Quảng Ninh tiếp tục đề xuất hoàn thiện Luật Đặc khu và xây khu kinh tế với Trung Quốc

(Dân trí) - Tại Hội nghị Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đề xuất Chính phủ hoàn thiện dự thảo Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác song phương với Trung Quốc.

Cụ thể ông Nguyễn Đức Long kiến nghị: Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị với Chính phủ ba vấn đề. Vấn đề thứ nhất, hiện Quảng Ninh đang có một số dự án trình lên Trung ương xin Chính phủ xem xét và phê duyệt, trong đó sớm thông qua chủ trương đầu tư khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc (Quảng Yên).

Sân bay Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh)
Sân bay Quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh)

Vấn đề thứ hai, Thủ tướng và Phó Thủ tướng, Ban chỉ đạo Quốc gia về đặc khu cần tiếp tục hoàn thiện dự án luật này để trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo đúng kế hoạch.

Vấn đề thứ ba, tỉnh này đề xuất Bộ Công thương cần sớm đẩy nhanh tiến độ đề án hợp tác kinh tế song phương, trong đó có khu hợp tác kinh tế biên giới TP Móng Cái với TP Đông Hưng.

Được biết, dự án hạ tầng Khu hợp tác kinh tế biên giới Móng Cái - Đông Hưng nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng hạ tầng khu hợp tác biên giới để thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, dự án này sẽ thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa TP Móng Cái và TP Đông Hưng. Quy mô diện tích của dự án gồm có 1.360 ha, vị trí thuộc phường Hải Hòa (TP Móng Cái). Thời gian triển khai dự án từ 2017 – 2020, trong đó giai đoạn 1 hoàn thành xây dựng 700 ha.

Dự kiến, tổng vốn đầu tư của dự án khu kinh tế biên giới này là 15.000 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP với 100% vốn nhà đầu tư, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư Trung Quốc.

Về vấn đề đặc khu, Quảng Ninh là một trong ba tỉnh có địa điểm xây Đặc khu Kinh tế tại huyện đảo Vân Đồn. Tại đây, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược đã xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng điện đường, trường, trạm, trong đó đặc biệt là sân bay quốc tế Vân Đồn được đầu tư theo hình thức xã hội hóa bởi Tập đoàn Sun Group.

Đầu tháng 6/2018, trước nhiều ý kiến phản biện của chuyên gia, người dân cả nước, Chính phủ và Quốc hội đã quyết định lùi thời gian xem xét, cho ý kiến và thông qua Luật Đặc khu kinh tế tại kỳ họp thứ 5 (diễn ra từ ngày 9/6 đến hết ngày 15/6).

Các đại biểu Quốc hội quyết định lùi thời hạn xem xét, thông qua Dự thảo Luật Đặc khu sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV dự kiến diễn ra gần cuối năm nay.

Nguyễn Tuyền

Quảng Ninh tiếp tục đề xuất hoàn thiện Luật Đặc khu và xây khu kinh tế với Trung Quốc - 2