “chỉ tiêu thụ một phần trong nước để bù chi phí hoạt động của công ty”.

Tháng 10/2010, do bị các đại lý bán lẻ trong nước phát hiện, kiện cáo nên Halico đã tạm dừng thực hiện hợp đồng mua bán rượu xuất khẩu với Công ty Hoàng Lân.

Biết Halico vẫn đang nỗ lực tìm đường xuất ngoại cho mặt hàng rượu, sau một thời gian bị gián đoạn, Xưởng tìm cách xin được tiếp tục ký hợp đồng mua rượu xuất khẩu.

Tương tự, trong vụ Công ty Hoàng Lân mua bán bia xuất khẩu nhưng lại bán một phần trong nước tại Công ty cổ phần Rượu-Bia-Nước giải khát Hà Nội (Habeco), ông Nguyễn Tiến Dũng (Phó phòng thị trường, người chịu trách nhiệm giám sát quy trình ký kết hợp đồng) cũng được “loại” khỏi hồ sơ vụ án với lý do “ không có căn cứ xác định Dũng làm sai chức trách, nhiệm vụ hoặc biết Công ty Hoàng Lân bán bia xuất khẩu trong nước”.

Nhưng mỗi lần thanh lý hợp đồng, Hoa khai đều chi “tiền bồi dưỡng để cảm ơn” ông Dũng với tổng số tiền lên tới 540 triệu đồng, còn ông Dũng khai chỉ được chi 4 lần với tổng số tiền 200 triệu đồng. Một dấu hỏi đặt ra, liệu chỉ với lý do “tạo điều kiện thuận lợi” trong ký kết hợp đồng thì Công ty Hoàng Lân có chịu chi cho ông Dũng một số tiền lớn như vậy không?

Ngoài ra, hàng loạt cán bộ hải quan liên quan đến việc làm thủ tục xuất khẩu rượu bia cho Công ty Hoàng Lân, Halico cũng chỉ bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an có văn bản “nhắc nhở” do phạm lỗi trong quy trình thực hiện nhiệm vụ nhưng không có sự bàn bạc hay mục đích tư lợi.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 11/ 2008 đến tháng 2/2012, các bị can đã tiêu thụ trong nước 48.330 thùng rượu vodka các loại và 22.255 thùng bia lon Hà Nội để chiếm đoạt 13,2 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Tuấn Hợp