TS. Lê Thẩm Dương gợi ý cán bộ, đoàn viên 3 nguyên lý ứng xử trong thời kỳ mới

(Dân trí) - Cho rằng nhiều cán bộ, đoàn viên chưa hiểu được vai trò “phục vụ” của mình trong công tác ứng xử và làm việc với nhân dân, Tiến sĩ Lê Thẩm Dương đã đưa ra 3 nguyên lý ứng xử và những giải pháp thiết thực.

Hưởng ứng Tháng Thanh niên năm 2018 và nhằm gặp mặt, động viên các cán bộ, công chức, viên chức trẻ Thủ đô tiêu biểu, Ban Thường vụ Thành đoàn đã tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ công chức, viên chức trẻ Thủ đô tiêu biểu và Tọa đàm “Cán bộ, công chức trẻ thủ đô liêm khiết, bản lĩnh, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ và thực hiện quy tắc ứng xử tại công sở và nơi công cộng” vào chiều ngày 22/3 tại Hội trường Thành ủy Hà Nội.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương trò chuyện với cán bộ, công chức về các nguyên lý trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương trò chuyện với cán bộ, công chức về các nguyên lý trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0

Với sự tham gia của diễn giả TS. Lê Thẩm Dương, buổi nói chuyện xoay quanh chủ đề “Một ngày không học được cái gì thì đừng đi ngủ” gồm 3 nội dung về: thực trạng, giải pháp các mô hình tình nguyện trong việc hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân; cán bộ, công chức trẻ Thủ đô học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; thực trạng ứng xử của cán bộ, công chức Thủ đô và các giải pháp thực hiện hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử của Thành phố tại công sở và nơi công cộng.

TS. Lê Thẩm Dương được biết đến là một diễn giả, chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực quản trị nhân sự và lãnh đạo. Bên cạnh đó Tiến sĩ còn là một thầy giáo được yêu mến, đặc biệt trên mạng xã hội với nhiều bài giảng hấp dẫn. Nhiều bài nói chuyện của ông với học sinh, sinh viên được các bạn trẻ chia sẻ, bình luận sôi nổi.

Tại buổi tọa đàm này, TS. Thẩm Dương đã phân tích kỹ lưỡng vai trò, nhiệm vụ của cán bộ, công chức trẻ Thủ đô, đồng thời nhấn mạnh 3 nguyên lý quan trọng trong cách ứng xử của cán bộ Đoàn trẻ khi phục vụ nhân dân, gắn với thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

3 nguyên lý quan trọng đó là: Bối cảnh - Đòi hỏi, Người phục vụ (cầu) và Phải làm gì (cung).

TS. Lê Thẩm Dương cho rằng trong bối cảnh luôn luôn thay đổi một cách chóng mặt nên điều đầu tiên là “Đòi hỏi phải…”.

Kinh tế phẳng đòi hỏi mỗi người phải “phẳng” ở các tiêu chí: sản phẩm và dịch vụ đúng chuẩn Thế giới, biểu hiện đầu tiên đòi hỏi bản thân phải “phẳng”; kinh tế tri thức thì dịch vụ phải chứa đầy tri thức, bộ não phải hoạt động liên tục và sáng tạo để tạo ra sự khác biệt nhưng không dị biệt; bối cảnh 4.0 buộc mỗi người phải làm, phải cạnh tranh liên tục và kết nối trong thời đại của công nghệ thông tin, thời đại bùng nổ của 3 lĩnh vực Vật lý, Công nghệ thông tin và Công nghệ sinh học;…

“Ở nguyên lý đầu tiên tôi đang chứng minh với các bạn một điều duy nhất là các bạn phải làm chứ không có phong trào nào khác.

Và 10 năm nữa chúng ta sẽ không thể hình dung nổi sẽ có nghề gì xuất hiện cho nên hoạt động Đoàn phải theo 3 luận điểm: phải “phẳng”, thích ứng và Cách mạng 3.0 - kết nối người với người tiến tới 4.0 - kết nối vạn vật”, TS. Thẩm Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của Cách mạng 4.0.

TS. Lê Thẩm Dương gợi ý cán bộ, đoàn viên 3 nguyên lý ứng xử trong thời kỳ mới - 2

Nguyên lý thứ 2 là nguyên lý “Người phục vụ”. Người phục vụ có 3 nhóm là nhóm đầu vào, nhóm đầu ra và nhóm nội bộ. Người phục vụ có 2 nhu cầu lớn: nhu cầu “Hiện” với hai biểu hiện về số lượng và chất lượng của dịch vụ; nhu cầu 2 “Ẩn” gồm: lòng tin, cảm xúc, quyền lực, cái tôi, tính trật tự và cuối cùng là hiệu quả. Nguyên lý 2 tạo thành “3 nhóm” và “8 cái”.

“Một là ta cần lòng tin; thứ hai là cảm xúc, là rung cảm của con người về một hiện tượng nào đó, hiện tượng người ta thích gọi là cảm xúc tích cực còn không thích là cảm xúc tiêu cực, “khen láo còn hơn chê thật”, khen người khác là biểu hiện cao nhất của người mạnh; cho người khác quyền lực và đẩy cái tôi lên; các môi trường đều đòi hỏi tính trật tự; và cuối cùng là đòi hỏi tính hiệu quả, có thể hiệu quả bằng tiền, hiệu quả bằng thời gian, hiệu quả bằng một mối quan hệ”, TS. Lê Thẩm Dương giải thích về tầm quan trọng nhu cầu “Ẩn”.

Do đó TS. Lê Thẩm Dương nhắn nhủ rằng các cán bộ, đoàn viên cần phải làm, bằng giá nào cũng phải làm nguyên lý thứ 2 “Người phục vụ”.

Nguyên lý thứ 3 được TS. Thẩm Dương nhấn mạnh rất cần đó là “Phải làm gì?”. TS dẫn chứng 60% nhân sự hiện nay, cả thế giới này khi chọn người thì 60% chọn người có năng lực thực thi.

Sự kiện có sự tham gia của 300 cán bộ, công chức trẻ Thủ đô tiêu biểu từ xã, phường đến cấp quận, huyện và các sở ngành Thành phố.
Sự kiện có sự tham gia của 300 cán bộ, công chức trẻ Thủ đô tiêu biểu từ xã, phường đến cấp quận, huyện và các sở ngành Thành phố.

Chốt lại, TS cho biết cán bộ, đoàn viên phải phục vụ “3 nhóm” và “8 cái”, không nói chung chung mà phải đi vào cụ thể.

Để làm được điều đó TS đưa ra giải pháp: “Mình cung còn nó là cầu và nó tạo nên khái niệm nghề dịch vụ, đòi hỏi mỗi người phải có năng lực và kỹ năng. Năng lực được hiểu là kiến thức đặc biệt, là kiến thức chuyên môn.

Ngoài ra, kỹ năng là phần không thể thiếu, kết hợp giữa kiến thức và kỹ năng mới có thể thành công được. “Độ hiếm” của một cán bộ hội tụ các phẩm chất: động cơ, ý chí, chăm chỉ, trung thành, trung thực và phối hợp nhóm”.

TS. Dương hy vọng: “Tôi nói 3 nguyên lý, bối cảnh khác mà anh chị không khác thì tốt nhất về làm nông dân ở quê, thứ 2 đã phục vụ nhân dân thì nhân dân có 3 loại, quan trọng nhất chính là nhân dân trong chính công ty mình. Cụ thể là phục vụ họ “8 cái” một cách cụ thể, không chung chung. Và cuối cùng là phải có chuyên môn.

Anh chị làm việc 10% lý tưởng này, không làm được thì nhận thức lấy nó, mà không nhận thức được thì đi đứng bớt hiên ngang lại.

Cho nên hết sức chú ý phát động phong trào, cái quan trọng nhất phải làm đó là quy chế mà quy chế công sở phải đưa vào học tập, sau đó phải có chế tài nghiêm ngặt”.

Kim Bảo Ngân