1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Quá nhiều bằng sáng chế nhưng chẳng bằng nào... đẻ ra tiền!

(Dân trí) - Tại Việt Nam có những tiến sĩ có rất nhiều bằng sáng chế. Số lượng bằng sáng chế nhiều đến nỗi có thể “dán” phủ kín được một người. Tuy nhiên, những bằng sáng chế này lại không thể phát triển trong thương mại và không “đẻ” ra tiền.

Hội thảo "Tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp" diễn ra tại TPHCM, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã "kêu trời" về tình trạng bằng sáng chế không được cấp chứng nhận quyền sở hữu cũng như khó... thương mại hoá.

Hội thảo Tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp diễn ra tại TPHCM
Hội thảo Tổ chức và quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp diễn ra tại TPHCM

Đau đầu vì... vi phạm sở hữu trí tuệ

Một thực tế "phũ phàng" là giáo sư, tiến sĩ thì nhiều, công trình nghiên cứu, bằng sáng chế “đầy ắp”, thế nhưng, khó ứng dụng thực tế nên không... "đẻ" ra tiền.

PGS.TS Huỳnh Quyền cho biết, một giảng viên đại học đi dạy hàng chục năm với bề dày kinh nghiệm mới làm ra được một giáo trình hoàn chỉnh. Thế nhưng, chỉ cần một người nào đó đưa giáo trình này lên mạng thì người khác chỉ mất 500 đồng hoặc 200 đồng để tải giáo trình về trong... tích tắc.

“Hiện nay, việc chưa phân định rõ ràng về quyền trong sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu không biết ai sẽ đứng ra bảo vệ công trình của mình, ai sẽ xử lý việc vi phạm sở hữu trí tuệ của mình. Điều này khiến người làm khoa học khá mất niềm tin và hoang mang”, ông Quyền nói.

Đại diện trường Đại học Ngân hàng TPHCM chia sẻ, trường này có khá nhiều công trình nghiên cứu. Trong đó, có những công trình do cả tập thể dồn sức vào để làm và kinh phí nghiên cứu do trường bỏ ra.

Tiến sĩ Bùi Văn Quyền đưa ra ý kiến thảo luận
Tiến sĩ Bùi Văn Quyền đưa ra ý kiến thảo luận

Sau khi công trình nghiên cứu hoàn tất thì có đơn vị muốn mua lại công trình để làm thương mại nhưng trường không trình ra được chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ, bởi quy định về chủ thể sở hữu trí tuệ vẫn chưa rõ ràng và chủ yếu cấp cho cá nhân.

Công trình do cả tập thể cùng làm ra nhưng lại “vướng” nhiều rào cản dẫn đến việc khó được cấp quyền sở hữu trí tuệ, chính vì thế nên không thể phát triển thương mại.

“Chúng tôi cần những quy định xác nhận chủ thể một cách rõ ràng và có một khung pháp lý đầy đủ. Khung pháp lý cần nêu cụ thể thế nào là quyền cá nhân, thế nào là quyền tập thể…”, đại diện trường Đại học Ngân hàng TPHCM nói.

Thương mại hoá... bằng sáng chế

Không ít nhà khoa học cho rằng, nhiều công trình đã nghiên cứu xong hàng chục năm nhưng vẫn chưa được cấp quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến không thể thương mại hóa công trình. Điều này khiến các nhà khoa học theo đuổi đề tài đi từ hy vọng đến... thất vọng.

Tiến sĩ Bùi Văn Quyền cho biết, tại Việt Nam có những tiến sĩ có rất nhiều bằng sáng chế. Số lượng bằng sáng chế nhiều đến nỗi có thể “dán” phủ kín được một người. Tuy nhiên, những bằng sáng chế này lại không thể phát triển trong thương mại và không “đẻ” ra tiền.

Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng đại diện văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM thì giá trị của những công trình nghiên cứu, những chiếc bằng sáng chế phải thể hiện được bằng giá trị thương mại. Những công trình khoa học phải mang lại lợi nhuận kinh tế nhất định mới đáng công nghiên cứu.

Các nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện các các trường đại học đã đến tham gia chương trình
Các nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện các các trường đại học đã đến tham gia chương trình

Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu nhưng không thể ứng dụng vào trong đời sống. Thậm chí, một số công trình còn có bằng khen cấp Bộ nhưng giá trị về kinh tế bằng... "zê-rô".

Phó trưởng đại diện văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM cũng nhấn mạnh rằng, các nhà khoa học cần nghiên cứu những cái mà thị trường đang cần chứ không phải đưa ra thị trường những cái chúng ta có, bởi nếu như vậy chúng ta sẽ mãi loay hoay với bài toán tìm đầu ra cho các công trình nghiên cứu khoa học.

“Từ những vướng mắc của các nhà khoa học và doanh nghiệp... chúng tôi sẽ tổng hợp ý kiến và đề xuất những giải pháp giải quyết các vấn đề còn tồn đọng”, ông Khuê nói.

Đại Việt – Công Quang

Quá nhiều bằng sáng chế nhưng chẳng bằng nào... đẻ ra tiền! - 4