Thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây... có thể tăng giá nhẹ dịp giáp Tết
(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa đưa ra dự báo giá cả các mặt hàng thiết yếu trước Tết Nguyên đán năm nay có thể tăng từ 5 - 10% so với ngày thường và tăng khoảng 4-5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của Bộ Công thương, dự kiến sức mua sẽ bắt đầu tăng cao hơn từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch (cao điểm sau ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp âm lịch). Nguồn hàng đã được các doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch chuẩn bị cùng với các chương trình phục vụ Tết khá chu đáo.
Về giá các loại mặt hàng, Bộ Công Thương khẳng định sẽ giữ ổn định, không có biến động lớn các loại mặt hàng tết. Trong đó, đảm bảo đủ nguồn cung nhóm hàng thực phẩm công nghệ như bánh, mứt kẹo, nhu cầu dự kiến tập trung vào các mặt hàng Việt Nam sản xuất có chất lượng bảo đảm, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Ngoài ra, để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng có mức sống cao, nhiều nhà phân phối cũng đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng đồ uống, bánh mứt kẹo cung ứng chủ yếu ở các thành phố lớn.
Tuy nhiên, do các chương trình khuyến mại, bình ổn thị trường chủ yếu được thực hiện ở các nhà phân phối, bán lẻ lớn nơi tỷ trọng lưu thông hàng hóa thực phẩm phục vụ Tết chiếm khoảng 25-30%, còn lại chủ yếu vẫn qua kênh bán lẻ truyền thống (các chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ) nên giá cả thường có xu hướng tăng ở kênh này trong những ngày cận Tết.
"Nguyên nhân tăng giá ở khu vực này là do sức mua tăng dồn, việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết sẽ phát sinh chi phí, bên cạnh đó, chủng loại hàng hóa phục vụ Tết thường là các mặt hàng chất lượng cao (như thủy hải sản cao cấp, gà ri, gà ta...) nên giá cả các mặt hàng này có thể biến động tăng cục bộ tại một số nơi", Bộ Công Thương đưa ra đánh giá.
Theo khẳng định của Bộ Công Thương, do nhiều kênh phân phối do đó giá cả hàng hoá tăng theo quy luật thị trường, ước mức tăng các mặt hàng thiết yếu có thể tăng khoảng 5-10% so với ngày thường và tăng khoảng 4-5% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện vấn đề an toàn thực phẩm đang ngày càng được quan tâm nên xu hướng tiêu dùng các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng dịp tết sẽ tăng. Ngành Công Thương sẽ phối hợp với các ngành chức năng để quản lý chất lượng hàng hóa.
Bộ Công Thương cũng báo cáo về tình hình chuẩn bị tết của các cơ sở tại địa phương và đã chỉ đạo, vận động doanh nghiệp, các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn kéo dài thời gian phục vụ, đóng cửa muộn và mở cửa sớm ngay sau Tết để phục vụ người dân mua sắm.
Bộ Công Thương khẳng định, dịp tết ngành này sẽ đẩy mạnh việc phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo...
Theo báo cáo sơ bộ, lượng hàng hóa được các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tại các địa phương chủ động chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt hơn 250 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 8-10% so với Tết năm trước.
Hiện hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua hơn 8.660 chợ, hơn 810 siêu thị và khoảng 160 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước, và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt. Chính vì vậy, tết này sẽ không có hiện tượng khan hàng, đẩy giá các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng tết.
Nguyễn Tuyền