1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tổng Bí thư: Bộ Công Thương phải xử lý nhiều vấn đề "đau đầu", áp lực

(Dân trí) - Ngày 11/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Công Thương. Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư cho rằng, sau Đại hội XII, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã phải xử lý nhiều vấn đề “đau đầu”, rất nhiều áp lực...


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc tại Bộ Công Thương ngày 11/7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc tại Bộ Công Thương ngày 11/7

Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, sau Đại hội XII, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Bộ Công Thương đã phải xử lý nhiều vấn đề “đau đầu”, rất nhiều áp lực, dù không muốn gợi lại nhưng đó là sự thật.

Mở đầu là vụ biển xe của Trịnh Xuân Thanh, rồi tiếp đến Bộ trưởng cũ của Bộ cũng bị kỷ luật, vụ Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, vụ ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn.

Tổng Bí thư cho rằng, trong bối cảnh đó, Ban cán sự đảng, Bộ Công Thương “không những vững vàng vượt qua mà còn phát triển đi lên”, điều đó rất đáng quý.

“Chúng ta đang có quyết tâm mới, ý chí mới, xốc lại đội ngũ, tiến lên và Bộ Công Thương là một trong số ít bộ, ngành có được ý chí, khí thế đó”, Tổng Bí thư nhận xét.

Tổng Bí thư mong muốn: "Tôi vẫn tin, với đà, với kinh nghiệm và bộ máy làm tốt thì chắc sắp tới Bộ Công Thương không cam chịu, bằng lòng với những gì đã làm được, vươn lên hơn nữa, xứng đáng là bộ chiếm 2 trụ cột trong 4 trụ cột của đất nước".

Tuy nhiên theo Tổng Bí thư, chúng ta vui mừng để tiếp sức cho giai đoạn kế tiếp nhưng không chủ quan, phải giữ cho được cái thế như vậy bởi trước mắt còn không ít khó khăn, còn nhiều điều trăn trở, chưa làm được.

"Tôi đã nói nhiều lần, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn vì trước mắt khó khăn còn nhiều, chỉ cần sơ suất chút thôi là “sai một ly đi một dặm”, hậu quả khôn lường”, Tống bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng lưu ý Bộ Công Thương phải theo sát tình hình thực tiễn trong nước và thế giới, để không được chệch choạc về đường lối, không được bị động, bất ngờ…

Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng thể chế, luật pháp, chính sách; công tác Đảng, cán bộ. “Vừa qua một số vi phạm dẫn tới tổn thất chính là do không nắm vững quy chế, thể chế, ký liều, ký ẩu. Tin ở cấp dưới ký, rồi giờ chịu hậu quả”, Tổng Bí thư nói.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhắc Bộ Công Thương trong việc bố trí nhân sự, bởi bộ máy gọn ghẽ thì công việc sẽ thông.

Báo cáo Tổng Bí thư nhiều vấn đề “nóng”

Trước đó báo cáo Tổng bí thư, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đối với các sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ của Bộ Công Thương giai đoạn trước năm 2016 theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Bộ Nội vụ, Ban Cán sự đảng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.

Để khắc phục các sai sót của giai đoạn trước về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã thực hiện một số công việc.

Trước hết, đó là sửa đổi các quy chế, quy định về công tác cán bộ theo hướng cụ thể hóa các nguyên tắc quan trọng như “tập trung dân chủ”, "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", đề cao trách nhiệm cá nhân ở tất cả các khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng thời sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức: Hiện nay, cơ bản đã kiện toàn xong cấp trưởng. Tiếp theo, Ban Cán sự đảng sẽ tiếp tục chỉ đạo việc sắp xếp lại cấp phó của các đơn vị, cơ bản bảo đảm 3 cấp phó/1 đơn vị.

Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.

Là lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực năng lượng, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, thời gian qua, nước ta chịu ảnh hưởng lớn của việc biến đổi khí hậu, tuy nhiên, ngành điện lực vẫn đáp ứng đủ nguồn điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

"Để có ngành năng lượng đi trước và đảm bảo an ninh năng lượng thì Đảng và Nhà nước cần có quan tâm đặc biệt với chính sách để phát triển điện", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng còn chia sẻ những khó khăn. Theo đó, cơ chế chính sách kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài còn gặp khó khăn. Hiện mới chỉ mới có 4 nhà máy điện theo phương thức BOT đưa vào sản xuất. Các dự án khác, hầu hết không thực hiện đúng tiến độ.

Thứ trưởng đã đề nghị Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo nhà nước về năng lượng do Thủ tướng chỉ đạo để giải quyết các vấn đề cụ thể hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nguyễn Mạnh

Tổng Bí thư: Bộ Công Thương phải xử lý nhiều vấn đề "đau đầu", áp lực - 2