Học sinh dân tộc thiểu số hào hứng tìm hiểu về chủ quyền biển đảo

(Dân trí) - Các đội thi phải trải qua 5 phần thi có nội dung liên quan đến vấn đề biển đảo và chủ quyền biển đảo. Với nhiều học sinh đến từ các tộc người thiểu số tại Nghệ An thì đây là lần đầu tiên các em được tiếp cận vấn đề này thông qua hình thức sân khấu hóa.

Các đội thi giới thiệu về đội chơi của mình
Các đội thi giới thiệu về đội chơi của mình

Tối 4/11, tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An tổ chức sinh hoạt chuyên đề khoa học “Tổ quốc nhìn từ biển”. Tham dự có hơn 500 học sinh của nhà trường.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, học sinh được xem clip giới thiệu về biển, đảo Việt Nam. Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2 với hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Với bờ biển dài trên 3.260 km trải dài từ Bắc xuống Nam, Việt Nam đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới.

Buổi sinh hoạt chuyên đề được tổ chức bằng hình thức sân khấu hóa, 3 đội chơi phải trải qua 5 phần thi: chào hỏi; trả lời nhanh; tìm đáp án nhanh; trò chơi ô chữ và hùng biện. Nội dung các phần thi liên quan đến vấn đề biển đảo và chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm cung cấp cho các em học sinh kiến thức về biển đảo, chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
Buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm cung cấp cho các em học sinh kiến thức về biển đảo, chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa

Qua các phần thi, 3 đội chơi đã tập trung tuyên truyền về tầm quan trọng của biển đảo Việt Nam trong tình hình mới. Đặc biệt, thông qua những bằng chứng lịch sử và các tài liệu khoa học khẳng định chủ quyền thiêng liêng của 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa – phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.

Em Lô Thị Khánh Diệp (lớp 10C2, Trường THPT dân tộc nội trú Nghệ An) cho biết: “Chúng em ở khu vực miền núi, ít có cơ hội tìm hiểu về vấn đề biển đảo cũng như chủ quyền biển đảo. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề bằng hình thức sân khấu hóa giúp chúng em hình dung tốt hơn về biển, đảo, chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đặc biệt là đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

Tại cuộc thi, các em không chỉ được trang bị các kiến thức lịch sử quá trình thiết lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo mà còn tiếp cận vấn đề môi trường biển bằng góc nhìn rất riêng của mình.

Các em hào hứng theo dõi và cổ vũ cho các đội chơi
Các em hào hứng theo dõi và cổ vũ cho các đội chơi

Em Võ Thị Thao (lớp 12C1, Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An) nói: “Bằng các vật liệu tái sinh, qua bàn tay khéo léo của các bạn, chúng em mang tới buổi sinh hoạt chuyên đề màn trình diễn trang phục biển. Biển của chúng ta rất giàu tài nguyên khoáng sản, tài nguyên sinh vật biển. Đó không phải là nguồn tài nguyên vô tận nếu chúng ta không biết bảo vệ và gìn giữ.

Bên cạnh tình yêu biển đảo, góp tiếng nói khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam, chúng em muốn nhắn nhủ tới mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường biển và nguồn tài nguyên quý giá từ biển”.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm