Sau siết ô tô nhập, Bộ Công Thương dự báo ô tô nội sẽ bán "chạy" hơn

(Dân trí) - Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho rằng, sản xuất và tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước "sẽ khả quan hơn" trong năm 2018 và các hãng ô tô chú trọng sản xuất dòng xe cỡ nhỏ…

Năm 2017 sản xuất lắp ráp, tiêu thụ ô tô của Việt Nam giảm do tâm lý chờ đợi xe nhập khẩu giá rẻ...
Năm 2017 sản xuất lắp ráp, tiêu thụ ô tô của Việt Nam giảm do tâm lý chờ đợi xe nhập khẩu giá rẻ...

Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, sản lượng sản xuất, tiêu thụ ô tô trong năm 2017 đều giảm so với năm 2016. Cụ thể, về sản xuất: Năm 2017 sản xuất lắp ráp ô tô của Việt Nam đạt 238.300 chiếc, giảm 6,6% so với năm 2016.

Về tiêu thụ: Tính chung cả năm 2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 272.743 xe, giảm 10,3% so với cùng kỳ 2016. Xét về xuất xứ, doanh số bán hàng của toàn thị trường 197.9095 xe, giảm 13,7%; xe nhập khẩu đạt 75.648 xe, giảm 0,4%.

Cục Công nghiệp cho biết, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tâm lý chờ đợi xe nhập khẩu giá rẻ theo lộ trình hội nhập AFTA, khi thuế suất về bằng 0% (năm 2018) của người tiêu dùng khiến doanh số bán hàng của hầu hết các hãng xe đều không được kỳ vọng.

Để kích cầu, năm 2017, các hãng xe đua nhau giảm giá bán. Mức giá giảm từ vài chục triệu đồng đến 200 triệu đồng trong nửa cuối năm 2017. Theo Cục Công nghiệp, dự báo sang năm 2018, nhập khẩu ô tô sẽ chững lại trong những tháng đầu do doanh nghiệp cần thời gian làm quen với Nghị định 116.

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125 giảm thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về 0% nhằm cạnh tranh với xe nhập hưởng thuế 0% từ 2018. Do vậy, Cục Công nghiệp dự báo sản xuất và tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước "sẽ khả quan hơn" và các hãng ô tô chú trọng sản xuất dòng xe cỡ nhỏ.

Theo Cục Công nghiệp, các chính sách mới đã có tác động tích cực đến ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Mặc dù năm 2017 là một năm có ý nghĩa quan trọng khi ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng trong khu vực, với hàng rào thuế quan gần như được gỡ bỏ hoàn toàn và ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu để giữ vững được thị trường, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam vẫn khởi công nhiều dự án quy mô lớn.

"Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ cũng như doanh nghiệp trong việc phát triển ngành công nghiệp ô tô đón đầu xu thế hội nhập quốc tế", lãnh đạo Cục Công nghiệp nhận định.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng chính là cơ quan liên tục có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó đưa ra một loạt ưu đãi về thuế phí…

Bộ Công Thương cho rằng, thời gian vừa qua Chính phủ đã ban hành một số chính sách quan trọng để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó có việc ban hành Nghị định số 116 nhằm đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa doanh nghiệp nhập khẩu với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Tuy nhiên, để tiếp tục có các giải pháp phát triển ngành ô tô trong nước trong thời gian tới, giảm bớt tình trạng nhập siêu ô tô, Bộ Công Thương cho biết cần phải có thêm các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cắt giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm như việc điều chỉnh lại các chính sách thuế phí, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Điều này giúp giảm giá xe "made in Việt Nam", khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Đồng thời đề xuất miễn thuế nhập nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Bộ này cũng kiến nghị việc áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện hành.

Nguyễn Khánh

Sau siết ô tô nhập, Bộ Công Thương dự báo ô tô nội sẽ bán "chạy" hơn - 2