1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vinaxuki bất thành, chưa thể nói công nghiệp ô tô đã thất bại

(Dân trí) - Ở một góc nhìn lạc quan, Chủ tịch Hiệp hội VAMA cho rằng, từ việc Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ, chưa thể nói chiến lược công nghiệp hoá ngành ô tô thất bại bởi tiềm năng thị trường xe hơi của Việt Nam là hết sức lớn.

 

97-640x446-ad5c7-afa74

Nhiều chuyên gia coi việc Vinaxuki rơi vào cảnh nợ nần, phải bán nhà máy trả nợ là sự thất bại cho cả nền công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Mới đây, CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) gửi văn bản tới một số ngân hàng và các chủ nợ về việc công ty sẽ phải bán nhà máy sản xuất ô tô tại Mê Linh (Hà Nội) để trả nợ, trong khi tất cả các tài sản thuộc nhà máy đã thế chấp hết cho các ngân hàng và tổ chức, cá nhân.

Theo những thông tin đưa ra, tính tới cuối năm 2012, dư nợ cả gốc và lãi của Vinaxuki tại các ngân hàng lên tới 1.474 tỷ đồng. Con số này đã tăng lên 1.600 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Theo số liệu từ cục thuế thành phố Hà Nội, tính đến 30/6 vừa qua, Vinaxuki cũng nợ khoảng 17,7 tỷ đồng tiền thuế. Ngoài ra, công ty còn nợ khoảng 9,8 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Vinaxuki ra đời từ năm 2004. Những năm đầu hoạt động, nhà máy có lãi và khẳng định được tên tuổi với kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm đóng mác “Made in Viẹtnam”. Việc Vinaxuki đóng cửa nhà máy trở thành nỗi tiếc nuối cho nhiều người. Nhiều chuyên gia coi đây là sự thất bại cho cả nền công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Chia sẻ với báo giới, đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cho rằng, ý tưởng sản xuất ô tô “Made in Việt Nam” của Vinaxuki bất thành là một sự đáng tiếc. Nhà máy của Vinaxuki đóng cửa không phải là thất bại của riêng Vinaxuki, mà là thất bại của cả ngành sản xuất ô tô!

Chuyên gia Phạm Tất Thắng thì lo ngại, liệu nhìn từ Vinaxuki có doanh nghiệp nào còn dám dốc tiền ra để chạy theo tham vọng sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt hay sẽ chọn con đường “làm thuê” là nhập linh kiện về lắp ráp rồi bán thu lời.

"Qua trường hợp của Vinaxuki cũng có thể thấy chính sách phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam đã thất bại nặng nề. Các chính sách này chỉ giúp cho một số nhóm lợi ích nào đó có lợi, chứ nền công nghiệp, người tiêu dùng hay thậm chí là cả đất nước cũng không có lợi gì cả, ông Thắng nói.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn lạc quan hơn, tại cuộc họp báo kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch hiệp hội này cho rằng:”Từ việc Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ, chúng ta chưa thể nói chiến lược công nghiệp hoá ngành ô tô thất bại. Tiềm năng thị trường xe hơi của Việt Nam là hết sức lớn".

Theo Chủ tịch VAMA, tỷ lệ nội địa hoá của ngành công nghiệp ô tô hiện tại còn thấp do quy mô thị trường bé, số lượng xe bán ra chưa lớn. Thị trường chưa tăng trưởng được như kỳ vọng.

Theo vị này, vấn đề là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đang được Chính phủ tập trung thúc đẩy phát triển. Trong khi đó, các vấn đề liên quan tới thuế tiêu thụ đặc biệt, VAMA đã nhất trí và có kiến nghị với Chính phủ đảm bảo sự bình đẳng xe trong nước và xe nhâp khẩu, bảo vệ người tiêu dùng.

"Với dung lượng bao nhiêu thì thị trường mới bứt phá được? Câu trả lời là còn phải tùy vào từng mẫu xe. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều tiềm năng, dự báo giai đoạn năm 2021-2022 sẽ diễn ra quá trình công nghiệp hóa mạnh mẽ, đi cùng với đó là sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô”, ông nói.

Nói về tiềm năng thị trường, Chủ tịch VAMA cho rằng, tăng trưởng thị trường ô tô đến từ niềm tin của người tiêu dùng. Ngày càng có nhiều công ty, thương hiệu mới gia nhập thị trường, đẹp, lạ nên người tiêu dùng có nhiều lựa chọn nên sự tăng trưởng ở hầu hết các dòng xe; du lịch, cỡ nhỏ…

Còn theo ông Michael Behrens, thành viên ban điều hành VAMA, Tổng giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, giai đoạn 2021-2022 sẽ là giai đoạn phát triển mạnh mẽ khi GDP đạt mức 3000 USD/năm. Trong giai đoạn này, VAMA sẽ đáp ứng 70-80% nhu cầu thị trường, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Phương Dung