Những nữ giáo viên hứa hẹn được dân mạng "chăm sóc đặc biệt" năm 2018
(Dân trí) - Bất ngờ nổi tiếng trên mạng xã hội, những cô giáo trẻ xinh đẹp, tài năng này được cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm trong năm vừa qua, hứa hẹn sẽ còn tỏa sáng hơn nữa trong năm 2018 này.
Cô giáo Phan Hồng Anh - Thạc sĩ Toán học, Bí thư chi Đoàn giáo viên, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam để lại nhiều ấn tượng không chỉ bởi ngoại hình xinh đẹp mà còn vì tình yêu đối với nghề giáo, sự tâm huyết trong giảng dạy.
Năm học 2016 - 2017, cô Phan Hồng Anh đã hệ thống và hoàn thiện chuyên đề “Nâng cao chất lượng trong buổi sinh hoạt lớp bằng các giải pháp tổ chức hoạt động giáo dục tích cực hóa học sinh”. Chuyên đề này đã giúp cô Hồng Anh ghi ấn tượng ở phần chuyên môn, đạt danh hiệu “Cô giáo tài năng, duyên dáng” cấp Toàn quốc, nhận được bằng khen của Bộ GD&ĐT.
Cô Hồng Anh được học sinh yêu mến không những vì sự trẻ trung, thân thiện mà trong vai trò giáo viên chủ nhiệm, nữ giáo viên còn thực hiện đổi mới các tiết sinh hoạt lớp thông qua hoạt động nhằm tăng hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống, đạo đức cho học trò.
Được biết, trong kì thi vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cô Hồng Anh đạt 9,5 điểm môn Toán. Năm 2010, cô giành giải Á khôi cuộc thi Hoa khôi sinh viên Hà Nội (Imiss Thăng Long 2010). Tháng 3/2017, cô Hồng Anh đoạt giải đặc biệt cuộc thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng toàn quốc”.
Vừa xinh đẹp lại tài năng, nhiều người tin rằng cô giáo trẻ Hồng Anh sẽ còn tỏa sáng hơn nữa trong công việc cũng như được học sinh, đồng nghiệp yêu quý.
Vừa ra trường không lâu nhưng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng đã trở thành “thần tượng” của không ít các bạn học sinh. Cô Hồng được học sinh gọi là cô giáo có khả năng truyền cảm hứng cho học sinh, biến môn học Giáo dục quốc phòng vốn khô khan trở nên gần gũi, mang lại hứng thú khi học.
Không chỉ sở hữu vẻ xinh đẹp, cô Hồng còn vô cùng thân thiện vui tính, luôn tận tình hướng dẫn học sinh. Chính vì thế, học sinh chẳng ngại hỏi bài, thậm chí còn rủ cô giáo chụp ảnh kỷ niệm.
6/2017, cô Hồng tốt nghiệp ĐH Sư phạm, ngành Giáo dục quốc phòng. Sau đó, cô nhận công tác và giảng dạy tại trường Trung cấp Sài Gòn. Dù còn nhiều bỡ ngỡ với công việc nhưng bù lại cô giáo được học sinh quý mến, quan tâm.
Xuất thân từ gia đình nhà nông, một mình tới TP. HCM học đại học, tự bươn chải hơn 4 năm nên cô Hồng luôn yêu nghề, yêu học trò, từ những kỳ thực tập rồi dần dần trở thành tình yêu gắn bó với công việc “chèo đò”.
Giỏi chuyên môn, cô Hồng còn là thành viên trong đội văn nghệ khoa và trường. Cô thường tham gia các chương trình thi hát, văn nghệ giữa các khoa, các chương trình tổ chức ở Nhà văn hóa thanh niên. Các giải thưởng văn nghệ cô Hồng đều đã sưu tập đủ Nhất, Nhì, Ba... Sở trường của cô Hồng là môn bắn súng.
Sau khi những loạt ảnh của cô Hồng được chia sẻ trên mạng, nữ giáo viên nhận được sự quan tâm rất lớn của học sinh không chỉ trong trường mà còn nhiều nơi trên cả nước. Thời gian qua, cô Hồng cũng tham gia phóng sự truyền hình chia sẻ về công việc. Năm 2018, hứa hẹn sẽ là một năm “tỏa sáng” của cô giáo trẻ quê Ninh Thuận.
Chỉ với bức ảnh chụp lén, hình ảnh của cô giáo Bùi Thúy Ngân (sinh năm 1991) đứng quạt cho học sinh trong lễ khai giảng đã nhanh chóng được lan truyền rộng rãi. Được biết, hiện tại cô Ngân đang giảng dạy tại trường Tiểu học Tân Định, Hà Nội.
Thúy Ngân cho biết, cô đến với nghề “gõ đầu trẻ” rất tình cờ. Dự định của Ngân là học kế toán, làm ngân hàng hoặc kinh doanh nên cô ôn thi khối A, D. Tuy nhiên, do thiếu 0,5 điểm đại học nên theo tư vấn của mẹ cũng như truyền thống gia đình, cô vào Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.
Ngỡ là “dòng đời xô đẩy” nhưng chính lần đi thực tập đã hướng Ngân từ “say nắng” đến gắn bó chân thành với công việc này, yêu thương các em nhỏ như con.
Cô giáo Ngân công tác tại trường được 4 năm và từng được phụ huynh chụp lại ảnh rồi chia sẻ lên mạng xã hội với nhiều lời khen về sự tận tâm, chu đáo. Cô cũng vô cùng “xì-teen”, thân thiện khi selfie cùng học trò trong buổi lễ khai giảng.
Nếu như trong công việc cô Ngân dịu dàng, được học sinh và phụ huynh yêu mến thì đời thường cô sở hữu vẻ ngoài sành điệu đúng với tuổi trẻ, khiến cô trở thành thần tượng của nhiều bạn học sinh.
Bùi Thanh Hằng (sinh năm 1993, Hà Nội) từng là Hoa khôi ĐH Xây dựng năm 2011, hiện tại cô Hằng vừa chính thức trở thành giảng viên của trường ĐH Xây dựng. Cô giáo Hằng gây được sự chú ý khi trở thành ứng cử viên sáng giá của cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam.
Cô Hằng sở hữu bảng thành tích đáng nể khi còn là sinh viên nhà trường như Giải Nhất và Giải Ba cuộc thi Body Painting Triển lãm Kiến trúc Vietart 2012; Giải Ba Festival Sinh viên Kiến trúc toàn quốc 2012 tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Hằng còn là thành viên đội SV giải Nhì toàn quốc SV2012; Giải ba toàn quốc SV2013.
Thanh Hằng cũng rất có duyên với các học bổng và các cuộc thi như Học bổng Inax 2013; Hoàn thành khóa học Di sản Malaysia 2012 tại trường ĐH Công nghệ UTM Malaysia; Thành viên nhóm Workshop về cải tạo làng Shipai cổ tại Quảng Châu (Trung Quốc) 2014, Workshop Expo 2015, UMSCA 2013.
Với thành tích học tập tốt lại năng nổ trong các hoạt động trường nên cô Hằng từng được bầu làm Chủ nhiệm CLB nữ sinh tại trường ĐH nhiệm kỳ 2012-2015, Ủy viên BCH đoàn trường ĐH Xây dựng.
Năm 2015, Hằng nhận bằng Kỹ sư ĐH Xây dựng; Bằng Kiến trúc Anh ngữ lớp Chất lượng cao khoa Kiến trúc và Quy hoạch; Điểm đồ án tốt nghiệp 9.7. Ngay sau đó, cô sinh viên Thanh Hằng theo học luôn Học viện Cao học ngành Kiến trúc (ĐH Xây Dựng) và đã hoàn thành khóa học Thạc sĩ vào tháng 10/2017.
Nữ giảng viên trẻ tự tin học vấn và kinh nghiệm xã hội chính là thế mạnh giúp cô tỏa sáng trong cuộc thi sắc đẹp. Với thành tích học tập và sắc đẹp, nhiều người cũng tin rằng nữ giảng viên trẻ sẽ còn tỏa sáng hơn nữa trong thời gian tới.
Cô giáo Thủy Tiên tốt nghiệp Khoa Kế toán - Kiểm toán (Trường ĐH Dân lập Hải Phòng) với tấm bằng đỏ. Thế nhưng, trăn trở về công tác giảng dạy kỹ năng sống ở trường phổ thông cô đã quyết định rẽ ngang sang “nghề trồng người”.
Cô cho biết, dù là dạy kỹ năng sống, chủ yếu đứng trên bục giảng... nói nhiều, tuy nhiên, cô vẫn soạn giáo án và có giáo cụ đầy đủ. Trong cặp của nữ giáo viên ngoài giáo án ra, còn lại toàn bao cao su với... dưa chuột.
Chia sẻ về bản thân, cô Thủy Tiên kể từ lớp 1 đến lúc học đại học, hầu như cô chỉ làm lớp trưởng hoặc làm bí thư. Do tham gia các hoạt động đoàn đội rất nhiều nên dần dần, kỹ năng nói trước đám đông của cô được rèn luyện và cứ thế nói không hề vấp váp.
Còn việc trình bày trước lớp vấn đề được nhiều người cho là khá nhạy cảm, cô Thủy Tiên cho hay nhờ được tích lũy kinh nghiệm trong các năm đi dạy đã giúp cô vừa nghiêm nghị trước lớp nhưng cách nói cũng không kém thú vị và sinh động khiến mỗi giờ học trôi qua luôn rộn tiếng cười.
Cô giáo Thủy Tiên được biết đến qua clip hướng dẫn dùng bao cao su, được nhiều độc giả đã rất hoan nghênh việc dạy kỹ năng sống trực quan, sinh động - điều rất thiếu trong nhà trường hiện nay. Với phương pháp dạy học mới mẻ này, cô giáo Thủy Tiên hứa hẹn sẽ mang đến nhiều bài giảng hay cũng như góp phần giúp học sinh có những hiểu biết đúng về kỹ năng sống.
Chưa một lần trông trẻ nhưng bỗng một ngày trở thành “người mẹ” của 60 đứa con khiến cô giáo Nguyễn Thị Uyên (sinh năm 1990), giáo viên trường mầm non Thị trấn Sóc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) thời gian đầu vô cùng áp lực.
Gia đình có truyền thống nghề giáo nên ngay từ nhỏ tình yêu với nghề “làm mẹ thứ hai” đã sớm nhen nhóm. Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm, cô giáo Uyên vào trường mầm Thị trấn Sóc Sơn làm việc, là một trong 4 giáo viên của lớp mầm non lớn với 60 trẻ.
Những ngày đầu không tránh khỏi áp lực bởi từ một người chưa từng trông trẻ bỗng trở thành “mẹ” của hàng chục đứa con không ít lần cô căng thẳng, áp lực.
Thế nhưng, vượt qua những khó khăn ban đầu khi mới vào nghề, cùng lòng yêu trẻ, sự thôi thúc tìm ra những đổi mới trong cách giáo dục, năm 2016 – 2017, cô giáo Nguyễn Thị Uyên thiết kế sản phẩm công nghệ thông tin Thiết lập một số trò chơi khám phá khoa học trên máy tính dành cho trẻ mẫu giáo.
Nhờ đó, cô giáo Uyên vinh dự được nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Kim Bảo Ngân (Tổng hợp)