1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trải lòng của một 8X 3 lần khởi nghiệp vì con

(Dân trí) - Dù đã có một công ty riêng về may mặc, nhưng chàng thanh niên trẻ xứ Nghệ, Vũ Ngọc Minh vẫn khá chật vật vì hầu như chỉ làm gia công. Tiền kiếm được bao nhiêu đập vào nhà xưởng, máy móc, công nhân cũng hết. Đang lúc chán nản thì ý tưởng về lối đi mới cho công ty đột nhiên xuất hiện...

Cơ duyên đến lần khởi nghiệp thứ 3

Sinh ra ở nước Nga xa xôi, nhưng vì nhiều lý do, lúc 3 tuổi anh Minh và gia đình đã trở về quê sinh sống. Lớn lên ở mảnh đất đầy gió và cát, nhưng bản lĩnh người con xứ Nghệ đã thôi thúc anh ra Hà Nội lập nghiệp.

Vốn là một kỹ sư cầu đường Đại học Giao thông Vận tải TP HCM, lăn lộn nhiều năm với nghề xây dựng nhiều vất vả, lại hay xa vợ con, nên anh Minh đã chuyển hẳn sang kinh doanh may mặc. Anh Minh cho biết: “Khởi nghiệp lần 2, cơ duyên cũng xuất phát từ một người anh họ của vợ.”

Một góc nhỏ trong xưởng
Một góc nhỏ trong xưởng

Có chút vốn sau khi làm xây dựng, anh Minh quyết định đầu tư vào máy móc nhà xưởng, thuê công nhân và bắt đầu khởi nghiệp lại ở ngoại thành Hà Nội. Thời gian đầu, công ty vẫn chỉ làm gia công, công việc lúc nào cũng ngập đầu mà lãi chẳng được bao nhiêu.

Anh cười chia sẻ: “Nhiều người cười mình giám đốc doanh nghiệp gì mà ô tô không có mà đi, nhà cũng phải đi thuê.”

“Áp lực nhiều, đã có lúc, mình đã nghĩ tới việc chuyện về quê, mở cửa hàng nho nhỏ túc tắc sống qua ngày cho đỡ vất vả. Nhưng nghĩ đến mơ ước cho cô con gái nhỏ đi du học, lại phải lao vào kiếm tiền.”, anh Minh nói.

Trong lúc khó khăn nhất, tình cờ lang thang trên mạng, giám đốc trẻ 8x này đã tìm được từ khóa “may đo theo dây chuyền công nghiệp”. Kết hợp ý tưởng với hàng sơ mi nam, anh Minh phân tích: “Hầu hết các sản phẩm áo sơ mi đại trà không thể vừa vặn mọi chi tiết trên cơ thể và không thể hiện được gu thẩm mĩ (tự thiết kế, phối màu) của khách.”

Xếp mẫu vải cho khách
Xếp mẫu vải cho khách

“Vì thế mình nảy ra ý tưởng may đo, thiết kế sơ mi nam cho những người có thu nhập khá, dân văn phòng không phải vận động nhiều theo dây chuyền công nghiệp.”, anh Minh nói.

Vừa rót trà, anh Minh vừa nói: “Ý tưởng đã có, mình lần mò, tìm kiếm thông tin ở một số thị trường lớn về sơ mi, nhất là Đức, Hà Lan, Mỹ,... và thấy mốt này đang rất thịnh hành. Cũng cảm thấy liều lĩnh nhưng mình phán đoán đây là 1 mảng tiềm năng. Nói là làm, thời điểm mình bắt tay vào khởi nghiệp lần 3 cũng cách đây đã gần 1 năm.”

Lối đi riêng cho lần thứ 3 khởi nghiệp

“Vì hướng tới đối tượng có thu nhập khá, thích hưởng thụ dịch vụ cao cấp nên vải phải tốt, nhìn sang trọng. Vì thế, mình thường xuyên nhập mới từ Thái Lan theo xu hướng của thị trường để phục vụ khách. Không những vậy, dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng phải rất chu đáo bởi đối tượng khách hàng này khá kĩ tính.”, anh Minh nói.

Cụ thể, anh miêu tả: “Mọi thông số áo đều đã vừa khít trên cơ thể khách, nhưng khi khách gầy đi hoặc béo lên thì mình lại phải bảo hành sản phẩm đến khi khách ưng ý thì thôi.”

Đến tận nhà may lấy số đo
Đến tận nhà may lấy số đo

“Còn có khách ngày bé bị sốt co giật nên ngực lệch, đi mua hàng may sẵn hầu như không có. Để dựng được hình áo lên vừa vặn cân đối rất khó, áo phải sửa vài lần khách mới ưng, nhưng vẫn còn hơn là không mua được.”, anh Minh kể.

Nói về những khó khăn lớn nhất của lần thứ 3 khởi nghiệp chàng trai 8x này cho rằng: “Cách làm này hiện nay vẫn gặp khá nhiều khó khăn bởi người Việt mình vẫn có nhu cầu mua sẵn cao, thiên về giá rẻ hơn là hưởng thụ các dịch vụ cao cấp. Không những vậy, vốn còn phải rải ra nhiều chặng như nhà máy, nguyên phụ liệu và nan giải hơn vẫn là đi tìm từng khách hàng một.”, 8x trẻ cho biết thêm.

Chấp nhận chịu lỗ, anh Minh kể: “5 tháng đầu doanh thu công ty bị âm mà vải vẫn phải nhập vải đều đặn cho khách chọn. Mỗi lần nhập hàng như thế, đều phải lấy 60 – 80 màu vải tương đương 2000 – 3000m. Để khắc phục vẫn phải nhận đơn hàng gia công về làm để duy trì, lấy ngắn nuôi dài.”

Vải mẫu
Vải mẫu

“Dần dần mẫu vải phong phú hơn, lượng khách cũng tăng lên nhờ PR, marketing online. Người nhiều thì đặt 4 – 5 cái cho cả gia đình, người ít thì 1 - 2 cái. Khách mặc lại quảng cáo cho bạn bè người thân. Cơ quan nào cần tiếp khách nhiều cũng làm đồng phục số lượng lớn. Bây giờ trung bình mỗi tháng khách lẻ, khách buôn cũng phải được 150 – 200 khách.”, anh Minh nói.

Anh Ngô Xuân Quý – nhân viên ngân hàng ở Phan Chu Trinh, Hà Nội là một “fan” trung thành của sơ mi may đo chia sẻ: “Mình thấp nhưng lại béo, bụng to, vai thô nên áo đẹp ít khi mặc được. Mà công việc cũng khá bận, phải phụ trách từ Huế trở ra Bắc nên không có thời gian mà đi chọn đồ.”

“Qua một người bạn cùng đội bóng giới thiệu đến dịch vụ của Minh nên mình thử luôn. Từ việc lấy số đo, bảo hành sản phẩm cho đến giao hàng đều có người đến làm nên khá tiện lợi và cảm giác bỏ tiền ra nhưng được trân trọng vẫn thích hơn.”, anh Quý cho biết thêm.

Sau 3 lần khởi nghiệp, tuy chưa thể đem lại doanh thu thực sự lớn, nhưng anh Minh hi vọng, “Thị trường thế giới đang rất ưa chuộng hình thức này. Hi vọng nó sẽ trở thành xu thế của một bộ phận người Việt trong vài năm tới đây.”

Thế Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm