1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Báo chí được đăng hình bị cáo tại phiên tòa

Các quy định cho thấy việc báo chí đăng hình ảnh bị cáo, phiên tòa xét xử án hình sự công khai trong vụ án Navibank, không bị coi là vi phạm

Trong các ngày xét xử công khai vụ án hình sự cố ý làm trái… xảy ra tại Ngân hàng NaviBank tại TAND TP.HCM , việc tác nghiệp của báo chí đã bị một số luật sư làm khó.

Như đã đưa tin 10 bị cáo đều được tại ngoại nên việc các nhà báo, phóng viên chụp hình khá khó khăn. Cụ thể, đa phần các bị cáo đều phản ứng, không cho phép chụp hình và nói rằng phải có sự đồng ý của các bị cáo mới được chụp hình. Dù các nhà báo đã giải thích rằng họ được sự đồng ý của HĐXX, nhưng một số bị cáo vẫn yêu cầu: “Văn bản đồng ý của HĐXX đâu, đưa ra đây. Chúng tôi đã cho phép chụp hình chưa?”.

Sáng ngày 2-3, khi phiên toà bắt đầu, một số luật sư đề nghị chủ tọa không cho phép báo chí tác nghiệp, để bảo vệ quyền nhân thân, quyền hình ảnh của các bị cáo được Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định. Chủ tọa đã trả lời với các luật sư, đây là phiên toà hình sự xét xử công khai, báo chí được tác nghiệp theo đúng luật báo chí, chịu trách nhiệm về bài viết, khi tác nghiệp không gây mất trật tự phiên toà.

Trên mạng xã hội, một luật sư đã đăng status yêu cầu phóng viên không được chụp ảnh bị cáo do họ bào chữa. Còn trước đó, tại toà khi phóng viên chụp ảnh bị cáo đã bị vài luật sư lớn tiếng chửi và đe doạ sẽ kiện nhà báo.

Từ đây nhiều bạn đọc thắc mắc về việc báo chí chụp hình tại phiên toà hình sự công khai và sử dụng hình ảnh đó luật quy định thế nào?

Các bị cáo trong vụ cố ý làm trái... xảy ra tại NaviBank
Các bị cáo trong vụ cố ý làm trái... xảy ra tại NaviBank

Quyền về hình ảnh với cá nhân ra sao?

Luật càng ngày càng quy định chi tiết về hình ảnh cá nhân. Trước khi Bộ luật dân sư (BLDS) 1995 ra đời, pháp luật dân sự Việt Nam chưa có quy định cụ thể về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. BLDS năm 1995 đã quy định quyền đối với hình ảnh (Ðiều 31), quyền được bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm (Ðiều 33), quyền đối với bí mật đời tư (Ðiều 34). BLDS năm 2005 đã bổ sung thêm nội dung mới so với BLDS năm 1995 là việc sử dụng hình ảnh của người dưới 15 tuổi phải được cha, mẹ hoặc người đại diện người đó đồng ý.

Điều 31 BLDS 2005 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Ngoài ra, Điều 38 BLDS 2005 cũng quy định về quyền bí mật đời tư...

Chủ tọa đọc thông báo mở phiên xử vụ cố ý làm trái xảy ra tại NaviBank
Chủ tọa đọc thông báo mở phiên xử vụ cố ý làm trái xảy ra tại NaviBank

So với quy định tại Điều 31 BLDS năm 2005, quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong BLDS năm 2015 có nhiều điểm mới. Điều 32 BLDS 2015 có quy định: “Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

Theo đó, nhà làm luật đã xây dựng cơ chế bảo vệ chặt chẽ hơn về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình. Quy định như trên, được xem là phù hợp với xu hướng luật pháp quốc tế cũng như văn hóa của người Việt, khích lệ các hành xử nhân văn, nhân ái trong xã hội và bảo vệ tốt hơn quyền đối với hình ảnh của công dân và bảo đảm tính khách quan, có trách nhiệm hơn của các cơ quan báo chí, của cộng đồng mạng xã hội.

Cũng theo Điều 32 BLDS 2015, hai trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác mà không cần sự đồng ý của người đó hoặc người đại diện theo pháp luật: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng và Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh.

Cạnh đó theo các nghị định, việc sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân, phạt đến 3 triệu đồng. Điểm c, khoản 1, Điều 10, Nghị định 56/2006 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá - thông tin nêu rõ: Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó hoặc thân nhân người đó, trừ các trường hợp tìm thân nhân của nạn nhân, ảnh của người đã bị khởi tố hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt tù giam, ảnh thông tin về các hoạt động tập thể.

Chẳng hạn, điểm e, khoản 2 Điều 8, Nghị định 159/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản cũng quy định phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng với hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó.

Đăng ảnh phiên xử hình sự thế nào?

Các chuyên gia pháp lý điều dẫn điểm d khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016 (có hiệu lực từ 1-1-2017) quy định rất rõ là nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai…

Báo chí đăng ảnh về hoạt động xét xử một vụ án hình sự có thể xem là “hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia”. Lý do bên buộc tội bị cáo trong phiên tòa hình sự là VKS nhân danh lợi ích của Nhà nước. Trong trường hợp này, theo Điều 32 BLDS 2015 đã trích dẫn trên đây, việc báo chí sử dụng hình ảnh phiên tòa nói chung, hình ảnh bị cáo trước tòa nói riêng, không cần phải có sự đồng ý của bị cáo.

Tại phiên tòa hình sự, việc tác nghiệp của nhà báo còn phải tuân thủ quy định của BLTTHS 2015 về nội quy phiên tòa và Thông tư 02/2017 của chánh án TAND Tối cao về quy chế tổ chức phiên tòa.

Điều 256 BLTTHS 2015 và Điều 3 Quy chế tổ chức phiên tòa đều quy định: Mọi người trong phòng xử án phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa. Và như đã dẫn trên điểm d khoản 2 Điều 25 Luật Báo chí 2016 quy định rất rõ là nhà báo được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai…

Cũng cần lưu ý, một số điều của Luật báo chí mới đã có sự tương thích với các quy định tại BLHS 2015, các hành vi bị cấm khác đã tương thích với BLDS và các Luật khác. Như khoản 8, điều 9, Luật báo chí cấm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của toà án.

Thực tiễn và các quy định trên, việc báo chí đăng hình ảnh phiên tòa xét xử án hình sự công khai trong đó có ảnh của bị cáo, hội đồng xét xử, luật sư và những người tham gia tố tụng khác không bị coi là vi phạm.

Theo Hoàng Yến
Pháp luật TPHCM