1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vì đâu Việt Nam “tuột” mất 1 tỷ USD đầu tư từ Apple vào tay Ấn Độ?

(Dân trí) - "Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước đang có lợi thế trong việc đầu tư các dự án công nghệ cao. Tuy nhiên, Ấn Độ có nhiều ưu đãi và hạ tầng phát triển nên được đánh giá cao hơn so với Việt Nam", vị chuyên gia nói.

Truyền thông từng xôn xao trước thông tin Apple có thể đầu tư 1 tỷ USD để xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
Truyền thông từng xôn xao trước thông tin Apple có thể đầu tư 1 tỷ USD để xây trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.

Hồi giữa năm ngoái, truyền thông Việt Nam từng xôn xao với thông tin Apple có thể đầu tư 1 tỷ USD để xây trung tâm cơ sở dữ liệu quốc tế phục vụ thị trường châu Á tại Việt Nam. Mọi đồn đoán được cho là khá có cơ sở khi Apple liên tục tới nhiều địa phương, từ Hà Nội, TPHCM, rồi Đà Nẵng để tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án.

Việc thành lập trung tâm dữ liệu là một phần trong chiến lược của Apple nhằm giảm sự phụ thuộc vào các bên thứ ba cung cấp dữ liệu như Amazon hay Microsoft. Nếu được thành lập, đây cũng là cơ sở thứ 2 của Apple hiện diện tại thị trường Việt Nam.

Cuối tháng 10/2015, Apple từng thành lập một công ty con tại TPHCM lấy tên là Apple Vietnam LLC. Người đứng tên chủ sở hữu là ông Gene Daniel Levoff, một nhân vật khá quan trọng trong các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài của Apple.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, hãng tin Bloomberg cũng dẫn nguồn tin từ Apple phủ nhận thông tin này.

Cho tới đầu năm nay, sau một thời gian dài lưỡng lự, Apple đã quyết định sản xuất iphone tại thị trường 1,3 tỷ dân Ấn Độ. Năm ngoái, 2,5 triệu chiếc iPhone đã được bán ra tại thị trường Ấn Độ, đạt mức doanh số bán hàng tốt nhất từ trước tới nay.

Theo dự báo, thị trường Ấn Độ sẽ tiêu thụ tới 750 triệu smartphone vào năm 2020, là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiển nhiên, đây là lý do khiến Apple không thể bỏ lỡ “miếng bánh màu mỡ” Ấn Độ.

Truyền thông thời điểm đó cũng đưa tin, trước khi có những quyết định chính thức, Apple đã đưa ra một danh sách dài các yêu cầu đối với Chính phủ Ấn Độ, trong đó bao gồm việc miễn thuế 15 năm đối với linh kiện và thiết bị mà hãng nhập khẩu vào nước này.

Trước đó, Chính phủ Ấn Độ của Thủ tướng Narendra Modi cũng đã đưa ra những chính sách khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy tại nước này, từ đó giúp người dân có cơ hội tiếp cận những sản phẩm công nghệ có mức giá rẻ hơn so với hàng nhập khẩu.

Cũng liên quan tới câu chuyện này, tại một buổi họp báo diễn ra cuối tuần qua, ông Đặng Văn Quang, đại diện JLL tại Việt Nam chia sẻ: "Sau khi đánh giá các nước trong khu vực, Apple đã có 2 sự lựa chọn là Việt Nam và Ấn Độ. Tuy nhiên, vì một số lý do đáng tiếc, đại gia công nghệ này đã lựa chọn Ấn Độ".

Theo ông Quang, dự án này chỉ khoảng 1 tỷ USD, nhỏ hơn so với Samsung, nhưng nếu như đón được Apple vào sẽ là tiền đề cho rất nhiều doanh nghiệp tương tự đầu tư vào Việt Nam.

"Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ là hai nước đang có lợi thế trong việc đầu tư các dự án công nghệ cao. Tuy nhiên, Ấn Độ có nhiều ưu đãi và hạ tầng phát triển nên được đánh giá cao hơn so với Việt Nam. Trong lĩnh vực công nghê, Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng số vốn lên tới hàng tỷ USD", ông Quang nói.

Trao đổi với báo chí, GS Nguyễn Mại cũng từng cho rằng, lợi thế của Ấn Độ đến từ việc hiện quốc gia này đang áp dụng cơ chế 2 cấp ưu đãi, trung ương và tiểu bang. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn có lợi thế trong thu hút các dự án công nghệ cao cũng như những ngành thâm dụng lao động vì mức lương nhân công chỉ bằng 1/2 lương tại Việt Nam.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm