Thời cơ nào cho nhôm hệ Việt trong "cơn bão" tăng giá?
Nhôm được dự báo là nguyên liệu tăng giá mạnh nhất trong năm 2017. Còn nhớ thời điểm tháng 8, giá các kim loại công nghiệp như đồng, nickel và kẽm tăng như “phi mã”, đặc biệt giá nhôm đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các nhà nhôm Việt phải hết sức cẩn trọng và đứng vững trong thời gian này.
Vì đâu nhôm tăng giá chóng mặt?
Tính từ đầu năm 2017 tới nay, giá nhôm đã tăng tới 15%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,7% của kẽm và 3,1% của đồng.
Thặng dư hợp đồng nhôm từ tháng 4 đến tháng 6 tăng 33 USD, tương đương 35% so với quý I lên mức 128 USD/tấn trong đó bao gồm phí vận chuyển và phí bảo hiểm. Đây là mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2015 khi sản lượng nhôm của một số nước xuất khẩu nhôm vượt quá nhu cầu thị trường đã khiến giá mặt hàng kim loại này giảm mạnh.
Nhu cầu nhôm ở thị trường Hoa Kỳ đang tăng mạnh, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô dẫn đến tình trạng trữ lượng nhôm ở thị trường này thấp. Việc nhập khẩu nhôm thỏi từ Canada và những quốc gia khác vẫn chưa làm thuyên giảm tình trạng thiếu nhôm khiến phí thặng dư ở khu vực Bắc Mỹ đã tăng lên 60% trong sáu tháng qua.
Bên cạnh đó, hiện tượng đầu cơ, tích trữ nhôm bắt đầu nổi lên trước tình hình một số nước xuất khẩu nhôm đang nghiêm túc thực hiện các chính sách kiểm soát ô nhiễm môi trường khi cắt giảm công suất sản xuất của hàng loạt các nhà máy luyện kim. Điều này càng khiến tình trạng thiếu nguồn cung kim loại ở châu Á trở nên nghiêm trọng hơn.
Nguồn cung khổng lồ đột ngột cắt giảm chính là nguyên nhân khiến giá nhôm cả thế giới tăng chóng mặt trong thời gian qua, trong đó có thị trường Việt Nam.
Nhôm hệ Việt một phen lao đao
Không nằm ngoài tình hình chung của thế giới, thị trường nhôm hệ Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đợt tăng giá kỉ lục này.
Đây chính là hệ quả của việc nhập khẩu tràn lan nhôm hệ trong những năm 2014 – 2016. Không như các sản phẩm nhôm được sản xuất trong nước vốn phải vượt qua vòng kiểm định gắt gao về nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất và kiểm tra xuất xưởng, nhôm hệ nhập khẩu gần như không phải chịu bất cứ rào cản nào, cứ thế “ung dung” tiếp cận thị trường Việt. Điều này đã vô hình chung bóp chết những doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước khi phải duy trì và tồn tại để cạnh tranh yếu ớt với các “Ông lớn” khác. Các nhà phân phối và đại lý nhôm chân chính khổ sở vì cạnh tranh về giá với nhôm hệ nhập khẩu không qua kiểm soát chất lượng.
Đến khi các nước xuất khẩu nhôm sang Việt Nam cắt giảm sản lượng, nguồn cung thiếu thốn, nguồn sản xuất trong nước tạm thời chưa đáp ứng được khiến thị trường lao đao, khiến các nhà nhập khẩu hoang mang không biết đi về đâu. Cùng với đó, giá nhôm tăng đúng vào thời gian cao điểm của ngành xây dựng và bất động sản đã kéo theo vô số hệ lụy.
Đây có phải là thời cơ cho ngành nhôm hệ Việt?
Theo các chuyên gia kinh tế, việc các nước xuất khẩu nhôm sang Việt Nam cắt giảm hoạt động sản xuất nhôm lại được cho là tin tốt lành đối với ngành công nghiệp khai khoáng kim loại trên toàn thế giới nói chung và ngành nhôm nói riêng. Năm 2017, ước tính các quốc gia xuất khẩu nhôm khác cần phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu nhôm trên thế giới (tăng 2-3%/năm) vốn trước đây phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu.
Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng với các nhà sản xuất nhôm hệ Việt Nam vốn dĩ đang phải duy trì tồn tại. Nhu cầu tăng cao của thị trường chính là động lực to lớn để các nhà sản xuất trong nước lật lại cuộc chơi bấy lâu nay bị nhôm hệ nhập khẩu cầm trịch. Chỉ cần mạnh dạn đầu tư vào quy mô dây chuyền sản xuất, coi trọng nghiên cứu phát triển sản phẩm và tập trung vào chất lượng, các doanh nghiệp sản xuất nhôm Việt hoàn toàn có thể tự đứng vững trong bối cảnh phức tạp của thị trường nhôm này.