Vinaxuki bán nhà máy: "Cái chết" được báo trước

Sự việc Nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) của Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) phải bán để trả nợ đã khép lại giấc mơ sản xuất ô tô “Made in Việt Nam” của ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vinaxuki. Dù kết cục này đã được dự báo, song không ít người thấy tiếc nuối.

Không kịp trở tay

Năm 2014, sau một số thất bại trong việc sản xuất xe du lịch, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã tham vấn cho Vinaxuki phương án “cải tạo” xe 7 chỗ ngồi thành loại xe phù hợp với các vùng nông thôn. Theo đó, chiếc xe này có hai hàng ghế dọc, có thể lật lên lật xuống, có cửa mở phía sau, vừa chở được người, vừa chở được hàng. Giá bán ước tính chỉ khoảng 60-70 triệu đồng/chiếc. “Chiếc xe này sẽ phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, Vinaxuki đã không thể vay thêm được tiền để sản xuất loại xe này”- ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội nói.

Thực tế, việc đóng cửa, bán nhà máy của Vinaxuki không phải là kết cục bất ngờ. Từ năm 2013, khi vẫn ấp ủ và cương quyết theo đuổi sản xuất xe du lịch “Made in Việt Nam” với giá khoảng 280 triệu đồng/chiếc, ông Bùi Ngọc Huyên cho biết, công ty phải bán bớt phụ tùng, máy móc để trang trải chi phí. Trong nhiều năm liền, Vinaxuki không vay được vốn ngân hàng để hoạt động. Cho đến khi đóng cửa nhà máy sản xuất số 1, những chiếc xe du lịch 4 chỗ đầu tiên của Vinaxuki vẫn chưa được xuất xưởng do thiếu tiền để hoàn thiện.

Phần lớn thiết bị vẫn phải nhập khẩu nên khả năng cạnh tranh gần như không có. 

Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, mẫu xe du lịch VG của Vinaxuki tham gia triển lãm năm 2014 thiết kế chưa được bắt mắt. Ảnh: internet.

Theo đại diện một doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, mẫu xe du lịch VG của Vinaxuki tham gia triển lãm năm 2014 thiết kế chưa được bắt mắt. Phần lớn thiết bị vẫn phải nhập khẩu nên khả năng cạnh tranh gần như không có. Mảng sản xuất, lắp ráp xe tải của Vinaxuki đã có thị phần nhất định nhưng lại không được đầu tư kỹ lưỡng nên kết quả kinh doanh cũng không như kỳ vọng.

“Vinaxuki mở rộng quy mô nhà máy lớn quá tầm kiểm soát. Trong khi lĩnh vực sản xuất cũ chưa đem lại nguồn thu vững chắc, doanh nghiệp này đã đầu tư sang lĩnh vực khác. Ngân hàng thấy phương án kinh doanh của Vinaxuki kém khả thi nên không tiếp tục cho vay”- đại diện doanh nghiệp ô tô cho hay.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, Vinaxuki đã chọn sai hướng đi, khi tập trung vào khung, vỏ, trong khi đây là bộ phận hay thay đổi nhất, cần đầu tư thường xuyên.

Đột phá bất thành

Vinaxuki bắt đầu từ nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng ô tô. Tháng 4-2004, nhà máy ô tô Xuân Kiên ra đời. Những năm đầu hoạt động, Vinaxuki có lãi và khẳng định được tên tuổi. Đây là đơn vị phát triển mạnh mẽ, đi đầu trong việc nội địa hóa với kỳ vọng sẽ có sản phẩm đóng mác “Made in Việt Nam”. Từ năm 2012, Vinaxuki bắt đầu lỗ kéo dài. Vừa qua, Vinaxuki có tên trong danh sách những doanh nghiệp nợ thuế.

Đã nhiều lần thăm dây chuyền sản xuất của Vinaxuki, ông Bùi Danh Liên cảm thấy tiếc nuối khi nhà máy này phải đóng cửa. “Ý tưởng sản xuất ô tô “Made in Việt Nam” là một sự đột phá tư duy. Đáng tiếc, ý tưởng này đã bất thành. Vinaxuki từng quy tụ những kỹ sư nhiệt huyết và tài năng, thuê cả chuyên gia Nhật Bản đến vận hành máy điện, máy phay, máy bào… nhưng cuối cùng, họ không thể biến ý tưởng thành hiện thực”- ông Bùi Danh Liên chia sẻ. Theo đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhà máy của Vinaxuki đóng cửa không phải là thất bại của riêng Vinaxuki, mà là thất bại của cả ngành sản xuất ô tô!

Chiến lược vẫn nằm trên giấy

Tháng 7-2014, chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 được phê duyệt. Nhưng theo phản ánh của một số doanh nghiệp, họ chưa nhận được thông tin gì việc triển khai chiến lược này.

Theo một chuyên gia kinh tế, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển ô tô của Việt Nam kém phát triển nên công nghiệp ô tô cũng không thể tăng tốc ngay trong một sớm một chiều. “Chính sách phát triển lại nghiêng về hỗ trợ nhập khẩu, lắp ráp hơn là sản xuất. Không nuôi nấng, không dung dưỡng thì sản xuất khó phát triển được”- vị chuyên gia đánh giá.

Trên thế giới, nhiều hãng xe nổi tiếng cũng phải đóng cửa do làm ăn thua lỗ. Doanh nghiệp có thể thành công hay thất bại trên thương trường do nhiều yếu tố, nhưng nếu có những quyết sách, bước thực hiện rõ ràng, kịp thời hơn thì biết đâu, họ có thể tìm được ánh sáng sau những ngày đen tối.

Theo Hà Linh
An ninh Thủ đô

Vinaxuki bán nhà máy: "Cái chết" được báo trước - 2