Nhiệt điện Duyên hải III xin nhập than nước ngoài
(Dân trí) - Bộ Công Thương và Nhà đầu tư Nhiệt điện Duyên Hải III (Trà Vinh) vừa gửi kiến nghị lên Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan và Chi cục Hải quan Cần Thơ, Vĩnh Long đề nghị hướng dẫn thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để nhập khẩu than nước ngoài để phát điện trong năm 2017.
Trước đó, trong Văn bản số 10077 tháng 10/2016, Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến ủng hộ cho Nhà máy nhiệt điện Duyên hải III nhập khẩu than để phát điện. Lý do được Bộ Công Thương đưa ra là Dự án Nhiệt điện Duyên hải III được xây dựng theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 được phê duyệt, dự án Nhà máy nhiệt điện Duyên hải III được sử dụng than nhập khẩu dự kiến vận hành trong năm 2016.
Theo Bộ Công Thương, từ tháng 7/2013, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc cho phép nhà đầu tư Nhiệt điện Duyên hải III được đàm phán nhập khẩu than nước ngoài phục vụ cho phát điện.
Hiện, quá trình đàm phán, đấu thầu than cho nhiệt điện đã xong, Nhiệt điện Duyên hải III đang chạy thử để vận hành thương mại từ năm 2017. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay doanh nghiệp trên không được hướng dẫn các thủ tục cần thiết để nhập khẩu than từ cơ quan Hải quan như Cục Hải quan TP. Cần Thơ, Chi cục Hải quan tỉnh Vĩnh Long. Do đó, Bộ Công Thương và DN phát điện đã kiến nghị lên Tổng cục Hải quan yêu cầu giải quyết những vướng mắc.
Trước kia, các DN có hoạt động liên quan đến nhập khẩu than như phát điện, duy trì lò hơi, lò nhiệt của các nhà máy được quyền tự đứng ra nhập khẩu hoặc đàm phán nhập khẩu. Tuy nhiên, từ năm 2014 theo chỉ đạo của Chính phủ, các DN nhập khẩu than phải qua hai đầu mối lớn là Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc. Đây là biện pháp nhằm đảm bảo nguồn nhập theo đúng khối lượng, hạn chế nhập khẩu than thấp cấp cho Việt Nam.
Hiện có nghịch lý đặt ra là than nhập khẩu về Việt Nam đang rất lớn, vượt dự kiến và kế hoạch của các cơ quan chức năng. Trong khi đó, than khai thác, chế biến của các DN trong nước đang tồn kho rất lớn, xuất khẩu bị hạn chế trong khi nguồn tiêu thụ trong nước không có do các nhà máy nhiệt điện, khí trong nước phần lớn nhập khẩu mặt hàng này từ nước ngoài.
Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, hết ngày 15/11, cả nước đã nhập khẩu hơn 12 triệu tấn than với khoảng 777 triệu USD, vượt gấp 40 lần so với kế hoạch nhập khẩu than trong năm của Bộ Công Thương. Ngược lại, than trong nước cũng có tỷ lệ tồn kho khoảng hơn 11 triệu tấn, xuất khẩu chưa đầy 1 triệu tấn than. Tồn kho, không bán được đang đe dọa sự phát triển của ngành than và công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động ngành này.
Điều đáng quan ngại hiện nay trong nhập khẩu than về Việt Nam là tỷ lệ nhập khẩu than của Trung Quốc đang rất lớn. Nước này là 1 trong 3 thị trường cung cấp than cho Việt Nam trong 11 tháng qua và giá mặt hàng than của Trung Quốc cũng cao hơn gấp từ 1 đến 2 lần so với than của hai thị trường cung cấp lớn khác là Nga, Úc.
Trong khi đó, 3 nhà máy Nhiệt điện Duyên hải I, II và III đều do các tổng thầu Trung Quốc và có vốn vay từ Trung Quốc thực hiện, điều này làm dấy lên quan ngại ngay chính từ các đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế về việc phụ thuộc từ công nghệ, kỹ thuật đến nguồn nhiên liệu phát điện từ Trung Quốc của các nhà máy trên. Bởi các đối tác cung cấp vốn, kỹ thuật của ba nhà máy trên đều từ Trung Quốc.
Trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1 gồm 2 tổ máy, với tổng công suất 1.245MW. Dự án do Tập đoàn Điện lực Đông Phương Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2 gồm 2 tổ máy, công suất 600MW mỗi tổ, ngày 30/12/2015 công ty Huadian Engineering của Trung Quốc đã được chỉ định làm tổng thầu EPC của dự án. Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, tổng mức đầu tư của dự án là trên 1,5 tỷ USD, trong đó 85% là vốn vay của 3 ngân hàng Trung Quốc, 15% còn lại là vốn đối ứng của EVN. Dự án do liên danh 4 nhà thầu của Trung Quốc làm tổng thầu.
Nguyễn Tuyền