1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Buôn lậu xăng dầu "thủ" súng máy, đối phó cảnh sát ở biển Tây Nam

(Dân trí) - Các đối tượng buôn lậu xăng dầu nước ngoài sử dụng vũ khí nóng, thiết bị quan sát từ xa, dùng định vị và điện thoại vệ tinh, cá biệt lực lược cảnh sát biển và liên ngành 389 Quốc gia thu được cả súng máy với băng đạn đầy ắp trên các thuyền buôn lậu trên biển phía Tây Nam

Đó là chia sẻ của Đại tá Trần Văn Nam, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam tại buổi Họp báo sơ kết hoạt động Phòng và chống buôn lậu của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày 25/7.

Buôn lậu xăng dầu trên biển (ảnh minh hoạ)
Buôn lậu xăng dầu trên biển (ảnh minh hoạ)

Theo ông Nam, thời gian vừa qua tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển phía Tây Nam như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu... tiếp giáp với Thái Lan, Campuchia và Malaysia diễn biến cực kỳ phức tạp, hiện trạng trên đã và đang ở mức báo động.

Ông Nam cho biết, công tác chống buôn lậu xăng dầu từ năm ngoái đến nay luôn được liên ngành 389 Quốc gia và địa phương ưu tiên hàng đầu vì đây là mặt hàng ảnh hưởng rất lớn đến quốc gia. Trong 6 tháng qua, riêng buôn lậu xăng dầu trên biển, lực lượng Cảnh sát biển đã bắt 16 vụ với 31 tàu, khoảng 5 triệu lít dầu DO, giá trị 75 tỷ đồng.

Việc bắt giữ xăng dầu tăng hơn 3 triệu lít so với cùng kỳ và tăng trên 55 tỷ đồng. Theo ông Nam, hoạt động buôn lậu và gian lận trong xăng dầu hiện nay phổ biến 3 hình thức, các đối tượng người, tổ chức nước ngoài vận chuyển tiêu thụ xăng dầu trên biển của Việt Nam; đối tượng DN Việt Nam mua bán xăng dầu nhập lậu; ngư dân và thuyền viên Việt Nam mua bán dầu nhập lậu.

Cụ thể, 6 tháng qua Cảnh sát biển Việt Nam đã bắt 10 tầu nước ngoài, chủ tàu, thuyền trưởng đều là người Thái Lan và Malaysia. "Đối với nước ngoài, tàu nước ngoài hoạt động ở Việt Nam, cung ứng xăng dầu là chuyện buôn bán trái phép, đây là hành vi bất hợp pháp. Tất cả hành vi mua bán đều phải xử lý theo pháp luật Việt Nam', ông Nam nói.

Xác định được đây là hành vi tội phạm, nên các đối tượng buôn lậu nước ngoài sử dụng nhiều phương pháp buôn lậu tinh vi như chạy ven vùng biển giáp ranh, vùng biển quốc tế. Các lực lượng buôn lậu sử dụng cảnh giới, quan sát từ xa, để chạy khỏi biển Việt Nam khi bị phát hiện. Đáng nói, các đối tượng còn sử dụng vũ khí nóng, thu được cả súng máy với băng đạn đầy ắp, điện thoại vệ tinh, và tàu có sử dụng hệ thống định vị GPS.

Tuy nhiên, còn có chuyện các DN cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá ở Việt Nam đóng mới các tàu chở dầu để bán cho ngư dân cố tình vi phạm. Tàu chở hơn 200.000 lít dầu, nhưng chủ tàu chỉ mua 100.000 lít dầu để bán cho ngư dân. Khi bán hết, họ ra vùng biển giáp ranh với biển quốc tế để mua lại từ các tàu buôn lậu của nước khác, bán lại cho tàu cá.

Theo ông Nam, thời gian qua, lực lượng chức năng Việt Nam đã bắt giữ 3 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá của Việt Nam cố tình mua xăng dầu lậu để bán cho ngư dân, gây thất thu cho ngân sách. Số tàu trên là của ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre.

Ông Nam cho biết, ngư dân khai báo mức giá mua dầu nhập lậu rẻ bằng 2/3 so với mua xăng dầu trong nước do không phải chịu thuế. Chính vì vậy điều này khiến nhiều các ngư dân Việt Nam cải hoán tàu đánh cá, thành tàu chuyên chở xăng dầu, tiếp tay cho buôn lậu.

An Linh