1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bình Định:

Ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào khai thác thủy sản

(Dân trí) - Lâu nay ngư dân khai thác thủy sản chủ yếu bằng kinh nghiệm, dụng cụ đánh bắt thô sơ ảnh hưởng sản lượng đánh bắt cũng như chất lượng sản phẩm còn hạn chế.

Ngày 22/7, tại TP Quy Nhơn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã chủ trì hội nghị chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến tiến trong khai thác thủy sản (KTTS) khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ.

Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) trình bày ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác hải sản
Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) trình bày ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác hải sản

Theo Tổng cục Thủy sản, trữ lượng nguồn cá nổi tại ngư trường các khu vực nói trên có khoảng 1,2 triệu tấn/năm, khả năng khai thác khoảng 460 ngàn tấn.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả KTTS, Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần phải cập nhật và phát hành các bản đồ phân bố đàn cá theo mùa, theo tháng ở các vùng biển; sử dụng tàu cá bằng vật liệu mới, thiết kế phù hợp với các ngành nghề của ngư dân. Đối với ngư lưới cụ và công nghệ khai thác, cần sử dụng lưới dệt không rút để chế tạo lưới vây dài từ 1.200-1.500 m, cao 150 - 200 m trên tàu lưới vây để khai thác cá ngừ đại dương. Vàng lưới có thể mua nguyên bộ từ Nhật Bản, Hàn Quốc… hoặc thi công trong nước dựa trên các bản vẽ thiết kế của nước ngoài và sử dụng kỹ thuật câu cá ngừ ở tầng nước sâu từ 100-300 m để khai thác cá kích thước lớn… Đối với hoạt động sơ chế, bảo quản, tiếp tục áp dụng các thiết bị làm cá chết nhanh, nâng cấp cải tạo lại hầm bảo quản đảm bảo nhiệt độ phù hợp.

Cũng theo Tổng cục Thủy sản, toàn vùng có 45.789 tàu cá, trong đó có 66,4% tàu cá công suất trên 90CV. Hầu hết là tàu vỏ gỗ, lắp máy cũ, máy bộ khả năng làm việc trong điều kiện thời tiết xấu hạn chế.

Tuy nhiên, gần đây nhờ chính sách Nhà nước ngư dân trong vùng được vay vốn đóng tàu vỏ thep, vỏ vật liệu mới, vỏ gỗ có kích thước lớn hơn, công suất máy lớn, có khả năng chịu đường sóng, gió tốt, hoạt động an toàn, dài ngày trên biển. Bên cạnh đó, tàu cá cũng được trang bị máy óc và thiết bị máy móc hiện đại hơn như máy dò ngang, ra đa, máy thông tin tầm xa, máy thu lưới dẫn động bằng thủy lực…

Ngư dân ngày càng trang bị nhiều thiết bị hiện đại để khai thác thủy sản đạt hiệu quả
Ngư dân ngày càng trang bị nhiều thiết bị hiện đại để khai thác thủy sản đạt hiệu quả

Tại hội nghị đại diện các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận bước đầu trong việc chuyển giao công nghệ, xử lý, thu mua cá ngừ đại dương tại các địa phương đều khẳng định: Việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến tiến trong KTTS là hướng đi đúng. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để các tỉnh nâng cao giá trị gia tăng, hạn chế rủi ro trên biển, góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nghành nghề thủy sản.

Riêng tỉnh Bình Định, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Toàn tỉnh có 7.500 tàu đánh cá, trong đó 3.500 tàu công suất trên 90 CV thường xuyên hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển nhất là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Nghề khai thác thủy sản đã trở thành thế mạnh của ngành thủy sản, đóng vai trò quan trong trong tổng sản phẩm địa phương của lĩnh vực thủy sản trong khối nông - lâm - ngư nghiệp và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng trên biển".

Tuy nhiên, theo ông Châu, hiệu quả khai thác xa bờ còn hạn chế do vốn đầu tư cao, công nghệ khai thác hiện đại trong khi quy mô đội tàu khai thác của ngư dân nhìn chung còn nhỏ, đầu tư trang thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm còn thấp và kỹ thuật khai thác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của ngư dân nên tổn thất sau thu hoạch và chất lượng sản phẩm khai thác còn chưa cao, gặp khó khăn trong việc tiêu thụ và xuất khẩu”.


Thực tế, hầu hết ngư dân khai thác thủy sản bằng kinh nghiệm, thiết bị hiện đại còn hạn chế

Thực tế, hầu hết ngư dân khai thác thủy sản bằng kinh nghiệm, thiết bị hiện đại còn hạn chế

Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã chỉ rõ những tồn tại yếu kém trong thực hiện các chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần Quyết định 67/2014 của Chính phủ. Đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ và UBND các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Đông Nam bộ cần phải đánh giá lại công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến tiến trong KTTS cho ngư dân. Tổ chức các hội nghị chuyên đề, tổng hợp các ý kiến của các chuyên gia, ngành chức năng và ngư dân tại các địa phương, qua đó tổng hợp ý kiến báo cáo Bộ đề nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung chính sách phát triển thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành trong khu vực đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong KTTS cho ngư dân, xem đây là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nghề phát triển thủy sản.

Doãn Công