1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hoa khôi lạc lối và lời xin lỗi gửi từ trại giam

Là nữ sinh viên mới chân ướt chân ráo ra trường, không bằng lòng với đồng lương ít ỏi của mình, Dung đã lao vào vòng xoáy của vàng như một con thiêu thân. Đến lúc giật mình nhìn lại thì đã lún sâu vào nợ nần, cùng quẫn, Dung đã năm lần bảy lượt lừa người bạn thân để chiếm đoạt hơn 2 tỉ đồng.

Phạm nhân Nguyễn Thị Mỹ Dung (34 tuổi), trú tại khối 7 phường Lê Lợi, TP Vinh (Nghệ An), hiện đang thụ án 16 năm tù về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lao động cải tạo tại Đội 32 - Khâu bóng, Phân trại số 1, Trại giam số 6 (Tổng cục VIII – Bộ Công an). Trong câu chuyện với chúng tôi vào một ngày cuối năm, Dung đã bất khóc nức nở khi nhắc lại hành trình tội lỗi của mình đã gây ra trong quá khứ.

Chôn vùi tuổi thanh xuân theo cơn lốc xoáy của vàng

Là một nữ cử nhân, được bố mẹ dốc sức cho ăn học tử tế với mong muốn con cái sẽ không phải bước trên con đường bán buôn khổ cực mà bố mẹ đã đi qua, song Dung đã sớm phụ rẫy tấm lòng ấy. Lóa mắt vì vàng, không bằng lòng với công việc của một nhân viên của công ty nhựa với mức lương khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng, Dung đã lao vào đầu cơ vàng như con thiêu thân.

Đến lúc thị trường vàng trượt dốc, Dung cũng nhanh chóng sa vào cơn lốc nợ nần. Thay vì thú nhận với bố mẹ để tìm cách tháo gỡ, Dung đã âm thầm gỡ gạc bằng cách lừa bạn bè vay mượn tiền bạc, tài sản để thế chấp, cầm cố. Hậu quả là với số tiền gần 2,2 tỷ không có khả năng chi trả, hậu quả ghê gớm hơn là Dung đã phá nát hạnh phúc của một gia đình người bạn thân và phải nhận mức án 16 năm tù.

Lỗi lầm ắt phải trả giá, đó là điều mà nữ phạm nhân này không hối tiếc, song điều mà Dung day dứt nhất là những gì đã gây ra cho người bạn đồng môn bao năm gắn bó cùng nhau, nỗi ân hận ấy, đã theo Dung trong từng bữa ăn, giấc ngủ kể từ ngày khoác lên mình tấm áo sọc dọc của phạm nhân.

Phạm nhân Nguyễn Thị Mỹ Dung.
Phạm nhân Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Chuyện bắt đầu từ mùa hè năm 2009, khi ấy Nguyễn Thị Mỹ Dung cầm tấm bằng đỏ rời Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội với niềm kiêu hãnh của một cô gái tỉnh lẻ. Bỏ qua nhiều cơ hội việc làm khác, Dung về làm việc tại Công ty cổ phần nhựa cao cấp Hàng không với mức lương 5 triệu đồng mỗi tháng.

Thời gian làm việc tại đây, thông qua sự giới thiệu của đồng nghiệp, những lúc rảnh rỗi Dung lại tìm đến Công ty cổ phần vàng Quốc tế để tìm hiểu thêm. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Dung đã quyết định đầu tư vào vàng để mong thay đổi số phận, và bi kịch phận người cũng đến với cô gái xứ Nghệ nuôi giấc mộng vàng giữa Thủ đô từ đây.

Dung kể, sau khi học được những chiêu trò từ việc đầu cơ vàng, thấy làm giàu từ nghề này không khó, có bao nhiêu vốn liếng, Dung ném cả vào trò chơi may rủi này. Thời điểm bấy giờ, đầu tư vào vàng đang là “mốt” của dân chơi, Dung cũng không nằm ngoài số đó.

Thể hiện mình là tay chơi có đẳng cấp, từ chỗ đầu tư ít, sau vài lần thắng lợi, Dung đã đầu cơ với số lượng lớn và cũng từ đây, cùng với sự lao dốc không phanh của vàng, Dung bắt đầu trắng tay. Đỉnh điểm là vào tháng 10-2010, Dung ký hợp đồng giao dịch mua bán vàng với một doanh nghiệp vàng bạc và quá trình giao dịch, Dung nhanh chóng thua lỗ với số tiền 137 triệu đồng.

Những lúc rảnh rỗi, Dung lại tìm đến sách như một sự ru dỗ tâm hồn.
Những lúc rảnh rỗi, Dung lại tìm đến sách như một sự ru dỗ tâm hồn.

Trong cơn “say” vàng, Dung tiếp tục lấy giấy tờ của em gái để đứng tên, ký tiếp hợp đồng giao dịch và để có tiền ném vào sàn vàng, Dung đã vay lãi nhiều nơi ngoài xã hội, với số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Khi không có khả năng trả nợ gốc lẫn lãi, bị các chủ nợ đòi ráo riết, Dung chợt nghĩ đến chị Nguyễn Thị N., một người bạn thân hồi nhỏ, hiện đang làm tại một ngân hàng lớn ở TP Vinh.

Để thuyết phục chị N., Dung “nổ” mình đang làm cho hãng hàng không uy tín, có khả năng phân phối vé máy bay cho các đại lý để hưởng “hoa hồng”, và đề nghị chị N. góp vốn kinh doanh. Tin lời, chị này đã đưa cho Dung 200 triệu đồng. Vài ngày sau, lấy lý do tổng công ty có đợt kiểm tra toàn ngành, để tăng vốn kinh doanh và làm quà cho sếp, Dung đã tỉ tê chị N. đưa thêm 600 triệu đồng, cứ như thế hết lần này đến lượt khác, Dung đã lừa gạt để chị N. gửi tiền cho mình. Thậm chí, khi bị chủ nợ đòi quá gắt gao, Dung đã lừa để chị N. gửi tiền trả cho chủ nợ thay mình. Có thời điểm, “nữ quái” này còn kéo cả chồng chị N. vào cuộc.

Tổng cộng, chỉ trong thời gian từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, Dung đã lừa chị N. 13 lần, với số tiền 2,163 tỷ đồng. Sau nhiều lần đòi lại bất thành, quá bức xúc chồng chị N. ra tận Hà Nội đòi nợ, không làm chủ được đã phá hỏng một số vật dụng tại căn hộ của Dung và bị chính con nợ này “tố” ra trước pháp luật khiến anh này phải lĩnh mức án 17 tháng tù.

Sau khi trả cho bị hại 60 triệu đồng, Dung bỏ trốn vào TP Hồ Chí Minh nên bị chị N. tố cáo ra trước pháp luật. Ngày 29-9-2014, Nguyễn Thị Mỹ Dung bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 16 năm tù, buộc bồi thường cho bị hại số tiền 2 tỷ 103 triệu đồng.

Nỗi ân hận muộn màng

Đến thời điểm này, Nguyễn Thị Mỹ Dung đã thụ án được 2 năm 8 tháng. Đó là quãng thời gian đủ để nữ phạm nhân này nhận ra giá trị thực của cuộc sống. Dung kể, có hai nỗi day dứt lớn, đeo đẳng từ khi vào trại giam đến nay, ấy là cảm thấy có lỗi rất lớn với gia đình người bạn mà mình đã mang danh lừa đảo, và thương cha mẹ già ở quê, vốn đã khốn khổ, nay vì cô con gái lầm đường lạc lối mà phải gánh thêm nỗi tủi hổ với họ hàng, lối xóm. Bố bị bệnh tiểu đường đã nhiều năm nay, hai bố mẹ buôn bán quần áo ở chợ để lo cho hai chị em Dung. Từ khi chị vướng lao lý, cô em gái cũng tủi hổ thay, đến nay chưa chịu lập gia đình vì mặc cảm.

Phạm nhân Dung cho biết, cứ đều đặn khoảng 2-3 tháng một lần, bố mẹ và em gái lại đón xe đò lên tận trại giam để tiếp tế, thăm nuôi và đó chính là động lực lớn nhất để Dung tu tâm cải tạo, mong ngày về với gia đình và cộng đồng sẽ ngắn lại.

Lao động giúp các phạm nhân tĩnh trí, làm lại cuộc đời.
Lao động giúp các phạm nhân tĩnh trí, làm lại cuộc đời.

Từ trong trại giam, phạm nhân Nguyễn Thị Mỹ Dung muốn gửi lời xin lỗi tới gia đình của bạn, chỉ vì sự xốc nổi của mình đã khiến cho mái ấm của bạn bên bờ vực thẳm. Dù biết rằng, lời xin lỗi ấy phải sau rất nhiều đắn đo, đến hôm nay Dung mới đủ can đảm để nói lên điều đó.

“Có cơ hội trở về, nhất định em sẽ làm lại cuộc đời, và sẽ trả lại đầy đủ cho gia đình bạn đúng số tiền mà em đã lừa để chiếm đoạt lúc khốn khó. Tất nhiên, những đồng tiền dùng để trả lại sẽ là tiền làm ra từ mồ hôi, nước mắt của chính bản thân em chứ không phải là những đồng tiền của sự lừa dối”, phạm nhân Dung rơm rớm nước mắt, gửi gắm tới gia đình người bạn đã bị chính mình phá nát hạnh phúc.

Thời gian trong trại giam, ngoài công việc khâu bóng, những khi rảnh rỗi, Dung thường phụ giúp cán bộ quản giáo làm thư ký, ghi chép các số liệu, sổ sách liên quan đến lao động và sinh hoạt của toàn đội.

Dung bảo, một ngày nào đó, nếu những phạm nhân khác có nhu cầu, bản thân sẵn sàng đứng ra thành lập lớp để dạy ngoại ngữ, tiếc rằng chuyên ngành Dung được đào tạo lại là tiếng Trung Quốc nên không thông dụng nhiều, đến nay vẫn chưa có phạm nhân nào có nhu cầu học thứ tiếng này để mình sẵn sàng truyền thụ.

Dung bảo, khi đã nhận ra sai lầm trong quá khứ, bản thân rất muốn có cơ hội để chuộc lại lỗi lầm, nên từng giây, từng phút trong trại giam, tự mình đang cố gắng cải tạo để mong sớm có cơ hội. Những lúc rảnh rỗi, ngoài giờ lao động, Dung lại tìm đến thư viện của trại giam để gột rửa tội lỗi bằng những trang sách cuộc đời.

Thời gian lao động cải tạo của phạm nhân Nguyễn Thị Mỹ Dung vẫn còn dài ở phía trước. Song, điều quan trọng là bằng sự giác ngộ của cán bộ quản giáo và Ban Giám thị Trại giam số 6, nữ phạm nhân này đã nhận thức được sai lầm của mình.

Trong trại giam, Dung đang từng ngày từng giờ tu tâm cải tạo thật tốt, đặng sớm trở về với gia đình và cộng đồng, để khắc phục những hậu quả mà quá khứ mình đã gây ra. Với sự nỗ lực ấy, tin rằng con đường trở về của nữ phạm nhân này sẽ sớm rộng mở, cũng là cơ hội để khắc phục lỗi lầm, sớm trở thành người có ích cho cộng đồng và xã hội.

Theo Thiên Thảo

Cảnh sát toàn cầu