Thêm một vụ tài khoản bị “hack” qua giao dịch ngân hàng:

Trả cho khách hàng bên Mỹ, tiền “chạy” sang Anh

Giao dịch mua bán hoàn toàn qua mạng, thông qua ngân hàng, doanh nghiệp (DN) chuyển trả tiền mua hàng cho đối tác có trụ sở tại Mỹ. Tuy nhiên, đối tác ở Mỹ không nhận được tiền, mà oái oăm thay, số tiền gửi lại “chạy” tuốt sang … Vương quốc Anh. DN bức xúc đòi lại tiền, thì số tiền gửi về bị “ngót” gần… một nửa! Tại sao?


Trụ sở Cty TNHH TM-DV Vĩnh Phát tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Trụ sở Cty TNHH TM-DV Vĩnh Phát tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Chuyển sai, tiền "ngót" gần nửa

Ngày 31/3/2015, Cty TNHH TM-DV Vĩnh Phát (Bình Dương) đã thông qua Ngân hàng TMCP Quốc Dân (viết tắt NCB) – chi nhánh Đồng Nai, thực hiện giao dịch chuyển tiền quốc tế, với số tiền 94.120 USD. Mục đích chuyển tiền là ứng trước 100% giá trị hợp đồng số 10365, ngày 27/3/2015, cho người thụ hưởng là Cty Don Smock Auction Co., INC, có trụ sở tại 6531 S.State Road 13, Pendleton, IN 46064 – USA (Mỹ), tại ngân hàng Natwest Bank (viết tắt NWB).

NCB đã thực hiện lệnh chuyển tiền và đã đi điện thành công qua ngân hàng đại lý ICBC sau khi kiểm tra hồ sơ. Tuy nhiên, ngày 7/4/2015, Cty Vĩnh Phát cho biết phía Don Smock Auction vẫn chưa nhận được tiền… NCB nhờ tra soát và ICBC đã trả lời rằng, lệnh chuyển tiền đã thành công.

Ngày 14/4, NCB nhận được trả lời từ ngân hàng thụ hưởng là NWB. Theo đó, NWB thông báo khoản tiền 94.120 USD đã được thực hiện; tuy nhiên, tiền không phải chuyển sang Mỹ mà nằm tại NWB ở… Vương quốc Anh. Do tài khoản của người thụ hưởng khác với chỉ dẫn trên lệnh chuyển tiền, nên NWB tạm giữ số tiền trên để chờ xác nhận…

Ngày 8/5/2015, Cty Vĩnh Phát đề nghị NCB hủy lệnh chuyện tiền và đòi lại 94.120USD. Trong quá trình chờ đòi lại tiền, Cty Vĩnh Phát tiếp tục phải chi thêm 94.120 USD thông qua Ngân hàng Phát triển – Đầu tư VN (BIDV) – chi nhánh Đông Sài Gòn, để gửi cho đối tác… Và, lần chuyển tiền này, Cty Don Smock Auction (Mỹ) đã nhận được tiền. Tuy nhiên, với số tiền chuyển sang Anh Quốc (94.120 USD), sau nhiều tháng tranh cãi qua lại, cuối cùng, khổ chủ là Cty Vĩnh Phát mới được phía NWB chuyển trả, nhưng chỉ còn… 51.987,17 USD (thiếu hẳn 42.132,83 USD).

“Một giao dịch đáng ngờ” (?!)

Giải đáp xung quanh vụ việc tréo ngoe này, phía NCB cho rằng: NCB đã thực hiện đúng theo lệnh chuyển tiền từ Cty Vĩnh Phát và đúng quy trình, quy định của Ngân hàng Nhà nước về quản lý ngoại hối. Song, theo bà Nguyễn Thị Lương – Giám đốc Cty Vĩnh Phát: “Cty Vĩnh Phát hoàn toàn theo đúng hợp đồng nhập khẩu hàng hóa; tuy nhiên, Cty Vĩnh Phát đã bị người bán phía nước ngoài cung cấp số tài khoản không đúng, dẫn đến hệ quả là tiền không vào tài khoản của đối tác bán hàng bên Mỹ, mà chạy sang… Vương quốc Anh”.

Trong khi đó, theo bà Đặng Thị Xuyên – Kế toán trưởng Cty Vĩnh Phát: “Thực chất là trong quá trình giao dịch bằng email, xuất hiện một “kẻ thứ ba” giấu mặt đã “hack mail”, đóng vai đối tác hướng dẫn chúng tôi chuyển tiền vào tài khoản khác, không phải của đối tác. Chúng tôi hoàn toàn không biết, nên xảy ra chuyện tiền chuyển sang Mỹ, nhưng lại chạy sang Anh”.

Suốt thời gian dài, Cty Vĩnh Phát nhờ NCB yêu cầu NWB trả lại tiền cho DN. Tuy nhiên, việc đòi lại khoản tiền đã ra ngoài biên giới quốc gia, quả là gian nan… Cụ thể: NCB liên hệ NWB, thì NWB đã nghi ngờ “một giao dịch đáng ngờ” trong vụ chuyển tiền trên. Thậm chí, NWB còn buộc “NCB cam kết đảm bảo cho NWB London được bồi thường đối với tất cả hành động và thủ tục tố tụng, khiếu nại, các yêu cầu bồi thường và tất cả các tổn thất, chi phí, thiệt hại và các chi phí mà NWB London phải gánh chịu trực tiếp hoặc gián tiếp từ việc hoàn trả lại khoản tiền”.

Bà Trần Hải Anh – Tổng giám đốc NCB – cho rằng: “Việc Cty Vĩnh Phát thực hiện chuyển tiền 2 lần, lần thứ 2 tại BIDV cho cùng 1 người thụ hưởng, cùng 1 số hợp đồng và cùng trị giá…, trong khi NCB vẫn đang tra soát theo yêu cầu của DN. Như vậy, Cty Vĩnh Phát đã không thực hiện đúng theo quy định về quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước VN”.v.v…

Phía NCB khẳng định NCB không có lỗi. NCB chuyển khoản tiền 94.120 USD là đúng theo yêu cầu và chỉ dẫn của DN về số tiền, tên và số tài khoản người hưởng, ngân hàng người hưởng… Tuy nhiên, theo NCB, vì khoản tiền đã ra khỏi VN, nên việc hoàn trả sẽ liên quan đến luật pháp của Anh Quốc và thông lệ quốc tế. Chính vì vậy, mới xảy ra mối nghi ngại “giao dịch đáng ngờ”, hay rửa tiền.v.v…

Việc hoàn trả số tiền rất phức tạp và tốn kém thời gian. Tệ hơn, khoản tiền 94.120 USD tại NWB, sau đó cũng không được bảo toàn, mà bị chủ tài khoản giấu mặt – tức hacker – nhanh chóng rút gọn 42.132,83 USD, cho dù trước đó, NWB từng khẳng định qua email với NCB rằng đã phong tỏa khoản tiền trên trong tài khoản để bảo vệ quyền lợi cho Cty Vĩnh Phát.

Trao đổi với PV Lao Động, bà Đặng Thị Xuyên cho biết: “Không chỉ vụ trên Cty Vĩnh Phát bị “hack mail” gây thiệt hại 42.132,83 USD, mà trong một giao dịch khác vào tháng 4/2015, Cty cũng bị hacker lừa, chuyển tiền sai tên người hưởng, dẫn đến bị rút hết 67.965 USD. Sau khi hacker rút hết tiền, chúng đóng tài khoản, xóa dấu vết”.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TP HCM) – phát biểu: “Qua sự việc trên, là bài học cho các DN, đặc biệt trong giao dịch mua bán hàng hóa, chuyển tiền, chuyển khoản ra ngoài biên giới quốc gia với các đối tác quốc tế. Tội phạm ngân hàng hiện trong thời đại công nghệ cao, hành vi của chúng hết sức tinh vi, hoàn toàn giấu mặt… Sơ hở, dại dột tiết tộ thông tin DN, dễ dãi tin theo, thì chỉ một cái click chuột thôi, DN có thể bị thiệt hại hàng triệu USD”.

Theo Cao Nguyễn Hoàng Hưng
Lao động