Triển vọng TPP và chuyến thăm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Ông Obama chỉ còn hơn nửa năm nữa trong nhiệm kỳ của mình nên nhiều vấn đề dài hạn sẽ phải tiếp tục được giải quyết với vị tân Tổng thống. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu hy vọng, ông Obama đã có kế hoạch thuyết phục Quốc hội Mỹ phê chuẩn TPP trước khi ông rời Nhà Trắng.
Sau hơn một ngày rưỡi làm việc tại Hà Nội, chiều nay (24/5) Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có cuộc trò chuyện với các doanh nhân trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM). Nội dung chính của cuộc trò chuyện này được cho biết là thảo luận về lợi ích mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại cho quan hệ hai nước như thúc đẩy tạo công ăn việc làm hay nâng cao các tiêu chuẩn về lao động và môi trường.
Phóng viên Dân Trí đã có cuộc phỏng vấn qua điện thoại về chuyến thăm này của Tổng thống Obama với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế từng có nhiều năm hoạt động trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ và Đức. Ông cũng là người Việt đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ.
TPP rất quan trọng trong quan hệ đầu tư, thương mại Việt - Mỹ
- Dư luận đang rất quan tâm đến chuyến thăm của Tổng thống Obama, mà một trong những nội dung quan trọng được đề cập đến trong chuyến đi này là triển vọng hiện thực hóa TPP. Theo ông, liệu với chuyến thăm này, Tổng thống Mỹ có giải quyết được những vấn đề mấu chốt trong quan hệ song phương về mặt kinh tế giữa hai nước?
Tất cả chúng ta đều hy vọng chuyến thăm này của ông Obama sẽ mở ra “trang mới” cho đầu tư và thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, tạo nhiều điều kiện để các đối tác thương mại và kinh doanh hiểu biết lẫn nhau cũng như hiểu về thị trường của nhau.
Hy vọng là thế nhưng thực tế mà nói, những chuyến thăm như thế này thường mới chỉ là mở ra những cơ hội để các bên gặp gỡ, tìm hiểu nhau mà thôi. Còn những yếu tố chi phối trong tương lai.
Chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, ông Obama đã gần kết thúc nhiệm kỳ của mình, mà người Mỹ họ gọi là “lame duck President”. Những chính trị gia như vậy họ không còn đủ thì giờ để giải quyết hết mọi vấn đề quan trọng. Ông ấy chỉ còn hơn nửa năm nữa trong nhiệm kỳ của mình nên nhiều vấn đề dài hạn sẽ phải tiếp tục được giải quyết với vị tân Tổng thống và chính sách của những vị Tổng thống tiếp theo có thể sẽ không theo chiều hướng như ông Obama đang theo đuổi.
TPP là một điểm quan trọng trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Mỹ. TPP là hiệp định rất quan trọng trong quan hệ kinh tế Mỹ và Việt Nam. Vấn đề nằm ở chỗ, Mỹ đang trong năm tranh cử và nội bộ Mỹ đang không thống nhất quan điểm về hiệp định này. Hiệp định này vẫn chưa được trình ra Quốc hội Mỹ và vẫn còn là ẩn số.
Chúng ta hy vọng ông Obama sẽ đưa ra những tuyên bố mang tính cam kết, khẳng định rằng ông ấy có kế hoạch để thuyết phục thành công Quốc hội Mỹ, lưỡng viện Mỹ phê chuẩn hiệp định TPP này trước khi ông ấy rời Nhà Trắng. Khi đó, các nhà đầu tư có thể sẽ rất mặn mà vào Việt Nam.
- Hôm qua đã có những thỏa thuận hàng tỷ USD giữa DN hai bên. Ông đánh giá như thế nào về về triển vọng sắp tới? Đây có phải là bước ngoặt cho những hợp tác mới sẽ tiếp tục trong tương lai không?
Tôi cho đây không phải là bước đột phá lớn trong quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Mỹ. Trên thực tế thì trước đây, một số công ty lớn của Mỹ cũng đã vào Việt Nam, cả trong đầu tư và thương mại. Tất nhiên, việc Vietjet thỏa thuận mua một lúc 10 chiếc Boeing thì về mặt giá trị là một hợp tác rất lớn.
Trong mối quan hệ kinh tế giữa hai nước có quan hệ đầu tư và quan hệ thương mại. Về thương mại, mậu dịch, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng về mặt đầu tư thì Mỹ hiện vẫn chưa là đối tác lớn nhất.
Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam hiện nay, cho nên quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam là rất quan trọng. Trong chuyến đi của Tổng thống Obama tới thăm Việt Nam lần này chắc chắn mặt thương mại sẽ được tăng cường, nhất là khi ông Obama mang theo một phái đoàn DN Mỹ tới thăm Việt Nam và tạo cơ hội để các nhà kinh doanh của Mỹ tận mắt nhìn thấy được thực tiễn kinh tế, thị trường Việt Nam để từ đó họ có những đầu tư mạnh mẽ hơn.
- Trong những bản ký kết đó chúng ta thấy vắng bóng những thỏa thuận trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Ông nghĩ sao về điều này?
Các ngân hàng và các nhà đầu tư tài chính Mỹ chưa mặn mà lắm với thị trường ngân hàng tài chính Việt Nam. Trước đây 20 năm thì ngay cả Bank of America đã vào Việt Nam rồi (hồi những năm 1995) nhưng sau một vài năm thì họ rút về. Từ đó đến nay chỉ còn có một ngân hàng duy nhất là CitiBank hoạt động với tư cách là một chi nhánh ở Việt Nam.
Một số ngân hàng khác như Wells Fargo hay các ngân hàng tại Mỹ khác thì có quan hệ đại lý, văn phòng đại diện ở Việt Nam nhưng không có chi nhánh, họ cũng không đầu tư vào các cổ phiếu của ngân hàng Việt.
Lý do là vì thị trường ngân hàng Việt Nam còn quá bé nhỏ so với những thị trường khác như Trung Quốc ngay sát nách chúng ta, hay Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore… các nhà kinh doanh ở những thị trường này rất kinh nghiệm và lão làng. Còn với thị trường Việt Nam, có thể các nhà đầu tư Mỹ nhìn nhận còn quá non trẻ và nhiều rủi ro.
Hơn nữa, một số ngân hàng quốc tế khi vào một nước nào đó thường đi theo khách hàng. Khách hàng của ngân hàng Mỹ ở Việt Nam không nhiều, nên các ngân hàng Mỹ khi muốn theo chân những khách hàng truyền thống của họ thì sẽ không tới Việt Nam. Trong khi đó, nếu như là ngân hàng Nhật Bản thì khách hàng của họ là các công ty Nhật làm ăn ở Việt Nam rất nhiều nên ngân hàng Nhật họ cũng đi theo khách hàng truyền thống của họ để hỗ trợ.
Cho nên nhìn chung, Mỹ mậu dịch với Việt Nam thì nhiều nhưng đầu tư vào Việt Nam thì chưa nhiều.
Còn khoảng cách lớn về văn hóa doanh nghiệp giữa Việt Nam và Mỹ
- Là người từng có thời gian dài làm việc tại Mỹ, ông cảm nhận như thế nào về phong cách làm ăn của người Mỹ?
Phong cách làm ăn của người Mỹ có những điểm phù hợp nhưng cũng có nhiều điểm không “khớp” với cách thức làm ăn của người Việt.
Điểm chung là dĩ nhiên các nhà kinh doanh ở đâu cũng quan tâm đến lợi nhuận và hướng đến thị trường. Tuy nhiên cung cách làm việc của DN Việt còn khác xa với DN Mỹ. Chẳng hạn như với DN Mỹ, vấn đề minh bạch trong đàm phán, thương thuyết và tuân thủ cam kết với nhau rất quan trọng, trong khi nhiều nhà kinh doanh Mỹ than phiền rằng đối tác của họ tại Việt Nam tính tuân thủ cam kết rất thấp, đồng ý trên hợp đồng, trên giấy trắng mực đen nhưng khi đi vào thực tế lại phá vỡ nguyên tắc.
Bên cạnh đó, các DN Mỹ cũng quan tâm đến tính tuân thủ luật pháp trong khi DN Việt Nam lại thường “uyển chuyển, linh hoạt”, nếu trường hợp nào lách được luật lệ thì sẽ lách. Điều này liên quan đến văn hóa DN hai nước.
- Nghĩa là nếu mối quan hệ hai bên được tăng cường thì văn hóa DN, doanh nhân của chúng ta sẽ được cải thiện?
Nhìn chung đã là hợp tác làm ẳn thì để lâu dài, hai bên cần phải tìm hiểu nhau một cách cặn kẽ hơn. Các doanh nhân Việt Nam phải hiểu văn hóa DN Mỹ, người lại, phía Mỹ cũng cần hiểu văn hóa Việt Nam.
Dĩ nhiên, văn hóa DN của mình chưa đi theo đúng quỹ đạo của một nền kinh tế thị trường hiện đại, do vậy, các DN Việt Nam cần có sự cải tiến, sự thay đổi để đi vào quỹ đạo chung của thế giới từ vấn đề tuân thủ luật pháp, luật lệ đến tuân thủ các cam kết trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, về ngôn ngữ, các DN Việt Nam còn yếu về sinh ngữ tiếng Anh trong kinh doanh dẫn đến trong đàm phán nhiều lúc gặp trở ngại, đặc biệt về mặt luật pháp. Tiếng Anh của nền kinh tế hiện đại rất phong phú và đa dạng mà ngôn ngữ tiếng Việt nhiều khi chưa cập nhật được hết, chưa dịch ra được.
- Gần 70% DN Mỹ lo ngại về tham nhũng ở Việt Nam nên đã không đầu tư. Đây có phải là rào cản lớn nhất?
Điều đó đúng. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi vào đầu tư kinh doanh ở Việt Nam gặp phải trở ngại đó. Tuy nhiên không phải chỉ ở Việt Nam, đó cũng là hiện tượng bình thường ở các nước châu Á khác các nhà đầu tư phải lót tiền thì mới “chạy” được giấy tờ. Điều này làm tăng chi phí hoạt động của các DN.
Các DN Mỹ làm ăn vốn bài bản nên họ không quen với việc phải đút lót cho quan chức, dĩ nhiên cũng có trường hợp một số DN sẵn sàng làm chuyện đó. Trên đất Mỹ, đút lót bị coi là phạm tội hình sự, nên DN đã quen với cung cách làm ăn minh bạch, chính vì vậy, tới Việt Nam nếu gặp hiện tượng tham nhũng thì họ cảm thấy khó xử. Đó cũng là một rào cản trong hợp tác kinh doanh giữa Mỹ và Việt Nam.
Một điểm nữa là minh bạch thông tin cũng là yếu tố quan trọng. Ở Mỹ, khi các DN làm ăn thì đàm phán, giao dịch đều rất minh bạch. Do đó, khi làm việc với đối tác Mỹ, tôi nghĩ rằng, DN Việt Nam không nên giấu giếm thông tin mà nên sòng phẳng, rõ ràng hơn trong quá trình hai bên tìm hiểu, làm việc với nhau. Từ đó mới có được những quan hệ hợp tác làm ăn bền chặt, lâu dài!
- Xin trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ!
Tại buổi họp báo chung giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barrack Obama chiều 23/5, khi được hỏi về khả năng thông qua TPP trong bối cảnh Washington vẫn đang bị chia rẽ quan điểm về hiệp định này, Tổng thống Mỹ cho biết ông tự tin TPP sẽ được phê chuẩn và đi vào thực thi sớm nhất có thể. "Tôi tự tin chúng ta sẽ hoàn thành việc này. Vì nó là việc đúng đắn nên làm. Nó có lợi cho kinh tế Mỹ, người lao động Mỹ", ông cho biết. |
Bích Diệp (thực hiện)