Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Phải quản trị PVN theo tiêu chuẩn quốc tế”
“Khi nguồn lực về vốn, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên không phải là thế mạnh cạnh tranh thì doanh nghiệp (DN) phải vươn tới những chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, tận dụng tốt các lợi thế trong tiến trình hội nhập, biến thách thức thành cơ hội”, ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Cụ thể, ông Vượng nhận định rằng Việt Nam đang hội nhập kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Khi nguồn lực về vốn, công nghệ và tài nguyên thiên nhiên không phải là thế mạnh cạnh tranh thì doanh nghiệp (DN) phải vươn tới những chuẩn mực quốc tế trong quản trị điều hành, tận dụng tốt các lợi thế trong tiến trình hội nhập, biến thách thức thành cơ hội.
Với Petrovietnam, vấn đề nâng cao năng lực quản trị điều hành càng quan trọng khi Tập đoàn đang có hoạt động tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ với 5 lĩnh vực chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Theo ông Vượng, đây đều là những lĩnh vực cốt lõi, nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật, nhân lực chất lượng cao. Việc làm tốt công tác quản trị DN sẽ giúp Petrovietnam tận dụng và phát huy tối đa các nguồn lực, tăng cường khả năng ứng phó với các biến động thị trường để đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho nền kinh tế.
Điều này phần nào đã được chứng minh trong những năm gần đây, mặc dù thị trường dầu khí thế giới có nhiều biến động tiêu cực, giá dầu xuống thấp kéo dài, cơ chế hoạt động của Tập đoàn vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng Petrovietnam với mô hình quản trị được xây dựng theo hướng chuẩn quốc tế đã biết tận dụng các nguồn lực sẵn có, xây dựng các kịch bản, cùng giải pháp ứng phó với biến động giá dầu một cách hiệu quả, tiếp tục có đóng góp quan trọng và ý nghĩa đối với tăng trưởng kinh tế của đất nước với mức trên 10% GDP.
Thực tế cho thấy, có những DN với xuất phát điểm thấp, nhưng nhờ biết nắm bắt thời cơ đã vượt qua khó khăn, thách thức để thành công. Nhưng cũng có những DN, dù có xuất phát điểm tốt, nguồn tài chính dồi dào, thị trường ổn định, song năng lực quản lý kém, trình độ hạn chế đã thua lỗ, phá sản.
Qua đó, ông Vượng cho rằng có thể thấy chất lượng quản trị, nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định đến sự thành công hay thất bại của mỗi DN.
“Đối với một Tập đoàn kinh tế Nhà nước trụ cột về năng lượng quốc gia như Petrovietnam thì những vấn đề trọng yếu cần quan tâm là phải có kế hoạch, lộ trình để nâng cao hơn nữa chất lượng quản trị DN, tiến tới trở thành công ty dầu khí mang tầm khu vực và thế giới, đồng thời phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ..., phát triển bền vững”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, Petrovietnam cần phải xây dựng và đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành về cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ ngành Dầu khí quốc tế cũng như chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam nhằm tăng quyền chủ động cho Tập đoàn; cơ chế, chính sách về đầu tư ra nước ngoài; cơ chế, chính sách về tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ Tập đoàn.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DN, đảm bảo vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường, phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập; sắp xếp, cổ phần hóa các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc không cần nắm giữ vốn chi phối trong Tập đoàn; nghiên cứu phát triển các tổng công ty/công ty chuyên ngành, tập trung vào lĩnh vực cốt lõi, đủ mạnh và xóa bỏ sự cạnh tranh nội bộ theo các lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính.
Ông Vượng cho rằng Petrovietnam cũng cần tiếp tục thực hiện hệ thống quản lý, quản trị DN hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các phương thức, hình mẫu quản trị tiên tiến trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm; thí điểm áp dụng hệ thống đánh giá hiệu quả chuẩn KPI tại một số đơn vị thành viên của Tập đoàn.
Hơn nữa, thường xuyên rà soát và tiến hành công tác cải cách hành chính trong quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý. Tiếp tục hoàn thiện quy trình, quy chế nội bộ, phân cấp, ủy quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và cảnh báo rủi ro.
Tăng cường quản lý, giám sát thông qua người đại diện; xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế cử người đại diện dựa trên loại hình DN. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị DN và hoạt động sản xuất kinh doanh...
Đặc biệt, Petrovietnam phải phát triển được nguồn nhân lực dầu khí theo tiêu chuẩn quốc tế, ưu tiên đào tạo bổ sung cho những khâu còn thiếu, nhất là các chuyên gia thuộc các lĩnh vực mũi nhọn.
Xây dựng chế độ thù lao và các chế độ, chính sách đặc thù áp dụng cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở trong nước và nước ngoài; đào tạo và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm công tác tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới DN.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đầu ngành có trình độ cao; có chính sách thu hút nhân tài từ bên ngoài, lựa chọn và tuyển dụng các cán bộ có trình độ, các cán bộ có kinh nghiệm.
Tăng cường và đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược, công ty và tổ chức trong khu vực và trên thế giới về đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, về đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh…
Tuy nhiên, theo ông Vượng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tái cơ cấu của Petrovietnam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc trong công tác tái cơ cấu DN.
Nhiều vướng mắc, khó khăn của Petrovietnam đưa ra chưa được xử lý kịp thời, thỏa đáng, nhiều cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất kinh doanh cũng trong tình trạng như vậy, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Tập đoàn.
Sự đồng hành, hỗ trợ của các bộ, ngành với Petrovietnam trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách... liên quan đến hoạt động dầu khí sẽ quyết định sự thành công của tiến trình tái cấu trúc Petrovietnam. Do đó, cần phải đồng hành trong việc tháo gỡ những vướng mắc này.
Ông Vượng cũng nhấn mạnh rằng, trong bất kỳ tình huống nào thì vị thế, vai trò của Petrovietnam đối với nền kinh tế là hết sức quan trọng.
“Có thời điểm đóng góp vào GDP của Petrovietnam lên tới 28-30%. Tại thời điểm hiện nay, dù đang phải đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, kinh tế thế giới có nhiều biến động, Tập đoàn vẫn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP”, ông Vượng cho hay,
Lãnh đạo Bộ Công Thương tỏ ra rất chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Petrovietnam đã và đang phải đối diện. Bộ Công Thương đã và sẽ luôn bám sát, hỗ trợ Petrovietnam trong việc đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành hỗ trợ các cơ chế về nguồn tài chính, giải pháp tháo gỡ, khó khăn vướng mắc của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên.
Cẩm Vy